Diễn viên Cao Việt Hưng: HTV đã cho tôi nhiều thứ hơn cả danh vọng

“Có lẽ tôi là người cầu toàn, cho nên chả bao giờ thấy hài lòng về vai diễn vừa quay xong, nhưng thường thì sau mỗi lần quay, tôi đều tự mình rút ra bài học riêng để lần sau nỗ lực hơn nữa”, thầy giáo – diễn viên Cao Việt Hưng tâm sự.

Diễn viên Cao Việt Hưng (thứ 2 từ trái sang) trong chương trình "Siêu thị cười" 

Xin chào anh Cao Việt Hưng. Anh vừa là một nhà quản lý giáo dục, một giảng viên tại Trường Đại học Bình Dương, lại vừa là người say mê với các vai diễn trên sân khấu một cách kỳ lạ. Như vậy, mọi người sẽ khó “nhận diện” Cao Việt Hưng là ai?

Tôi không nghĩ là tôi khó nhận diện, bởi tôi là một người Việt Nam tử tế, có tri thức và có trách nhiệm với chính bản thân mình, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tôi cũng có quyền có đam mê, dùng kiến thức phục vụ chính mình, phục vụ xã hội và những con người đang sống quanh tôi.

Trường học là một xã hội thu nhỏ, sàn diễn là nơi thể hiện lại những nhân vật có trong xã hội, từ đó có những bài học cho cách sống và ứng xử của mỗi cá nhân. Diễn viên là người may mắn được sống nhiều số phận trong cuộc đời của mình. Do vậy, người diễn viên phải luôn tổ chức sắp xếp các công việc một cách thông minh,  khoa học và phải rất chặt chẽ. Những đơn nguyên cơ bản của kỹ thật biểu diễn là kim chỉ nam để tôi sắp xếp và thực hiện tốt công việc của mình.  

Tôi xác định được mục đích của bản thân, vạch ra từng mục tiêu để mình thực hiện mục đích đó. Tôi nhận diện chính xác bản thân tôi như vậy, nên tôi không nghĩ đồng sự, bạn diễn, khán giả và những người xung quanh lại không nhận diện ra tôi!

Thầy giáo Cao Việt Hưng trong giờ giảng tại Trường Đại học Bình Dương

Trở lại với câu chuyện sân khấu. Anh lý giải thế nào nếu có thắc mắc anh là người “có điều kiện” sao lại phải vất vả đi đóng kịch mà họ tin rằng, anh không thể “sống” bằng thù lao cho những vai diễn đó?

Tôi không hiểu lắm từ “có điều kiện”. Tuy nhiên, là một con người nếu ngay từ tuổi trẻ mà không có đam mê thì chắc chắn sự thành công sẽ không đến với họ khi bước sang tuổi trung niên. Diễn viên là đam mê của tôi, tôi đã từng cãi lời cha, mẹ, đã từ bỏ năm thứ ba của một trường đại học để theo đuổi đam mê của mình từ giữa những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, để rồi sau đó, từ nghề diễn tôi hiểu ra rằng, muốn giữ được đam mê thì cần phải có chuyên môn nghiệp vụ khác nữa. Thế là tôi tiếp tục học Quản trị Kinh doanh - chuyên ngành Marketing, rồi học luật… 

Tôi diễn để kiếm tiền đi học tiếp, có một thời tôi nằm trong nhóm kịch tấu hài của Hồng Vân, Lý Hùng, Trung Dân và Cao Việt Hưng, diễn cho sân khấu đại nhạc hội Duy Ngọc, rồi cũng có thời gian tôi về đoàn kịch Cửu Long Giang, Đoàn kịch trẻ, Đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… những con người tôi gặp mặt trong những năm tháng đó chính là “ĐIỀU KIỆN” để nuôi dưỡng đam mê nghiệp diễn mà tôi may mắn có được. 

Tôi không sống được bằng thù lao diễn, nhưng thù lao diễn cho tôi được học thêm nhiều chuyên môn khác, tôi thấy mình rất hạnh phúc khi “có điều kiện” hơn người khác rất nhiều rồi.

Diễn viên Cao Việt Hưng được các đồng nghiệp trẻ "nhận diện"

Như vậy, có thể nói sân khấu có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời anh?

Sàn diễn, màn ảnh không chỉ có ý nghĩa mà còn là một vùng trời kiến thức giúp cho tôi có đủ dũng khí, đủ tri thức để sống một cuộc sống mang đậm phong cách của một người Việt Nam. Từng nhân vật đem đến cho tôi những bài học cụ thể, những biên kịch, đạo diễn mà tôi được vinh hạnh làm việc đã cho tôi những kiến thức bổ ích. Họ còn giúp tôi trưởng thành trong nghề, đĩnh đạc, tự trọng trong đời sống.

Cung bậc cảm xúc từ một sàn diễn tráng lệ, đến những chiếc bàn học sinh kê tạm hay một ụ pháo, một bờ chiến hào, mà cũng có thể là một thửa ruộng mới gặt xong… từng nụ cười, tiếng vỗ tay, những niềm vui của khán giả…tất cả những điều đó là tài sản vô cùng quý giá trong hành trang cuộc đời tôi.

Cũng nhờ nghiệp diễn mà tôi được đến gần hơn với khán giả của mình, đến những nơi tuyến đầu của Tổ quốc, thấy đất nước mình đẹp và rực rỡ biết bao nhiêu. Những đêm diễn trên bong tàu giữa biển Đông lộng gió, phục vụ các chiến sĩ Trường Sa là những đêm diễn mà không phải người diễn viên nào cũng có được. Đó chẳng phải là vinh dự, chẳng phải là hạnh phúc tột cùng của một đời diễn viên?


Trong một chuyến công tác Trường Sa 1995

Tại sân khấu HTV, anh là diễn viên đã có gần 30 năm gắn bó thân thiết. Với khoảng thời gian dài như vậy, kỷ niệm nào hoặc vai diễn nào khiến anh nhớ nhất? 

HTV là ngôi nhà thứ 2 của tôi, từ những năm 86-87, tôi đã được diễn chung với thầy, cô, với thần tượng của mình, được làm việc với những đạo diễn hình kỳ cựu và chắc nghề trên sóng của Đài. Các vở diễn có thể kể đến như: Khuất Nguyên, Hải Thụy bãi quan, Tất cả đều là con tôi, Phía sau đôi mắt... Từ những vai diễn đó, tôi được đồng nghiệp, cộng sự, bạn bè và học trò biết đến. HTV đã cho tôi nhiều thứ hơn cả danh vọng, hơn cả hào quang, HTV cho tôi bản lĩnh, tự tin hiểu mình, hiểu người, sáng tạo cùng một tập thể có nghề và có tầm. 

Vai diễn ấn tượng nhất, mà nói đúng ra là sợ nhất là vai Tử Tiêu trong Khuất Nguyên - thầy Trần Minh Ngọc đạo diễn dàn dựng, đạo diễn hình Lê Thụy. Vở kịch đó, tôi bị “kẹp” giữa Hữu Châu và Minh Nhí - hai đàn anh sừng sỏ nên phải mày mò tìm cách diễn, tìm giọng thoại,… tôi rúng động mấy đêm trước ngày quay. Rồi kết thúc ngày quay cuối cùng, thầy vỗ vai và nói: khá đấy, tôi nhẹ cả người!

Cũng trên sân khấu HTV, nhân vật anh thường đóng là dạng vai gì? và anh có hài lòng về cách hóa thân của mình vào nhân vật?

Kiểu của tôi là đa nhân cách, nên vai nào tôi cũng “nuốt” hết. Tôi có thói quen cầm kịch bản là viết ngay lý lịch nhân vật trong đầu, xác định nhiệm vụ của mình trong từng cảnh, tìm hành động diễn thông qua tiếng nói nội tâm của nhân vật. Khi thoại với bạn diễn, tôi cân chỉnh tone giọng để phù hợp cho việc nhấn nhá, hợp tác cùng bạn diễn để hoàn thành ý đồ của đạo diễn dàn dựng và lột tả thần thái trong từng khoảnh khắc quan trọng, đó chính là đạo đức nghề của tôi.

Có lẽ tôi là người cầu toàn, cho nên chả bao giờ thấy hài lòng về vai diễn vừa quay xong, nhưng thường thì sau mỗi lần quay, tôi đều tự mình rút ra bài học riêng để lần sau nỗ lực hơn nữa.

Có bao giờ anh chạnh lòng khi được giao vai nhỏ, vai phụ?

Theo suy nghĩ của tôi từ khi còn đi học ở trường Điện ảnh Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh thì không có vai diễn nhỏ mà chỉ có người diễn viên nhỏ khi nhìn vào vai diễn của mình thôi.

Với tính cách của tôi, tôi thích vai tính cách hơn là vai chính, tôi cũng hiểu rằng, vai phụ (dàn bao) phải thật xuất sắc thì vai chính mới có thể thăng hoa. Thật ra, vai chính diễn rất khó, bởi vậy với tôi, vai chính là vai phụ, vai tính cách chính là vai chính… Thấy lạ đời chưa?

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Minh Đăng thực hiện