Điền kinh Việt Nam có đội hình mạnh mẽ ở giải Châu Á

QUỲNH NHƯ Tổng hợp // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 12/7/2023, 08:08

Nếu so sánh các thống kê, những vận động viên điền kinh Việt Nam có thể sẽ đạt dấu mốc mới tại Giải vô địch điền kinh Châu Á 2023.

Tổ tiếp sức 4 x 400 mét nữ Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ngọc có khả năng tranh chấp huy chương tại Giải vô địch điền kinh Châu Á 2023. Nguồn ảnh: Nam Trần

Trong lịch sử 50 năm Giải vô địch điền kinh Châu Á, đội tuyển điền kinh Việt Nam có thành tích khá khiêm tốn. Một phần vì đây không phải giải đấu trọng điểm như ở đấu trường Asiad, Olympic.

Các đội tuyển mạnh ở châu lục như Trung Quốc và Nhật Bản, họ thường xem đây là giải tập huấn, tạo đà cho các giải đấu quan trọng hơn.

Đơn cử như tại Giải vô địch điền kinh Châu Á 2023 lần này, nhiều vận động viên hàng đầu Châu Á sẽ không tham dự. Vì vào tháng 8 sẽ có Giải vô địch điền kinh thế giới tại Hungary và tháng 9 sẽ là Asiad 19 tại Trung Quốc. 

Điền kinh Việt Nam "làm mới" thông số

Lãnh đạo và một số HLV tuyển điền kinh Việt Nam đều cho biết Giải vô địch điền kinh Châu Á 2023 chủ yếu để kiểm tra phong độ của các vận động viên, tính toán điểm rơi cho Asiad 19. "Nếu nói thành tích thì các vận động viên chỉ cần vượt qua chính mình là được", một HLV cự ly ngắn chia sẻ.

Nhưng nếu xét đến các thông số tốt nhất của điền kinh Việt Nam trong lịch sử Giải vô địch điền kinh Châu Á, dàn vận động viên hiện tại có thể xem đó như cột mốc, tạo động lực "làm mới" thông số cho điền kinh Việt Nam. Và điều này nằm trong khả năng của nhiều vận động viên tham dự giải lần này, nếu lấy thành tích ở SEA Games 32 để so sánh.

Nguyễn Thị Oanh (phải) khả năng sẽ tập trung cho cự ly 1.500 mét và nội dung 3.000 mét vượt chướng ngại vật, trong khi Phạm Hồng Lệ có sở trường cự ly 5.000 mét và 10.000 mét. Nguồn ảnh: Nam Trần

Đầu tiên ở các nội dung cự ly ngắn. Trên đường chạy 100 mét nam, thông số tốt nhất đang được ghi nhận thuộc về cựu vận động viên Nguyễn Đình Minh với 10,9 giây lập năm 1993. Và cự ly 200 mét nam thuộc về cựu vận động viên Nguyễn Thanh Hải với 21,97 giây lập năm 2002.

So sánh với Ngần Ngọc Nghĩa tham dự giải lần này. Thành tích của anh ở SEA Games 32: 100 mét đạt 10,46 giây, 200 mét đạt 20,84 giây. Hai thông số này của Nghĩa đều vượt trội so với các đàn anh.

Đối với nữ, trên đường chạy 100 mét, tài năng trẻ Trần Thị Nhi Yến chưa thể so sánh với huyền thoại Vũ Thị Hương - người từng giành 2 huy chương Bạc với thành tích tốt nhất là 11,33 giây ở giải năm 2009.

Nhưng ở cự ly 200 mét, Nhi Yến đã đạt thông số 23,54 giây, nhanh hơn so với đàn chị từng giành huy chương Bạc năm 2009 với thành tích 23,61 giây.

Trên đường chạy cự ly trung bình, Lương Đức Phước đã đạt thông số 1 phút 53,08 giây ở cự ly 800 mét và 3 phút 59,31 giây ở cự ly 1.500 mét.

Thánh tích này vượt qua đàn anh Nguyễn Ngọc Hoàng (800 mét, 1 phút 54,63 giây lập năm 1991), Lê Hoài Phương (1.500 mét, 4 phút 09,52 giây lập năm 2015).

Cự ly trung bình nữ, nổi bật nhất vẫn là Nguyễn Thị Oanh. Cô đã đạt thông số 4 phút 16,85 giây ở cự ly 1.500 mét, tốt hơn so với đàn chị Trương Thanh Hằng - 4 phút 18,40 giây lập năm 2011.

Ở nội dung 3.000 mét vượt chướng ngại vật, Nguyễn Thị Oanh gặp bất lợi về thời gian thi đấu cách nhau chỉ 30 phút ở SEA Games 32. Vì thế thông số sẽ được lấy ở kỳ SEA Games 31 và cũng là kỳ mà Oanh lập kỷ lục với thành tích 9 phút 52,44 giây để so với đàn chị Nguyễn Thị Phương - 10 phút 14,94 giây, giành huy chương Đồng năm 2011.

Nếu lấy thêm thành tích ở SEA Games 30, kỳ đại hội mà Nguyễn Thị Oanh cũng bất lợi về lịch thi đấu hai nội dung/ngày thì thông số là 10 phút 00,02 giây.

Ở nội dung tiếp sức 4 x 400 mét nữ, tổ Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ngọc đã đạt thành tích 3 phút 33,05 giây.

Thông số chỉ nhỉnh hơn tích tắc so với tổ Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Huyền đạt thành tích 3 phút 33,22 giây - giành huy chương Vàng tại giải năm 2017.

Ở nội dung nhảy xa nam, Nguyễn Tiến Trọng đã đạt thành tích 7,66 mét, nhỉnh hơn so với đàn anh Nguyễn Văn Mùa - 7,39 mét lập năm 2011.

Nội dung nhảy 3 bước nữ, VĐV trẻ Nguyễn Thị Hường đã đạt thành tích 13,46 mét, nhỉnh hơn một chút so với đàn chị Phạm Thị Thu Lan lập vào năm 2002.

Nguồn: Tuổi trẻ

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo coi "kỷ cương-trách nhiệm" như một động lực tăng trưởng nội tại của bộ máy quản lý, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thủ tướng đồng ý chủ trương và yêu cầu phấn đấu hoàn thành nâng cấp tuyến đường nối này lên cao tốc vào cuối năm 2025.
(HTV) - Nội các Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ đóng cửa các cửa hàng miễn thuế ở khu vực nhập cảnh tại 08 sân bay quốc tế của nước này trong ít nhất một năm. Mục tiêu là nhằm khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng nội địa.
(HTV) - Vàng thế giới tiến sát mốc 2.400 USD/ounce, rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới về quanh ngưỡng 2,5 triệu đồng. Tăng 0,4% đủ để dầu Brent sánh bước với dầu WTI ghi nhận tuần tăng giá.
(HTV) - Lịch sử các lần tăng lương cho thấy giá cả đều "nối gót" tăng theo, bởi nhiều người lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến đại đa số người tiêu dùng.
Công an TP.HCM phát hiện, ngăn chặn một nhóm đối tượng có hoạt động mua gom vàng miếng SJC tại các điểm bán vàng miếng bình ổn để trục lợi.
(HTV) - Ông Masoud Pezeshkian, ứng cử viên theo đường lối cải cách, đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vòng 2 diễn ra hôm 05/7. Thông tin do Bộ Nội vụ nước này công bố.