Để TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu đến tháng 10/2019 sẽ xong đề cương chi tiết, giải pháp phần mềm xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.


Các chuyên gia, lãnh đạo ban ngành TP.HCM trao đổi hoàn thiện dự án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính (Ảnh: N.BÌNH)

Trung tâm tài chính quốc tế

Có nhiều định nghĩa về Trung tâm tài chính, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở việc mô tả trung tâm tài chính như một khu vực địa lý (ở mức độ thành phố hoặc tương đương) trong đó lĩnh vực tài chính phát triển ở mức độ cao, thể hiện ở việc tập trung nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn mạnh, cơ sở hạ tầng phát triển và các yếu tố khác phục vụ cho các giao dịch tài chính diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Trung tâm tài chính có nhiều cấp độ, như: Trung tâm tài chính quốc gia, Mở cửa với nước ngoài, Trung tâm tài chính khu vực, Trung tâm tài chính toàn cầu. Mỗi cấp độ biểu hiện tầm ảnh hưởng khác nhau của Trung tâm tài chính. Tại Việt Nam, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có thể được coi là 2 trung tâm tài chính quốc gia.

Thông thường, các trung tâm tài chính được hình thành qua thời gian và thường trải qua các giai đoạn như đã nêu. Tuy nhiên, chỉ có một số rất ít trung tâm tài chính với những điều kiện thuận lợi nhất mới vươn lên trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. Tiêu biểu trong số đó là London và New York, với lịch sử phát triển kéo dài hàng thế kỷ. Cho đến nay, London và New York đã trở thành 2 trung tâm tài chính toàn cầu lớn và quan trọng bậc nhất đối với toàn bộ thế giới tài chính.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Để xem xét sự hình thành của trung tâm tài chính, trước hết phải xem xét đến sự hình thành của các trung tâm công nghiệp, thương mại. Phần lớn các thành phố được coi là trung tâm thương mại hoặc công nghiệp thường được hình thành xung quanh những khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên hoặc những khu vực có giao thông thuận lợi. Tại các thành phố này dần hình thành những tổ hợp dịch vụ & sản xuất chuyên môn hóa, hỗ trợ cho việc sản xuất và buôn bán như dịch vụ quản trị, dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, tư vấn luật, đại lý bán buôn, công nghiệp phụ trợ… 

Một trung tâm tài chính quốc tế được xác định qua 3 đặc điểm cơ bản là: là nơi tập trung của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn; có trình độ phát triển cao trong khu vực tài chính, là nơi diễn ra nhiều các dịch vụ tài chính cấp cao (như hoạt động ngân hàng đầu tư, tài chính doanh nghiệp hay giao dịch chứng khoán), khối lượng giao dịch lớn và chuyên biệt hóa một cách rõ rệt và sự phát triển của khu vực dịch vụ hỗ trợ.

Khi các ngành công nghiệp phát triển ở mức độ cao, có nhu cầu tài chính lớn, tạo ra một lượng cầu lớn về dịch vụ tài chính. Để tiện cho việc giao dịch, các ngân hàng và tổ chức tài chính thường chọn đặt trụ sở tại gần khách hàng, từ đó dần dần tập trung lại và hình thành nên các trung tâm tài chính. Khi các ngân hàng và tổ chức tài chính tập trung lại với nhau, các dịch vụ tài chính dần dần được chuyên biệt hóa một cách rõ rệt. 

Để đảm bảo an toàn cũng như thuận lợi cho các giao dịch này, các trung tâm tài chính phải thỏa mãn nhu cầu về hạ tầng cơ sở cũng như các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Để đáp ứng nhu cầu đó của các ngân hàng và tổ chức tài chính, các công ty dịch vụ hỗ trợ như tư vấn luật, tư vấn thuế, kiểm toán, quản trị, đào tạo cũng dần tập trung lại, tạo nên bức tranh hoàn thiện của một trung tâm tài chính.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo "Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế"

Quyết tâm của TP.Hồ Chí Minh

Trở lại với TP.Hồ Chí Minh, chúng ta biết rằng, mặc dù chỉ chiếm 9,2% dân số và 0,6% diện tích, nhưng Thành phố tạo ra 21,2% GDP, 27% số thu ngân sách, chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Hiện nay, Thành phố đầu tư mạnh mẽ cho các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông như đường vành đai, metro và cảng hàng không quốc tế…, nên các hoạt động giao thương, kết nối sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Với lợi thế vốn có của một trung tâm kinh tế đầu tàu năng động, nên việc định hướng đưa TP.Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á, trong đó, trọng tâm là trở thành trung tâm tài chính quốc tế là kỳ vọng hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề đặt ra là làm thế nào để TP.Hồ Chí Minh có thể phát huy tiềm năng hiện có và cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác, để từ đó vươn lên trở thành một điểm sáng thu hút các tổ chức tài chính, đồng thời tác động tích cực trở lại nền kinh tế Thành phố, cũng như tạo động lực tăng trưởng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kinh tế cả nước nói chung. Thành phố cần có trung tâm hỗ trợ các nhà đầu tư về luật pháp, các giấy tờ kinh doanh… để họ có thể dễ dàng, thuận tiện thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, Thành phố cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp cận các tập đoàn tài chính lớn, ngân hàng quốc tế.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề hội thảo

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thừa nhận, một trong những rào cản là vấn đề thể chế. Mới đây, Thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện xây dựng “Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”. Trong đó, lộ trình thực hiện Kế hoạch đã được xác định là trong năm nay sẽ hoàn thành 2 giai đoạn đầu (gồm Đề cương sơ bộ và Các điều khoản tham chiếu). Cuối năm 2020, sẽ hoàn thành giai đoạn 3 (Đề án khả thi). 

Mục tiêu tổng quát của Đề án là định hướng, xây dựng và thực thi các chính sách cho phát triển trung tâm tài chính của TP.HCM trong tương lai, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, tại cơ chế đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với những vấn đề còn vướng mắc, nếu ngoài thẩm quyền, Thành phố sẽ báo cáo Trung ương để xin cơ chế.

Tại hội thảo góp ý cho đề án này vừa được Thành phố tổ chức hồi trung tuần tháng 7/2019, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước tiên, TP.Hồ Chí Minh cần phải trở thành trung tâm tài chính quốc gia, phục vụ tốt cho nhân dân cả nước. Làm tốt nhiệm vụ bước một, từ đó mới có lộ trình tiến lên bước hai là trở thành trung tâm tài chính của khu vực và sau đó mới đến bước ba là trung tâm tài chính quốc tế.

Thành phố đang làm chương trình trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh và đây chính là những nền tảng hỗ trợ cho kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sau này. Ông Nhân chỉ ra 6 nhiệm vụ TP.Hồ Chí Minh đang tiến hành để tạo nền tảng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính. Thứ hai là đẩy mạnh phát triển đô thị thông minh và trí tuệ nhân tạo. Thứ ba là hoàn thiện hạ tầng giao thông và quản trị giao thông thông minh. Thứ tư là đẩy mạnh chống ngập. Thứ năm là hiện đại hóa quy hoạch đô thị. Xếp cuối cùng trong nhóm 6 nhiệm vụ này là đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp sáng tạo tại TP HCM, trong đó tạo điều kiện phát triển khởi nghiệp công nghệ tài chính.

Ông Nhân thừa nhận mục tiêu đưa TP.Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của cả nước đã được quan tâm từ rất lâu nhưng nhiều năm qua đều lỗi hẹn là do chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Nay với đề án này, lãnh đạo Thành phố có quyết tâm để thực hiện một cách chất lượng. Dự kiến tháng 10/2019 sẽ xong đề cương chi tiết, giải pháp phần mềm để báo cáo HĐNĐ, Thành ủy, sau đó báo cáo Thủ tướng.

Văn Nguyễn