Thời gian qua, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) đã phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố tổ chức phát sóng các nội dung dạy học trên truyền hình, Internet trong thời gian nghỉ cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên.
Và không chỉ có TP. Hồ Chí Minh, trong cả nước, nhiều tỉnh thành cũng tổ chức dạy học trên sóng truyền hình cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ vì phòng chống dịch Covid-19. Đây là những nỗ lực rất đáng quý trong việc duy trì hoạt động dạy và học trong hoàn cảnh đặc biệt và góp phần hình thành thói quen khai thác xu hướng e-learning, xây dựng xã hội học tập như nhiều nước trên thế giới đã làm thời gian qua.
Dù trong mùa dịch, học sinh vẫn tiếp cận với tri thức các môn học qua nội dung dạy trên sóng HTV (Ảnh: Thanh Hải)
Thực ra, dạy học trên sóng truyền hình không phải là chuyện quá mới. Hàng chục năm qua, HTV và nhiều đài khác đã có nhiều chương trình dạy “trồng cây, nuôi con”, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, tư vấn pháp lý, thậm chí tập Yoga, cắm hoa, mua sắm… Nội dung ôn thi trung học phổ thông, dạy ngoại ngữ, tin học, đào tạo đại học từ xa... cũng xuất hiện khá lâu rồi.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có một tổng kết về mặt chuyên môn (từ góc độ truyền hình cũng như góc độ giáo dục) để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức như lập kế hoạch, duyệt kế hoạch, biên tập chương trình, thu hình, thu tiếng, công tác hậu kỳ, giờ phát sóng, xây dựng nội dung phát sóng, chọn lựa giáo viên, chọn lựa hình thức thể hiện phù hợp với các nội dung, hình thức giao tiếp với khán giả - học viên, những người tham gia chương trình…
Những chương trình dạy học dù nhắm đến đối tượng cụ thể song thường được sự quan tâm của số đông công chúng. Chương trình ôn tập không chỉ học sinh theo học mà hàng ngàn thầy cô giáo cũng theo dõi rất kỹ. Họ quan sát các đồng nghiệp của mình thể hiện bài giảng như thế nào. Hoặc hàng loạt khán giả đang học tiếng Anh từ các lớp đêm cũng rất thích xem các chương trình dạy tiếng Anh trên HTV để kiểm tra lại kiến thức của mình. Vì thế, những chương trình "làm dâu trăm họ" này cũng không thể tránh khỏi những ý kiến khen chê.
Học sinh bỏ lỡ các buổi giảng định kỳ trên sóng truyền thống vẫn có thể xem lại qua kênh HTV Key
Dạy học trên truyền hình có một cái khó cực lớn, đó là “lớp học” được trải ra trên một không gian rộng, người truyền đạt và người học không có cơ hội tương tác nhau. Người học có quyền “nghịch ngợm”, thụ động khi học. Người dạy chẳng cảm được chuyện học viên mình tiếp nhận ra sao. Nếu không gian “thính phòng” của lớp học truyền thống cho phép học sinh có thể nhìn tổng thể bảng đen trong một bài giải toán lý để liên hệ ngang - dọc, trên - dưới; hoặc nghe đúng giọng cô giáo đọc thơ trong không khí ấm cúng… thì với truyền hình, điều này rất khó. Hiệu quả giảng dạy vì thế đã giảm đi rất nhiều.
Ngoài ra, việc xây dựng kịch bản cho các tiết dạy trên truyền hình lâu nay nhìn chung chưa tạo ra hiệu quả cao trong quá trình tiếp nhận do lạm dụng các yếu tố kỹ thuật hoặc chưa biết tận dụng khả năng kỹ thuật truyền hình để khai thác.
Hiện nay, hầu hết các đài truyền hình trong cả nước đang đi vào lộ trình số hóa và tích hợp đa phương tiện, việc kết hợp các hình giảng dạy trên sóng truyền hình theo phương thức cũ với hình thức giảng dạy trực tuyến (e-learning) cũng là điều dễ dàng. E-learning tận dụng không gian internet cho phép người học có thể tương tác (với giảng viên, chuyên gia, học viên...) mọi lúc mọi nơi, truyền đạt kiến thức kỹ năng theo yêu cầu, thông tin đáp ứng nhanh chóng.
Học viên có thể truy cập các nội dung học tập bất kỳ nơi đâu vào bất cứ lúc nào miễn là nơi đó có thiết bị được kết nối internet. Nội dung học tập - giảng dạy được truyền tải dưới dạng đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, văn bản, đồ họa, tài liệu, phần mềm...), giúp tiết kiệm chi phí (đi lại, tổ chức địa điểm, tận dụng được các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới), tiết kiệm thời gian, tự điều chỉnh tốc độ học theo khả năng và có thể nâng cao kiến thức thông qua những thư viện trực tuyến.
Dạy và học trực tuyến giờ đây là xu hướng trên thế giới
Truyền thông đa phương tiện trên internet đang thay đổi cách thức tiếp cận thông tin, tri thức của con người, nhất là khi các thiết bị di động cầm tay có kết nối internet như điện thoại thông minh hay máy tính bảng trở nên phổ biến. Vì thế, các kênh truyền hình (kể các các kênh địa phương) cần thay đổi cách tổ chức sản xuất những chương trình dạy học không chỉ mạnh tính chất nghe nhìn mà cần nâng cao khả năng tương tác.
Dạy học trên truyền hình ở Việt Nam còn là vấn đề mới. Các nhà lý luận giáo dục cũng như các nhà lý luận báo chí chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Hiệu quả tiếp nhận của một học viên trước màn hình ra sao, tính tự giác học tập của họ ra sao, tâm lý sáng tạo của người đứng trên bục giảng ra sao, tinh thần dân chủ trong quá trình dạy và học trên sóng truyền hình ra sao, việc đánh giá hiệu quả học tập thế nào... là các vấn đề cần đóng góp thêm cho lý luận.
Một trong những yêu cầu của dạy học qua truyền hình hiện đại chính là nâng cao các giải pháp tương tác để khắc phục các hạn chế của hình thức này. Dạy học trên truyền hình lâu nay chỉ dừng lại ở phương pháp thuyết giảng một chiều, việc tiếp thu bài giảng của hầu hết học viên qua truyền hình không đồng bộ (ví dụ, họ có thể thu lại clip để học vào giờ thích hợp). Vì thế, cần tăng cường khả năng tương tác bằng nhiều kênh, nhưng hiệu quả và tiện lợi đặc biệt là các mạng xã hội. Học trực tuyến cần kết hợp với những buổi cắm trại theo nhóm (sau này khi không còn dịch), thảo luận trên diễn đàn mạng, xây dựng thư viện điện tử, tư vấn qua điện thoại, e-mail, chatting, mạng xã hội... và các hình thức kiểm tra đánh giá cần được đặt ra trong tổ chức chương trình mới có thể đạt hiệu quả dạy và học thật sự.
Cù Thị Thanh Huyền