Đánh ghen bằng… truyền thông

Tâm điểm của dư luận Facebook cuối tuần qua là chuyện ồn ào chung quanh vụ bắt ghen ở Hà Nội. Clip bắt ghen không có cảnh gì đặc biệt. Vụ bắt ghen ấy cũng không có đánh đập, cắt tóc như thường thấy mà sao thu hút hơn 16 triệu view và cả ngàn bình luận?

Một anh chồng là diễn viên, đạo diễn điện ảnh bị người vợ xinh đẹp là giảng viên đại học bắt ghen khi bỏ nhà xây tổ ấm với một người phụ nữ khác. Chuyện ngoại tình lâu nay cũng hay xảy ra và chuyện ghen tuông cũng không có gì mới. Cái mới và cái mà chúng tôi muốn bàn ở đây là cách “đánh” ghen rất… công nghệ số!


Không ai muốn chuyện riêng tư của mình bị chia sẻ trên truyền thông. Những người càng nổi tiếng càng cố gắng để tránh bị phơi bày trên mạng xã hội. Trong ảnh: Vợ chồng hoàng tử Harry và Meghan Markle (từng là nạn nhân của truyền thông) trong vòng vây của các ống kính báo chí (Nguồn: vanityfair.com)

Dùng Facebook để đánh ghen

Cũng cần nói ngay, đây là một cặp vợ chồng trai tài gái sắc có chút tiếng tăm trên cộng đồng mạng. Cuộc hôn nhân của họ bắt đầu từ năm 2019 và luôn được nhiều người ngưỡng mộ thông qua những hình ảnh lãng mạn, hạnh phúc được cô vợ đưa lên Facebook. Anh chồng - qua Facebook của vợ thời mới cưới - cũng là một người đàn ông tuyệt vời, hết lòng yêu thương chiều chuộng vợ, lãng mạn, đẹp trai. 

Rồi thời gian gần đây, cô vợ tuyên bố trên Facebook rằng hai vợ chồng có rạn nứt, sẽ không thể chung sống với nhau. Và vào tối 12/8, cô vợ tung lên facebook clip bắt ghen. 

Clip ấy chỉ ghi hình một cú máy kiểu livestream ở một căn hộ, có “nhân vật thứ ba”, một người phụ nữ được cho là bồ nhí của chồng, cùng với anh chồng “ngoại tình” ấy. Cũng cần nói ngay, hai vợ chồng này tuy đã có rạn nứt nhưng chưa chính thức ly hôn. Cô “nhân tình” của anh chồng bị ghi hình trong bộ dạng của một người đang ở nhà với gương mặt bôi đầy kem dưỡng da (được ngầm so sánh với hình ảnh cô vợ xinh đẹp sắc sảo trang điểm kỹ lưỡng trên Facebook). Anh chồng bị ghi hình trong tư thế vợ bắt ngồi im một chỗ trên ghế.

Nội dung clip ấy không có cảnh gì khác. Âm thanh mới là thông tin chính. Đó là những lời tố cáo của cô vợ (không xuất hiện trong clip). Cô vợ tố cáo, chỉ trích anh chồng “ngoại tình” nào là bỏ mặc vợ khi đang sẩy thai phải ở trong bệnh viện một mình, rồi đến việc sau đám cưới, gia đình vợ phải trả nợ cho chồng đến 1 tỷ đồng… 

Cùng với clip bắt ghen, những hình ảnh, tin nhắn của anh chồng này cũng được cô vợ tung lên mạng Facebook. Và điều đặc biệt là có khá nhiều người đã vào bình luận, bày tỏ thái độ ủng hộ cách đánh ghen của cô này. Rất nhiều người tỏ thái độ đồng tình với cách "đánh ghen văn minh" (?),"tâm đức" (?) như thế. Đồng thời với việc ủng hộ cô vợ, hàng chục ngàn lượt ý kiến rủa xả, cười cợt, châm biếm... anh chồng. Rất nhiều lời chỉ trích đối với anh diễn viên nọ, rằng anh là người đàn ông giả dối, "phông bạt", sở khanh...

Xưa nay, chuyện đánh ghen thường đi kèm với chửi bới, la khóc, đánh đập, cắt tóc, lột đồ… để làm nhục đối tượng. Đằng này, nhân vật cô vợ trong clip bắt ghen rất bình tĩnh, tỏ ra lịch sự, âm lượng lời nói vừa phải. Người chồng trong clip bắt ghen ấy cũng nhẫn nhịn, ngồi im lặng để nghe những lời kể tội từ cô vợ! Có người bình luận mỉa mai, anh chồng kia là là diễn viên, là đạo diễn nhưng vợ ảnh mới chính là siêu đạo diễn: “Đám cưới như cổ tích. Cuộc sống đẹp long lanh như phim ngôn tình, với nhân vật chính xinh như búp bê Barbie, nghề nghiệp danh giá, thể thao đẳng cấp. Và chia tay thì phải là một bộ phim bom tấn”.

Kiểu bắt ghen không ồn ào, không nước mắt và rất nhã nhặn của cô vợ trí thức này chỉ được hỗ trợ với thiết bị ghi hình và mạng xã hội. Và anh chồng trong clip cũng không bị ai hành hung, không bị vợ tát, thậm chí không bị một lời chửi rủa nặng nề. Nhưng, anh ta đã bị làm nhục ở không gian công cộng.


Mạng xã hội là không gian mà đời sống cá nhân dễ bị đám đông soi mói nhất

Từ góc độ pháp luật

Chúng ta có thể chia sẻ, đồng cảm với cảm giác bị phản bội, phụ bạc và cái “tôi” kiêu hãnh bị tổn thương của người vợ trong câu chuyện bắt ghen trên đây. Thế nhưng, phơi bày chuyện riêng tư lên truyền thông để tìm sự ủng hộ của dư luận trong trường hợp này của cô vợ ấy là một chọn lựa thiếu cân nhắc. Tất nhiên, dư luận vẫn có thể lên án ông chồng phụ bạc, đàm tiếu người đàn bà thứ ba… nhưng bản thân người vợ ấy cũng sẽ là nạn nhân trong cuộc chơi truyền thông xã hội vốn có quá nhiều năng lực soi mói về các mối quan hệ trong cuộc sống riêng tư, và những tổn thương của người trong cuộc rất khó xóa được trên không gian internet lâu dài.

Những lời đay nghiến nhẹ nhàng của người vợ trong clip và việc cô ta tung hình ảnh, hình chụp tin nhắn của chồng mình lên mạng để lên án, xét cho cùng, cũng là một hình thức bạo lực. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nên khó có thể nói rằng bạo hành thân thể trong cơn ghen kiểu bình dân và bạo hành tinh thần bằng truyền thông kiểu “trí thức” như thế này, cái nào khủng khiếp hơn.

Ở góc độ pháp luật, hành vi của người vợ trong câu chuyện bắt ghen này có dấu hiệu xâm hại quyền nhân thân về hình ảnh của anh chồng và cô bạn gái, những quyền này được Luật Dân sự bảo vệ. Hành vi tung clip bắt ghen lên truyền thông để thu hút sự lên án của cộng đồng và sử dụng nhiều người đi theo, có đàn ông khỏe mạnh làm tê liệt ý chí phản kháng của anh chồng khi quay clip cũng có dấu hiệu làm nhục người khác. Tội danh và khung hình phạt cho tội này cũng được quy định cụ thể trong Luật Hình sự.

Tất nhiên, anh chồng cũng có dấu hiệu vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình. Nhưng cần thấy rằng, Luật Hôn nhân gia đình có chế tài vì ngoại tình, thậm chí xử lý hình sự người ngoại tình, nhưng phải có chứng cứ. Chứng cứ phải là chồng hoặc vợ mình đang quan hệ tình dục. 

Chính vì vậy, câu chuyện bắt ghen ồn ào bằng… mạng xã hội cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người. Rằng không ai có quyền nhục mạ người khác trong không gian công cộng. Mạng xã hội là một không gian công cộng như thế, thậm chí biên độ, biên giới của nó mở rộng ra ngoài các nhóm xã hội truyền thống!

Phú Trang