Khi còn là người yêu, cô đã nhiều lần tiếp xúc với mẹ chồng tương lai. Mẹ chồng cô luôn búi tóc, đúng điệu một bà già quê chân chất, một bà mẹ như hàng triệu bà mẹ nghèo của lũy tre, đồng lúa Việt Nam.
Câu chuyện của một cô dâu 20 năm trước: Cô vẫn nhớ về một chi tiết chẳng ai quan tâm trong cái đám cưới chộn rộn của cô. Ấy là một chi tiết rất nhỏ. Cái búi tóc của mẹ chồng.
Từ cái búi tóc đến chuyện hở ngực lên hình
Ngày đón dâu, cũng người đàn bà ấy thôi nhưng bỗng hóa xa lạ với áo dài nhung thêu sang trọng. Và búi tóc củ hành sau ót thường ngày được độn tóc giả, nhỏng lên ngang đỉnh đầu.
Cô ngắm nhìn người đã trở thành mẹ chồng “thật sự” của mình với cái trán dô cong về phía trước và búi tóc ngất ngưởng phía sau, mà không còn tìm đâu ra dáng vẻ bình dân thân thuộc hàng ngày.
Người trang điểm cho bà bảo rằng bới cao lên như thế nó mới sang trọng. Nhưng, với cô dâu mới thì, cái vẻ sang trọng ấy đã lấn át hết chút dịu dàng gần gũi. Và cô bảo, trong phút giây ấy, tận đáy lòng, cô bỗng sợ hãi khi phải bước chân theo bà, dù có người chồng yêu thương đi bên cạnh. Cảm giác đó, mãi gần 20 năm sau vẫn không phai nhạt.
Một biểu hiện khác cũng truyền đi thông điệp và rất quan trọng, chúng ta có thể nhìn thấy trong khá nhiều những vụ án mạng có nguyên nhân được gọi tên là “nhìn đểu”. Đi ngang qua nhau, vì nghĩ bị “nhìn đểu” mà gây gổ với nhau; nhậu, từ bàn này nhìn sang bàn kia, người này nhìn người kia, vì hiểu là “đểu” mà lao vào đâm chém nhau. Ánh mắt có thể "mang hình viên đạn là thế".
Dẫn chương trình là kỹ năng được các trường báo chí rèn luyện cho sinh viên. Trong ảnh: Thùy Trang (Sinh viên K15 Khoa Báo chí - Truyền thông trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) đang thực hành dẫn hiện trường
Một câu chuyện khác bên trời Tây: Nhiều năm nay, các kênh truyền hình vùng Balkan rộ lên mốt phát thanh viên - biên tập viên hở ngực khi lên hình, ngay cả cho bản tin thời sự. Với sự hở hang khêu gợi, họ hy vọng lượng rating sẽ cao và quảng cáo sẽ nhiều. Và cứ thế hở ngực ở những mức độ khác nhau trở thành phong cách, thương hiệu và phương tiện cạnh tranh của các nữ phát thanh viên biên tập viên.
Từ chuyện đời thường nhỏ nhặt như cái búi tóc, đến chuyện đại chúng như phong cách thời trang của một kênh truyền hình, kênh media trên báo điện tử, tất cả đều ẩn chứa một thông điệp. Có thể thông điệp đó khi đến người nhận, còn đúng còn phù hợp với mong muốn của người truyền đi thông điệp, cũng có thể không. Nhưng, điều đó chứng tỏ những yếu tố bên ngoài, ngoại hình có vai trò như thế nào đối với những người làm truyền thông, đặc biệt với loại hình truyền thông thị giác (visual communication).
Làm dâu triệu họ
Ngôn ngữ hình thể của người làm truyền thông thị giác nói riêng và người làm truyền thông nói chung, phải dựa trên nền tảng văn hóa nhất định. Mỗi vùng / nền văn hóa khác nhau có hệ thống ngôn ngữ hình thể khác nhau. Và trong bối cảnh giao thoa văn hóa hết sức mạnh mẽ, truyền thông lại vừa phải đảm bảo tính đại chúng vừa phải phát huy tính hướng đối tượng, thì người làm truyền thông thật khó xây dựng hệ thống ngôn ngữ hình thể thỏa mãn nhu cầu của số đông công chúng.
Phong cách những người dẫn chương trình ở Đài nước ngoài rất tự nhiên. Trong ảnh: một người dẫn chương trình đang thu hình tại Đài OKTO - Áo
Với truyền hình Việt Nam, nhiều cái tên đôi khi bị nhắc một cách rất thiếu thiện cảm, cũng chỉ bắt nguồn từ nguyên do ngôn ngữ hình thể.
Trang phục gợi cảm có thể là điểm hấp dẫn với đối tượng khán giả nam giới, nhưng lại làm các bà các cô gai mắt.
Di chuyển liên tục có thể là năng động với khán giả trẻ tuổi, nhưng lại thành lăng xăng với khán giả cứng tuổi.
Cười hở răng có thể được đánh giá là tươi tắn trong chương trình games nhưng lại là thiếu nghiêm túc trong bản tin.
Có cái đưa tay là nhấn mạnh, là cương quyết, nhưng cũng có cú chém thể hiện thái độ dạy dỗ, hỗn hào.
Cùng là kỹ năng nhìn chăm chú vào ống kính nhằm giao tiếp tốt với khán giả, nhưng có ánh nhìn thể hiện sự tự tin, tình yêu thương, lòng kính trọng; cũng có cái nhìn lại đầy vẻ sắc lạnh, mỉa mai, hách dịch…
Vẻ sang trọng của người xuất hiện trong khung hình có khi làm chương trình hoàng tráng lên, lại cũng có khi làm tổn thương những nhân vật nghèo khổ cùng đồng hành trong chương trình ấy.
Thay lời kết
Cách đây không lâu, trong một chương trình sân khấu nhỏ, khi khách mời trượt chân té, người dẫn chương trình váy áo lượt là đứng ngay bên cạnh né sang một bên và sau đó cũng để khách mời tự đứng dậy chứ không có bất kỳ một động thái nào trợ giúp cho đối tác của mình. Hành động đó khiến khán giả bất bình. Và tất cả chuỗi ngôn ngữ hình thể ấy thể hiện tầng sâu văn hóa của người dẫn chương trình.
Cù Thị Thanh Huyền