Tôi nói với người anh đồng nghiệp: “Cho em phỏng vấn anh để viết bài nhân ngày 21/6 nhé!”. Nhưng anh lắc đầu: “Thôi em, những việc anh làm có đáng gì đâu mà. Lên báo đồng nghiệp lại cười cho”.
Thuyết phục anh không được, tôi rất tiếc. Nhưng tôn trọng lựa chọn của anh. Người đồng nghiệp dày dạn gió sương của tôi, ngày ngày vẫn cúi mình xuống những trang viết, tận tụy cùng những chuyến thiện nguyện, về những vùng sâu heo hút. Có lúc anh tự bỏ tiền túi làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo tình cờ gặp trên những chuyến đi. Nhưng tất cả những nghĩa cử đẹp đẽ đó anh đều giữ cho riêng mình, còn những gì bạn đọc thấy là các bài viết của anh đầy lòng trắc ẩn.
Tôi học ở anh sự dấn thân, nhẫn nại, yêu nghề và nhân hậu. Nếu không thể đủ bút lực và tinh thần lăn xả, sức khỏe để sẵn sàng lao đi khắp mọi nơi như anh, thì chí ít, cũng là ghi nhớ để luôn biết cúi xuống trang viết bằng lòng nhân hậu. Anh đã tìm đến những mảnh đời bất hạnh, những vùng đất cần nhận được yêu thương và sẻ chia, những đứa trẻ không có tuổi thơ... Để những bài viết cất tiếng, thay một nhịp cầu nối tấm lòng của bao người. Anh trở thành một người kết nối yêu thương. Có những người đồng nghiệp mà tôi biết, ngoài công việc chuyên môn vẫn lặng lẽ với những chuyến công tác từ thiện. Mạng xã hội trở thành kênh chia sẻ thông tin, kết nối những tấm lòng. Vậy là những quỹ dành cho trẻ em khuyết tật, bệnh nhi, có hoàn cảnh khó khăn; người già neo đơn, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa… liên tục được làm đầy bởi các mạnh thường quân trong cả nước. Những món quà luôn thiết thực: tất ấm cho trẻ em vùng cao, quần áo-cặp học sinh cho trẻ em nghèo mừng năm học mới; chăn ấm cho người vô gia cư trong đêm lạnh; hay có khi là bao gạo, chai dầu, chai nước mắm… cũng đủ ấm lòng người dân quê.
Cuộc sống ở đô thị tất bật với những guồng quay, người làm báo mỗi ngày phải tiếp nhận biết bao tin tức, sự việc. Có thể rất bàng hoàng rất đau lòng; cũng có thể đầy mệt mỏi khi theo dõi dư luận xã hội về vấn đề đang “nóng”, “nổi cộm”. Rất nhiều lần, giữa những tin tức xô nghiêng căng não ấy, tôi nhìn thấy một hình ảnh ngọt ngào của đồng nghiệp với những người già ở quê, hay nụ cười hồn nhiên của bệnh nhi từ giường bệnh. Lại thấy như đó là những dòng nước mát lành mình nhận được của ngày. Để biết rằng, giữa những xô bồ bất an thường hằng, tình yêu thương và lòng nhân hậu bao giờ cũng là sức mạnh cứu rỗi, là cái đẹp vô vi sẽ trở thành vĩnh hằng.
Hơn 10 năm làm nghề, đôi khi tôi nghĩ, nghề báo ấy mà – cũng giống như bao công việc bình thường khác trong xã hội vậy thôi. Nhưng những khi được dịp ngồi với những đồng nghiệp tràn đầy tâm huyết, yêu nghề, say mê nói về những thao thức, những chuyến đi, những khao khát dấn thân, lại trở về trong tôi cảm giác của những ngày đầu bước chân vào nghề báo. Cũng từng có những năm tháng tôi đến những miền xa lăng lắc. Về đồng sâu tìm ngôi nhà của hai người già còng lưng cả đời chăm sóc người con – đã sống gần nửa đời người trong vô tri giác vì ảnh hưởng chất độc màu da cam. Đi dọc một dòng sông về bên chân núi để nghe chuyện người lái đò già đơn độc. Qua cồn ngồi bên những đứa trẻ lấm lem bùn đất mà rạng rỡ hồn nhiên những giấc mơ trong vắt. Bước thấp bước cao trên những con đường quê mấp mô để rồi rưng rưng trước những cuộc đời cơ hàn đến xót xa... Ngòi bút và đôi chân, có đi mãi, tìm mãi cũng không thể chạm hết vào những thân phận trong cuộc đời lớn này. Chỉ biết, sau những lần như vậy lại thấy lòng mình đầy thêm những thao thức, những thương yêu im lặng mà cứ cồn lên trong lòng giấc mộng rằng, rồi đây những trang viết - những cứu cánh cho bao phận người cũng sẽ được nối dài bởi rất nhiều cây bút khác.
Chỉ có tình yêu lớn mới khiến con người ta có thể đi với nhau đến cùng. Với nghề cũng vậy. Nghề báo là một công việc đặc biệt, hàm chứa mọi định nghĩa: tự do, nhiều trải nghiệm nhưng cũng vất vả, thậm chí nguy hiểm; luôn tươi mới, khác biệt mỗi ngày nhưng cũng sẵn sàng nhận về cả những chuyện đau lòng, xót xa. Công việc dần trở nên quen thuộc, nhưng mỗi khi đặt bút viết một bài báo thật sự tâm đắc, mới tự mình hiểu rằng mình đã luôn yêu nghề-của-mình như thế nào…
Thêm một lần nữa được đón ngày kỷ niệm ý nghĩa với nghề - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 – mong cho tất cả đồng nghiệp của tôi sẽ chân cứng đá mềm, yêu nghề thiết tha và vẫn luôn soi rọi xuống mỗi trang viết của mình bằng tình yêu thương và lòng trắc ẩn…
Bùi Tiểu Quyên