Sự phát triển của công nghệ thông tin, tác động của toàn cầu hóa đã tạo ra những ảnh hưởng mạnh đến báo chí trên thế giới cả lượng và chất, cả nội dung và phương pháp thu thập xử lý thông tin. Công chúng báo chí đang thay đổi…
Báo chí phát hành trên thiết bị cầm tay giờ trở thành phổ biến. Và công chúng báo chí mọi lứa tuổi đang thay đổi thói quen đọc báo hằng ngày
Tốc độ thông tin và phản hồi trên báo chí được rút ngắn nhờ các thiết bị cầm tay vừa trở thành phương tiện sản xuất, phương tiện truyền thông tin dưới dạng văn bản, ảnh, video, âm thanh, đồ họa cực kỳ nhanh nhạy; vừa là thiết bị “đọc” thông tin. Đó là kết quả của quá trình hội tụ truyền thông (media convergence) vốn được dự báo từ khi internet chưa ra đời. Hội tụ truyền thông là một xu thế khởi đi từ những phát minh công nghệ, đặc biệt trỗi lên từ khi internet trở thành một phần không thể thiếu được trong sinh hoạt đời sống của một bộ phận không nhỏ công dân toàn cầu.
Từ những năm 1990, với sự kết hợp giữa viễn thông và internet, tin tức dưới các hình thức tin nhắn SMS, MMS đã ra đời. Nhưng, có thể nói, phải đến khi các thiết bị di động dùng màn hình cảm ứng như các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng xuất hiện, quá trình hội tụ này mới thực sự tạo ra một kênh thông tin mới có ưu thế vượt trội, khai thác mạnh các đặc trưng của báo trực tuyến, đặc biệt là khả năng tương tác và tùy biến.
Các thống kê trên thế giới những năm gần đây cho thấy, số người sử dụng các thiết bị di động để truy cập internet trên toàn thế giới đã vượt qua số người sử dụng các dòng máy tính cho công việc tương tự. Số người tiếp cận các kênh báo chí qua thiết bị cầm tay hiện nay cũng vượt qua số người sử dụng máy tính để vào internet “đọc” báo. Doanh thu quảng cáo trên các kênh báo chí di động cũng đang tăng lên. Báo chí di động không chỉ có một chỗ đứng vững chắc trong những năm gần đây mà còn “đe dọa” các kênh báo chí truyền thống, thậm chí, cả hình thức báo trực tuyến trên nền tảng world wide web.
Trong bối cảnh ấy, các cơ quan báo chí đã nhanh chóng nhận thức được rằng, đã và đang có những thay đổi lớn của “người tiêu thụ tin tức hiện đại” thông qua cách họ truy cập thông tin hằng ngày với các thiết bị di động. Những năm qua, cuộc chạy đua tìm những ứng dụng (Apps), thay đổi phương pháp, quy trình sản xuất, phân phối nội dung thông tin của các cơ quan báo chí cho thiết bị di động đã diễn ra sôi nổi.
Từ tin nhắn SMS, MMS, đến các trình duyệt web di động, WAP, và hiện nay là các ứng dụng trên nền tảng các hệ điều hành mới như Android, iOS, RIM, Windows Phone, hàng loạt những thử nghiệm công nghệ liên tục ra đời trong những năm qua, nhưng dường như sự tìm tòi vẫn chưa dừng lại. Và đó không chỉ là những tìm tòi về công nghệ, các doanh nghiệp báo chí lớn trên thế giới còn tìm tòi về phương cách thu hút quảng cáo, thu tiền phí thông qua những thử nghiệm báo chí cho thiết bị di động.
Năm 2010, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ NewYork Times, Tổng Giám đốc Microsoft bấy giờ, ông Steve Ballmer, dự báo rằng trong vòng 8 năm nữa, tất cả các loại hình truyền thông sẽ được phân phối trên nền tảng IP, dạng thức điện tử và sẽ không còn báo giấy. Cùng với ý kiến trên, tỷ phú truyền thông, chủ tịch Tập đoàn News Corp, ông Rupert Murdoch, cũng khẳng định rằng gần như tất cả tờ báo sẽ được số hóa trong thập kỷ tới.
Hầu hết các cơ quan báo chí trên thế giới (kể cả phát thanh - truyền hình) giờ đã phát triển ứng dụng trên thiết bị cầm tay
Những tiên đoán của các chuyên gia này giờ đây đang được minh chứng khi công nghệ máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smartphone) đang phát triển cực nhanh. Thiết bị di động ngày càng ăn sâu vào đời sống xã hội đương đại. Một nghiên cứu toàn cầu (với các chủ thuê bao điện thoại thông minh) của một công ty viễn thông lớn năm 2011 cho biết thói quen sử dụng thiết bị cầm tay phổ biến của khách hàng tập trung vào những thời điểm như: khi di chuyển (trên xe hơi, xe bus, tàu điện); trước khi ra khỏi giường ngủ; vào buổi điểm tâm sáng, trong lớp học; trong phòng họp; trong siêu thị; khi ở trên giường vào buổi tối… Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các thiết bị di động hiện được ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, và thông tin báo chí ngày càng được khai thác nhiều hơn qua các phương tiện này.
Những năm gần đây, cùng với xu hướng chung của báo chí thế giới, báo chí Việt Nam cũng có những nỗ lực thay đổi công nghệ để giành công chúng truyền thông trước sự phát triển của truyền thông trực tuyến. Đã có nhiều ứng dụng “đọc” báo trên điện thoại thông minh và máy tính bảng là các sản phẩm công nghệ thông tin thuần Việt như: Moza (Tinh Vân), Socbay iMedia (Naiscorp), Tin ngắn (Viettel), Báo Mới (ePi), Thanh Niên (báo Thanh Niên), Người Đưa Tin (Netlink), Vitalk (FPT - nguyên thủy là một sản phẩm hỗ trợ chat Yahoo trên di động thành một mạng xã hội tin tức cho mobile).
Giao diện Ứng dụng đọc báo Thanh Niên trên thiết bị di động đoạt Giải vàng giải thưởng “Truyền thông kỹ thuật số châu Á” của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ứng dụng đọc báo trên di động của báo Thanh Niên từng đọat Giải vàng giải thưởng Truyền thông kỹ thuật số châu Á của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA). Ứng dụng này có tích hợp một ứng dụng thành phần gọi là TNSnap để hỗ trợ độc giả báo in có thể xem video.
Cụ thể là trên tờ báo có in những logo được mã hóa. Khi người đọc báo giấy dùng các thiết bị di động chạy bằng hệ điều hành Android và iOS, ứng dụng TNsnap dùng thuật toán nhận diện văn bản xác định đúng nội dung của thông tin và kích hoạt video phù hợp. Tất nhiên, thiết bị di động của người dùng phải kết nối internet đủ băng thông mới có thể xem video.
Sự thay đổi công chúng báo chí đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cho người làm báo, cơ quan báo chí: thay đổi các ứng dụng để công chúng tiện lợi trong truy cập nội dung, thay đổi cách viết, cách chụp ảnh, cách ghi video, cách đặt tít, và thậm chí, thay đổi cả hình thức thể loại tác phẩm nữa để phù hợp với quy trình, thời gian, thói quen… của người tiếp nhận và tương tác. Sự thay đổi ấy không chỉ dừng lại ở việc sản xuất một tác phẩm mà còn ở cả quy trình làm báo để tối ưu hóa thông tin thuận tiện nhất phục vụ các sở thích khác nhau, trong các thời điểm khác nhau, tại các vùng miền khác nhau với các tần suất nội dung khác nhau.
Phan Văn Tú