Còn nhiều kẽ hở trong quản lý game online

Ranh giới giữa làm việc, học tập và vui chơi trong môi trường internet đôi khi rất mong manh. Và căn bệnh nghiện đời sống ảo - mức độ nhiều ít khác nhau - trong một bộ phận những người dùng internet là có thật.

Game online - trò chơi trực tuyến trên mạng - là một trong những hình thức giải trí gây nghiện. Nhiều học sinh giờ đây không tiếp tục học tập được, phải can thiệp tâm lý, do cha mẹ thường xuyên bận công việc để các em vùi đầu vào game trong một thời gian dài, không thoát ra nổi. 


Với game online, người chơi có thể hóa thân, phân thân và sống với vai diễn của mình; bỏ ăn, bỏ ngủ để sống cùng những nhân vật ảo

Từ giải trí đến nghiện game

Nhiều bậc cha mẹ phát hiện ra con mình nghiện game thì đã quá muộn. Một đứa trẻ nghiện game không bao giờ cảm thấy mình đủ thời gian. Đến giờ học, giờ ăn vẫn tìm mọi cách để tiếp tục chơi. Từ mê game dẫn đến cúp học rồi dẫn đến bao nhiêu hậu quả nặng nề khác, thậm chí có em gây ra án mạng vì bị ảo tưởng “nhập vai” với nhân vật trong game.

Nhưng đối tượng sa vào các game trên mạng không chỉ có tuổi thiếu niên, vị thành niên, không chỉ có nam giới. Các mạng xã hội cũng “dụ” thành viên nuôi vật ảo, làm vườn ảo, xây nhà ảo… Những game này cũng lôi kéo khá đông chị em, nhân viên văn phòng say mê và giết khá nhiều thời gian.

Tính chất mạo hiểm, sự kích thích khám phá nên tạo sức hấp dẫn của các trò chơi trực tuyến. Cuộc sống ảo trong games ngày càng trở nên ‘‘thật” hơn nhờ những phát minh của công nghệ mô phỏng (simulation) tích hợp trên web. Trong nhiều trò chơi trực tuyến, người chơi phải bỏ ra những khoản tiền thật để tạo nên những tài khoản ảo. Như vậy, cùng với việc sắm vai, game online còn là một sòng bạc. Những phần thưởng nhỏ luôn quyến rũ người chơi nhắm đến cái đích lớn và khó hơn, nghiện game có khi bắt đầu như vậy.

Nhưng sự hấp dẫn của các trò chơi online ở chỗ nó cho phép người chơi hóa thân, nhập vai để khẳng định mình. Trong game, người chơi hóa thân, phân thân thực sự và sống với vai diễn của mình, bỏ ăn, bỏ ngủ để sống cùng một nhân vật ảo. 

Những biểu hiện sa đà trong thế giới ảo còn có thể xem là một dạng bệnh lý. Các nhà khoa học cho rằng, đa số người mê cuộc sống ảo tìm thấy khả năng bộc lộ những yếu tố nhân cách bị kìm nén trong vô thức của bản thân. Với môi trường ảo, người vốn e thẹn có thể trở nên cởi mở, người yếu đuối có thể mạnh mẽ, quyết đoán. 


Rất nhiều game online hiện nay người chơi không cần đăng ký (tên tuổi và thời gian chơi) như quy định

Kiểm soát, phòng chống nghiện game thế nào? 

Thực ra, về phương diện pháp lý, các cơ quan quản lý đã xây dựng đầy đủ các quy định, theo đó, nhà phát hành game phải yêu cầu người chơi đăng ký thông tin cá nhân để xác định độ tuổi và kiểm soát thời gian chơi game. Tuy nhiên, quy định đó có được doanh nghiệp game thực hiện nghiêm túc hay không lại chuyện khác. 

Thực tế cho thấy, lâu nay, các giải pháp kiểm soát này chỉ có trên giấy tờ, hậu quả sẽ người chơi gánh chịu. Các game phát hành trong nước thường tuân thủ quy định về độ tuổi và giới hạn thời gian chơi mỗi ngày. Nhưng nhà cung cấp dịch vụ cũng vô tình để kẽ hở cho người chơi lách quy định. Rất nhiều trò chơi dành cho tuổi 18+ nhưng có không ít học sinh tiểu học tham gia chơi. Nhà phát hành game cố tình không chữa những cái lỗi liên quan đến việc đăng ký nhân thân khi chơi game.

Điều đáng lo trong chuyện quản lý game là nhiều năm qua, khi điện thoại di động phát triển, rất nhiều game chưa được cấp phép ở Việt Nam có thể dễ dàng tải xuống từ App Store hay Google Play. Đây là game từ nước ngoài chưa được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm duyệt nội dung, phần nhiều mang tính trinh thám, kinh dị, bạo lực. 

Công bằng mà nói, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để yêu cầu gỡ bỏ khá nhiều game như thế. Đã có hơn 300 games được Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng Google Play và App Store. 

Theo con số thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông), mỗi ngày có hàng ngàn game được sản xuất và đưa vào sử dụng trên các nền tảng mạng. Thế nhưng trong cả năm ngoái cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính 345 triệu đồng, chủ yếu do lỗi game phát hành không đúng nội dung được phê duyệt. Xem ra việc quản lý game - về mặt kỹ thuật và pháp lý - hiện còn nhiều khó khăn.


Các kho tải ứng dụng trên thiết bị di động có hàng ngàn game miễn phí từ nước ngoài, hiện không thể nào quản lý xuể

Người lớn cần định hướng cho con trẻ

Game online cũng giống như phim ảnh trên mạng. Có những bộ phim hay tốt nhưng cũng có những phim mang nội dung bạo lực đồi trụy. Nhưng khác với phim, game có thể gây nghiện và dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

Vì thế, bên cạnh yêu cầu thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong phát hành và quản lý chơi game online của cơ quan chức năng thì gia đình, nhà trường cần giúp đỡ, định hướng cho các bạn trẻ trong việc lựa chọn loại hình game, sử dụng thời gian chơi game hợp lý. Trách nhiệm của gia đình nhà trường và thầy cô đóng vai trò hết sức quan trọng, ít ra có thể ngăn ngừa các em không đắm chìm vào thế giới game ảo như một dạng bệnh lý. 

Đối với những đối tượng thanh niên không còn ngồi trên ghế nhà trường, các cấp chính quyền địa phương, đoàn thanh niên ở cơ sở cần quan tâm tổ chức cho họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng có ích và có giải pháp tuyên truyền tích cực nhằm hạn chế tình trạng nghiện game. 

Chìm đắm trong internet có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ hôn nhân, gia đình. Và dù Internet cũng được xem là một công cụ giáo dục nhưng nghiện thế giới ảo là căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập. Thời gian lướt web với những mục đích “phi công việc” sẽ tổn hại lớn tới hiệu quả lao động. Không có nhiều biện pháp hữu hiệu ngăn chặn thực trạng này nếu bản thân người đam mê cuộc sống ảo không ý thức tự giải thoát cho mình.

Phú Trang