Khán giả như bị “thôi miên” bởi tiếng đàn Hạc của nghệ sĩ Phạm Vũ Ái Linh mang vào các sân chơi âm nhạc trên sóng HTV.
Nghệ sĩ đàn Hạc Phạm Vũ Ái Linh
Gặp Phạm Vũ Ái Linh - cô gái đàn Hạc ở đời thường, trong trang phục giản dị với áo sơ mi đũi, váy bút chì. Một hình ảnh khá đối lập với phong cách cổ điển, nhưng hết sức trang trọng bên cây đàn Hạc (Harp) cô vẫn thường biểu diễn. Một chút yên lặng, một phong thái điềm tĩnh, Ái Linh đã gửi những lời chia sẻ chân thành nhất đến khán giả.
Xin chào Ái Linh. Thời gian này, khán giả thấy chị xuất hiện nhiều trong các chương trình của HTV. Phải chăng, đây là cách để chị đưa tiếng đàn Hạc của mình đến gần hơn với khán giả truyền hình?
Đúng là thời gian này, tôi rất vinh dự khi liên tục được mời tham gia biểu diễn trong các chương trình của HTV, gần đây nhất có: Cao thủ đấu nhạc và Thay lời muốn nói tháng 5. Qua các chương trình này, không chỉ giúp tiếng đàn Hạc của tôi đến gần hơn với khán giả mà còn cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.
Chương trình kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga do HTV tổ chức
Nhận lời biểu diễn trong vòng tài năng của chương trình Cao thủ đấu nhạc, tôi thể hiện 3 nhạc phẩm theo phong cách “dị bản” để 8 nghệ sĩ khách mời của 2 đội cùng đoán. Tuy nhiên, tôi khá bất ngờ với các bài mà chương trình đưa ra: Despacito, Ông bà anh, Mắt nai cha cha – những ca khúc hiện đại và sôi động.
Đây quả là một thử thách lớn với lối chơi của đàn Hạc truyền thống, vì đàn Hạc chỉ phù hợp với các bài cổ điển.
Ái Linh và những bản nhạc đầy “ma mị” trong chương trình Cao thủ đấu nhạc
Còn với chương trình Thay lời muốn nói, tôi đã tham gia khá nhiều chủ đề. Và Yên trong tháng 5 mới đây, là một chủ đề có nhiều ý nghĩa đối với tôi.
Tháng 5 - tháng tôi có hẹn với cuộc đời. Ngày mà bố mẹ đã ban cho tôi sự sống và tôi đã nợ bố mẹ một cuộc đời. Ngoài ra, chủ để Yên đêm ấy, cũng trùng với ngày biết ơn Mẹ, tôi được giao trách nhiệm đánh nhạc nền xuyên suốt lời dẫn chương trình và hòa tấu cùng violon và guitar đệm cho một số ca khúc.
Tôi đã khóc bên cạnh chị Quỳnh Hương và cây đàn Hạc của mình khi thể hiện bài Nhật ký của mẹ. Đó sẽ là ký ức khó quên của tôi.
Ái Linh khóc bên cây đàn khi thể hiện ca khúc Nhật ký của mẹ
Đàn Hạc là một loại nhạc cụ của phương Tây. Vậy điều gì đã khiến Ái Linh đam mê loại nhạc cụ này đến vậy?
Hạc cầm được biết đến như một trong những loại nhạc cụ cổ nhất của loài người. Riêng tôi, từ nhỏ đã rất đam mê nền văn hóa thời kỳ phục hưng, thời kỳ mà con người được lấy làm hình tượng thần thánh với những bức điêu khắc hình đứa trẻ nhỏ ôm đàn Hạc, thế nên tôi đã đam mê và theo đuổi nó.
Ái Linh trong chương trình Người bí ẩn
Đàn Hạc có dễ để làm quen và theo đuổi không?
Âm nhạc của đàn Hạc luôn sử dụng những thang âm 4 tăng và 5 giảm, nghe rất chói tai và gợi lên cảm giác “ma quái” của thời kỳ trung cổ. Các nhạc sĩ sáng tác cho đàn Hạc đều phải chơi rành và hiểu về kỹ thuật của nó thì mới sáng tác được.
Thực ra, đàn Hạc không chỉ giới hạn trong nhạc cổ điển, mà sau này, rất nhiều nghệ sĩ sử dụng để chơi dòng nhạc bán cổ điển, Flamenco, jazz... Nếu yêu cây đàn Hạc và hiểu về nó thì người nghệ sĩ có thể tự sáng tạo nhiều phong cách khác nhau.
Ái Linh trong một chương trình kết hợp với nhạc cụ dân tộc của HTV
Trong quá trình theo học, Ái Linh đã tiếp cận với đàn Hạc như thế nào?
Quá trình theo học đàn Hạc của tôi rất nhiều gian truân. Nhớ lại hơn 10 năm trước, khi tôi đang là sinh viên năm 3 khoa Ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, vì không thể dung hòa được thời gian học của 2 trường nên tôi đã quyết định bảo lưu kết quả học tập tại Đại học Sư phạm và tiếp tục theo đuổi việc học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.
Trong những năm đó, ban ngày tôi lên lớp học chuyên ngành, còn buổi tối đi dạy kèm Anh văn. Thậm chí, những ngày cuối tuần làm hướng dẫn viên cho du khách tham quan trong thành phố. Bố mẹ không thuận lắm nhưng vốn tôi tự lập từ 18 tuổi nên gia đình cũng tôn trọng quyết định của tôi.
Đến năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp, buổi sáng tôi đi làm văn phòng, chiều về phải vào trường tập đàn đến tận 9 - 10 giờ đêm, vì lúc đó tôi chưa sắm được đàn Hạc cho riêng mình.
Cũng may được mấy bác bảo vệ thương tình cho vào học. Có hôm làm về mệt quá, học bài không nổi, hôm sau lên lớp trả bài không đạt, bị cô mắng, tôi khóc sướt mướt. Song, cô giáo lại động viên. Thế là tôi lại có nghị lực vượt qua được những tác phẩm khó của chương trình tốt nghiệp... (Cười nghẹn ngào).
Ái Linh trong một chương trình
Ái Linh đã cùng cây đàn Hạc tham gia biểu diễn ở những đâu? Và cảm xúc của chị mỗi khi dạo lên những nốt trầm bổng của loại nhạc cụ độc đáo này?
Từ khi còn là sinh viên khoa Nhạc nhẹ, tôi đã tham gia biểu diễn khá nhiều. Có lúc theo cô giáo đi diễn trong và ngoài nước.
Trong một lần biểu diễn giao lưu, tôi may mắn được làm quen với cô giáo người Nhật. Sau đó, tôi đã theo cô học thêm ở Thái Lan 6 tháng. Rồi, tôi qua Singapore học thêm về kỹ thuật. Cứ mỗi lần đi là một lần được mở mang thêm nhiều kiến thức, đúng như lời người xưa nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Mỗi lần được ôm chiếc đàn Hạc, tôi như lạc vào thế giới khác bởi những âm thanh đôi lúc trầm mặc, đôi lúc thật trong trẻo và thanh thoát tạo cho người nghe một cảm giác bình yên đến lạ thường.
Có những buổi chiều, tôi chỉ trông chờ hết giờ làm việc ở văn phòng rồi hối hả đến một khách sạn, nơi tôi có lịch diễn và gửi đến khán giả những giai điệu nồng nàn và thiết tha nhất.
Âm thanh mà cây đàn Hạc mang lại thực sự dẫn đưa người nghe đến cõi vô thường.
Ái Linh biểu diễn giờ trà chiều tại hotel Reverie Times Squar
Chị có mong ước gì cho loại hình nghệ thuật mà chị đang theo đuổi?
Hiện tại, tôi là thành viên trong dàn nhạc The Saigon Orchestra. Ngoài ra, tôi còn có một ban nhạc riêng mang tên DM (Dreams Melody) gồm 9 thành viên yêu nhạc và tự sáng tác. Trong số đó, hầu hết đã đi làm, như nha sĩ, thiết kế... còn lại là sinh viên Nhạc viện. Do đam mê âm nhạc, nên band thường họp lại chơi những bài tự sáng tác và hay tổ chức những mini show.
Tôi luôn mong muốn phát triển đàn Hạc theo phong cách âm nhạc mới, với những dòng nhạc gần gũi nhất và phù hợp nhất với khán giả Việt Nam.
Những gương mặt trong band nhạc Dreams Melody
Cám ơn Ái Linh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Hoàng Quyên