Clip trên mạng có thể là căn cứ để xử phạt vi phạm giao thông

Từ ngày 5/8 này, các hành vi vi phạm giao thông bị người dân ghi lại rồi báo cho cảnh sát giao thông hoặc đăng lên mạng xã hội có thể dùng làm căn cứ để xử phạt. Đây là quy định mới nhất dựa theo Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an.

Thông tư 65/2020/TT-BCA không phải là văn bản dành riêng cho chuyện quy định xử phạt từ video clip, mà đây là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) có khá nhiều điều khoản chi tiết.

Ở góc độ truyền thông, có thể thấy, điểm mới của Thông tư là tăng cường vai trò giám sát của công dân, của cộng đồng. Cụ thể là, khi xuất hiện video clip về hành vi vi phạm giao thông trên Facebook, cảnh sát giao thông có thể lấy đó làm căn cứ tiến hành xử phạt cá nhân vi phạm.


Người dùng mạng xã hội giờ đây có thể góp phần cùng lực lượng chức năng giám sát chuyện vi phạm an toàn giao thông

Không chỉ là chuyện câu like

Trước đây, trong nhiều thú chơi của cư dân mạng có việc sản xuất các video clip những chuyện bất bình thường để thu hút công chúng vào like, share. Từng có người cho trẻ con lái ô tô, hoặc nhiều thanh niên biểu diễn chạy xe gắn máy tốc độ cao với một bánh sau, hoặc có người điều khiển vô lăng bằng chân, hoặc chở quá nhiều người và không đội mũ bảo hiểm trên xe gắn máy, chạy xe với tốc độ quá cao… Những clip như thế này từ 5/8, nếu xuất hiện trên mạng sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. 

Ông Nguyễn Thành An, một giáo viên về hưu ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: quy định ấy rất tốt. Hiện nay người dân nào cũng có điện thoại di động. Nếu họ thấy những hình ảnh chướng mắt, vi phạm trật tự trị an nói chung, vi phạm trật tự giao thông nói riêng, họ có thể ghi lại để cung cấp cho cơ quan chức năng, góp phần làm cho xã hội tốt hơn. 

Đồng quan điểm với ông An, chị Thanh Huyền, cư ngụ ở Biên Hòa, nói thêm: “Lực lượng chức năng nào cũng có hạn về đội ngũ nhưng tai mắt của người dân thì ở khắp nơi. Khai thác sự giám sát của toàn dân vào việc bảo vệ an toàn giao thông như vậy rất tốt!”

Thực tế lâu nay, các video clip được camera hành trình của những xe ô tô ghi lại đã góp phần lớn cho việc truyền thông an toàn giao thông cũng như việc điều tra các vụ việc vi phạm giao thông. 

Theo Thông tư số 65/2020/TT-BCA, thông tin hình ảnh phản ảnh việc vi phạm giao thông vi phạm trật tự giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn như sau: (1) Thu được bằng các thiết bị của các tổ chức cá nhân không phải là phương tiện thiết bị nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn; (2) Được đăng tải trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng... 


Nhiều thanh niên hiện nay thách thức dư luận bằng cách tự quay clip những hành vi vi phạm pháp luật giao thông rồi đưa lên mạng. Trong ảnh là nữ sinh Chu Hà Anh đi xe máy bằng chân, tay liên tục bấm điện thoại chia sẻ clip gây xôn xao dư luận cách nay 2 năm. 

Thời gian và địa điểm, cái khó trong video

Không phải video nào đăng lên mạng xã hội cũng trở thành căn cứ để xử phạt vi phạm giao thông. Ở thời buổi mà tin tức giả, các công cụ làm hàng nhái (như photoshop) phát triển thì video giả cũng có thể xuất hiện để làm phiền người khác. Một video clip trôi nổi trên mạng nước ngoài từ lâu đôi khi trở thành cái cớ để vu khống một người nào đó chỉ với vài thủ thuật.

Cho nên, Thông tư 65/2020/TT-BCA cũng quy định rõ: Những hình ảnh video được dùng làm căn cứ xác minh phải đạt các điều kiện là phản ánh khách quan, rõ ràng về thời gian và địa điểm, đối tượng hành vi vi phạm, con thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật. 


Những clip chạy xe không đội mũ bảo hiểm, “bốc đầu” không còn là chuyện biểu diễn để lên mạng. CSGT đủ căn cứ để xử phạt.

Sau khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ CSGT phải xem xét, phân loại và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền. Trong trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách, cán bộ CSGT tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định.

Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc, CSGT thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị CSGT có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính.

Ở góc độ truyền thông chúng ta cần thấy rằng, một bức ảnh chụp hay đoạn video clip quay lại một hành động, một quá trình thường không thể diễn đạt thời điểm ghi hình, không gian ghi hình đầy đủ nếu người chụp ảnh, quay phim không ý thức chứng minh thời điểm, không gian. Và đây cũng chính là chỗ dễ bị lợi dụng cho mục đích xấu. Ví dụ như những video clip vu khống. 

Từ chi tiết trên đây, có thể thấy, nếu cùng tham gia giám sát trật tự an toàn giao thông bằng hình thức quay video clip làm bằng chứng và đưa lên mạng, người ghi hình còn cần có ý thức chọn góc máy để xác định được không gian, chọn chi tiết để xác định thời gian một cách khách quan nhất.
Phú Trang