Chống kỳ thị đối tượng Covid-19 từ góc nhìn truyền thông

Một ban quản lý tòa nhà ở Hà Nội ra công văn cấm cư dân cho tiếp viên hàng không thuê nhà trong chung cư của mình; một khách sạn ở Đà Nẵng trương bảng hiệu không nhận khách du lịch Trung Quốc… đó là các hành vi kỳ thị đã bị chấn chỉnh!

Xuất phát từ nỗi lo sợ dịch Covid-19 gây ra cho cộng đồng, trong đó có những người thân, cộng sự của mình, các đơn vị này đã hành xử phân biệt với một số đối tượng: tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch, khách du lịch người Trung Quốc. Khi thông điệp của họ bị phê phản ứng nặng nề trên truyền thông, họ đã phải xin lỗi và rút lại các thông báo cũ. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của bức tranh mang tên kỳ thị.

Ở nhiều nước phương Tây, người đeo khẩu trang nơi công cộng cũng bị kỳ thị xuất phát từ nếp nghĩ sai lầm. Hiện tượng này đang thay đổi! (Tranh đồ họa của @witchtropolis)

Xin đừng phân biệt đối xử

Không khó gì để có thể nhìn thấy sự kỳ thị ấy chung quanh ta trong thời gian qua. Nhưng có lẽ truyền thông là môi trường phản ánh rõ nét nhất thái độ của cộng đồng, của từng cá nhân. Nhiều ca dương tính với nCoV dù đã có mã số của Bộ Y tế vẫn bị cư dân mạng lôi tên ra bêu riếu với những đại từ nhân xưng xách mé. Hình ảnh “con” virus Corona được vẽ nhìn như thần chết trên truyền thông. Ngay cả trong nhiều hình ảnh đồ họa thông tin, người nhiễm nCoV cũng được dùng dưới các biểu tượng có màu sắc âm u, tiêu cực.

Chuyện kỳ thị này không chỉ có trong địa bàn dân cư, mà còn ở chốn công cộng. Nhiều người được cho là “tác nhân” trong các khu bị cách ly đã phải chịu đựng sự bêu riếu, chửi rủa của những người hàng xóm. Nhiều khách du lịch người người ngoài cũng bị bà con mình phản ứng tiêu cực sau khi Việt Nam công bố nhiều ca dương tính là người ngoại quốc!

Theo thông tin trên báo chí, nhiều nước ở châu Âu không có thói quen đeo khẩu trang. Cho nên đối với một số người châu Âu, ai đeo khẩu trang là người bị bệnh, dân “da vàng mũi tẹt” lên tàu điện, xe buýt ở châu Âu mà đeo khẩu trang có khi bị kỳ thị, xa lánh, thậm chí có người quá khích còn gây sự!

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất tên gọi dịch bệnh viêm phổi cấp cả thế giới đang đối mặt hiện nay là Covid, và con vi rút gây bệnh là SARS-CoV-2 (hoặc nCoV). Cách gọi này giúp tránh chuyện kỳ thị địa phương trong phòng chống dịch!


Vi-rút SARS-CoV-2 được vẽ cách điệu trên truyền thông là hình con rắn độc đang siết chết một người. Những cách truyền thông như thế tạo cảm giác kỳ thị nặng nề!

Hậu quả khó lường

Cách nay hơn 30 năm rồi, thông tin về HIV/AIDS được tuyên truyền rầm rộ ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, cách tuyên truyền cũng làm cho người dân hoang mang và có cảm giác như như đại dịch sắp đến. Hồi đó chưa có internet nhưng các hình thức truyền thông cũng khá phong phú: pa nô, áp phích, biểu ngữ, tờ rơi, kịch lưu động... Báo chí cũng vào cuộc rất mạnh từ nhiều dự án hỗ trợ truyền thông trong và ngoài nước. Tuyên truyền về cơ bản là khá hiệu quả, người dân đa phần nhận thức được "đừng chết vì thiếu hiểu biết". Nhưng, một thời gian dài, tâm lý kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS rất nặng nề do bà con sợ và... khinh cái con HIV có hình giống trái sầu riêng ấy! Người mắc bệnh thì mặc cảm, trốn tránh cộng đồng.

Một thời gian dài lúc đầu, còn phổ biến tên gọi: bệnh SIDA (sau mới bỏ từ này đổi qua gọi là AIDS do trùng với tên viết tắt của Tổ chức phát triển quốc tế Thuỵ Điển). Chữ SIDA bà con mình đọc lên cũng đầy sắc thái kỳ thị. Bây giờ thì chuyện kỳ thị "người có hát" cũng còn, nhưng không đáng kể. Và câu chuyện về Covid có vẻ như đang lặp lại con đường bị kỳ thị của HIV.

Với những dịch bệnh có tính chất truyền nhiễm, chưa tìm được vắc-xin, chưa rõ hoàn toàn cơ chế đường không lây truyền… thì chuyện lo lắng, hoang mang là tâm lý thường tình của cộng đồng. Nhưng, thận trọng, kiên quyết phòng dịch không đồng nghĩa với việc làm tổn thương người khác.

Sự kỳ thị này làm cho người bị nhiễm và có nguy cơ nhiễm có thể không hợp tác thậm chí có phản ứng người rất bất lợi cho cộng đồng!

Chống kỳ thị: pháp lý và đạo đức

Đại dịch Covid-19 hiện nay đang bước vào giai đoạn phức tạp, lan rộng đến hơn 200 quốc gia trên thế giới. Khẩu trang hay nước sát khuẩn giờ không thiếu nữa.  Nhưng ý thức của từng thành viên trong cộng đồng đang là những chuyện còn thiếu trong chống dịch nhất là ý thức về sự kỳ thị. Những người nhiễm và có nguy cơ nhiễm hay đang bị cách ly đều là đối tượng của sự kỳ thị trong những thời gian qua. Thậm chí ngay khi đã chữa khỏi bệnh trở về nhiều bệnh nhân vẫn trải qua những cảm xúc không mái dễ chịu trong gia đình, cộng đồng, người thân, cơ quan của mình, nơi mình sinh sống. Ngay cả trên truyền thông, đã thấy không ít thông điệp (văn phong, từ vựng, sắc thái, hình ảnh...) có phảng phất sự kỳ thị. Cần thay đổi nhận thức, phải biết rằng những hành vi kỳ thị ấy trong chừng mực nào đó là vi phạm pháp luật và đạo đức.


Bức tranh cổ động mang tên “Fight the virus, not the people” (Diệt vi rút chứ không phải bà con mình!) kêu gọi chống kỳ thị người nhiễm Covid-19 (Tranh của Binderiya Sanduijav)

Những người bị cách ly hoặc tự giác khai báo y tế đang làm một việc rất văn minh, tích cực góp phần kiểm soát dịch bệnh và tránh lây lan cho cộng đồng. Thay vì kỳ thị, họ cần được sự động viên ủng hộ chia sẻ của những người chung quanh. Trước đây chúng ta đã từng biết đến tình trạng kỳ thị với những người nhiễm HIV, những người đồng tính. Nhưng hiện nay, khi nhận thức được vấn đề, cả xã hội đã thay đổi thái độ với người đồng tính, người nhiễm HIV bởi vì đó là cách duy nhất để chúng ta cùng chung sống với trong một thế giới có nhiều biến động. Mỗi người hãy chung tay chống tình trạng kỳ thị người bị bệnh hay có nguy cơ nhiễm nCoV!
Cù Thị Thanh Huyền