Cẩn trọng với thông tin người liên quan Covid-19

Khi cả nước căng mình chống dịch Covid-19, mọi biện pháp đều được huy động, nhất là việc thông tin liên quan đến nguồn lây bệnh để giúp cộng đồng phòng tránh. Tuy nhiên, việc phổ biến thông tin này cần được hết sức cẩn trọng.

Do yêu cầu phòng bệnh, các cơ quan chức năng của ngành y tế có khi phải phổ biến danh sách hành khách đi trên máy bay để người dân địa phương phối hợp tìm kiếm. Các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa… có khi phải phổ biến danh sách hành khách đặc biệt đến các nhân viên y tế của đơn vị để tăng cường cảnh giác. Các cơ quan quản lý nhân hộ khẩu cũng kêu gọi người dân cùng hỗ trợ tìm kiếm những đối tượng liên quan khi cần trong phòng dịch. 


Điều 8 và Điều 33 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định rất rõ về việc giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh

Bảo vệ thông tin cá nhân

Nhưng, việc tìm kiếm thông tin những cá nhân liên quan, không đồng nghĩa với việc được phép công khai danh tính người bị nhiễm Covid-19 hoặc nghi nhiễm CoV-2. Thực tế hiện nay, có tình trạng những thông tin này bên cạnh việc phục vụ công tác phòng bệnh, lại có nguy cơ bị rò rỉ và biến dạng qua mạng xã hội, dẫn đến các hệ quả xấu. 

Cần nói ngay rằng, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Thầy thuốc, nhân viên y tế phải giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh; đồng thời, luật cũng nghiêm cấm việc che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời, thông tin sai sự thật các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm…

Tuy nhiên, trong hoạt động điều hành phòng chống dịch Covid-19, cơ quan chức năng cũng phải dựa các tầng lớp nhân dân, cũng phải linh hoạt cho phép công khai danh tính những người nghi nhiễm bệnh nhưng trong những phạm vi nhất định. Ví dụ danh sách những người có tiếp xúc với các ca dương tính vừa phát hiện sẽ được thông báo đến cụm dân cư, khối phố, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, công ty… cho cộng đồng cư dân liên quan biết để tự phòng tránh, KHÔNG PHỔ BIẾN TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG. 

Việc công bố danh tính, lộ trình di chuyển của bệnh nhân Covid-19 hoặc những người nghi nhiễm để quản lý, cách ly là CẦN THIẾT, đó cũng được xem là NGUYÊN TẮC PHÒNG DỊCH nhưng thường phải hạn chế phạm vi. Trong một số TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT, cũng vì lí do phòng bệnh, việc công khai danh tính với chủ đích tích cực trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn có thể chấp nhận được vì phòng dịch được đề cao hơn chống dịch, nhưng cần hết sức cân nhắc về mức độ, hàm lượng, nội dung thông tin để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến họ.

Nghiêm cấm thông tin tiêu cực, thông tin gây kỳ thị

Hiện nay, trên báo chí, “danh tính” các ca nhiễm Covid-19 mới đều được mã hóa. Thế nhưng, có khi, tên tuổi của những người này ngay sau đó vẫn xuất hiện trên các mạng xã hội do một số cá nhân tự tiện đăng tải lên. Nghiêm trọng hơn, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã có hành vi công kích, lăng mạ, chửi bới người nhiễm bệnh.

Hành vi lợi dụng truyền thông để đưa “thông tin tiêu cực” (chữ dùng trong khoản 5, Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm) - thông tin xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Những ai cố tình lợi dụng chuyện phòng dịch Covid-19 để công khai danh tính người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm để xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc tùy mức độ, có thể xử lý vi phạm hình sự.

Chiều 2/3/2020, trên Facebook xuất hiện hình chụp công văn khẩn của Viện Pasteur Nha Trang gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận về danh sách 5 ca dương tính có đầy đủ tên và tuổi. Những văn bản rò rỉ trên mạng xã hội như thế này đã vô tình công khai tên tuổi bệnh nhân

Một trong những hệ lụy khó đo đếm hết tác hại của hành vi đưa thông tin tiêu cực về người liên quan đến Covid-19 là nó làm cho công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn. Thông tin tiêu cực trên mạng xã hội có thể khiến cho một số người chưa đủ bản lĩnh, khi có triệu chứng hay dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, trở nên hoang mang, sợ bị kỳ thị có thể trốn tránh đi khám, làm xét nghiệm, đi cách ly, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Những sự lựa chọn không dễ dàng

Những tình huống liên quan đến phòng chống Covid-19 hiện nay chưa có tiền lệ. "Chống dịch như chống giặc" cần sự tham gia của toàn dân, kể cả tham gia thông tin, hiến kế (trên cơ sở pháp luật). Tuy nhiên, hiện nay, còn có hiện tượng trái chiều nhau: Nỗ lực phòng chống tin giả trong mùa dịch - đôi lúc đôi chỗ - bị nhân viên công quyền khai thác cực đoan cũng hạn chế phần nào tai mắt người dân, làm người dân e ngại. Và, một số kẻ xấu lợi dụng các diễn đàn mạng xã hội và lợi dụng cả việc phòng chống dịch để tung thông tin tiêu cực liên quan đến các cá nhân, nhóm xã hội khác.

Người dân cần được có thông tin liên quan đến những người nhiễm, và có nguy cơ nhiễm trong cộng đồng của mình để tự phòng tránh. Việc công khai thông tin cá nhân cũng cần tế nhị để tránh làm tổn thương hoặc tạo ra sự kỳ thị. 

Trên báo chí Việt Nam, các ca nhiễm COVID-19 được ngành y tế đánh số thứ tự như một cách định danh bảo vệ thông tin cá nhân. Trong ảnh: Sơ đồ các nguồn lây nhiễm của 53 ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam tính đến chiều 15/3 (Ảnh: vietnambiz.vn)

Câu hỏi nên hay không nên công khai danh tính người đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19, vì thế là câu hỏi không dễ trả lời rạch ròi. Đó là sự LỰA CHỌN, một lựa chọn có tính nguyên tắc đạo đức và pháp luật. Trong một số trường hợp, những nguyên tắc ấy cần được thay đổi xuất phát từ nguyên tắc lớn hơn: lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng. 

Đó là sự lựa chọn “được cái này, hi sinh cái kia”: Công bố thông tin những người đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm cao vì quyền lợi của người sống trong vùng dịch cần được biết nhưng cũng gây ra nỗi khổ cho người bị công khai, vì thế, cần hết sức cân nhắc.

Đây là yêu cầu không khó đối với các cơ quan chức năng, nhưng không dễ đối với những thành viên sử dụng mạng xã hội. Hãy làm người sử dụng truyền thông có trách nhiệm để tránh gây tổn thương cho cộng đồng và tránh vi phạm pháp luật, đạo đức!

Phú Trang