Lần đầu tiên trong cả nước, một thành phố trong thành phố sẽ ra đời ở miền Nam: thành phố Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 hiện nay.
Đề án thành lập thành phố Thủ Đức cho biết đây sẽ là một khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Thành phố phía Đông này được kỳ vọng tạo ra thu nhập gấp đôi cho người dân và khả năng đóng góp ngân sách lớn cho trung ương. Thế nhưng để hiện thực hóa mục tiêu ấy, địa phương này cần có cơ chế đặc biệt…
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là điểm nhấn xương sống của hạ tầng giao thông công cộng cho thành phố mới phía Đông. (Ảnh: Đức Phú TTO)
Đâu chỉ là tiềm năng
Ý tưởng thành lập thành phố phía Đông của TP. Hồ Chí Minh đã có vào năm 2013. Từ đó đến nay, việc quyết tâm thực hiện đề án mô hình chính quyền đô thị, thành lập một Trung tâm có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, có trung tâm tài chính quốc tế trực thuộc TP. Hồ Chí Minh chưa bao giờ dừng lại trong các định hướng tương lai. Một ngày không xa nữa, thành phố phía Đông ra đời, và đó là một khu đô thị tương tác cao, một khu đô thị sáng tạo - tương tác, một khu đô thị hiện đại gắn liền với hoạt động tri thức chất lượng cao.
Thành phố phía đông Sài Gòn với mục tiêu giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, tập trung vào kinh tế tri thức, công nghệ cao và tạo động lực cho toàn vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Cơ sở, tiền đề để hình thành thành phố mới ấy xuất phát từ sự hội tụ các điều kiện lý tưởng: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, trong đó khu đô thị Đại học Quốc gia có 7 cơ sở đào tạo của các trường thành viên và 27 đơn vị nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ trực thuộc. Đó là chưa kể các trường Đại học Nông lâm, Đại học Sư phạm kỹ thuật, Đại học Việt Đức, hay Đại học Thể dục thể thao láng giềng. Khu công nghệ cao nằm tại quận 9 với các tập đoàn công nghệ (Intel, Nidec, Samsung, Jabil), cùng sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong lẫn ngoài nước.
Quỹ đất của khu vựa này cũng khá lớn (diện tích tự nhiên là 211,57km2 với hơn 1 triệu dân). Đây là vùng động lực phát triển với ước tính đóng góp khoảng 1/3 GDP của TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là khu vực đóng góp khoảng 40% giá trị sản xuất công nghệ cao của toàn thành phố (đạt khoảng 17 tỷ đô la Mỹ). Trong khi khu vực 13 quận nội thành hiện nay không còn dư địa để phát triển thị trường bất động sản, phát triển giao thông, thì thành phố mới Thủ Đức có quá nhiều tiện lợi về hạ tầng, về phát triển bất động sản. Không chỉ là tiềm năng, khu đô thị mới đã khởi động và khi đặt vào quỹ đạo thành phố thông minh, hứa hẹn sẽ đóng góp 30% GDP của cả thành phố, tương đương với nhiều tỉnh khác cộng lại, góp phần tăng GDP cả nước.
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào cho thành phố mới
Giấc mơ phía Đông
Đô thị tương tác cao là hướng đi mới. Những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư nghiên cứu sâu hơn và có thể nói, hiện nay là thời điểm thích hợp để khởi động con tàu khu đô thị phía Đông kết nối ba chức năng: Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; Trung tâm giáo dục đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; và Trung tâm sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao. Tất cả đã sẵn sàng, từ nguồn lực đến công nghệ, từ hạ tầng đến quỹ đất.
Chưa ở đâu trên cả nước này có hệ thống đường metro chất lượng và dài như khu vực này (metro số 1 nối từ Bến Thành đến Suối Tiên sắp đi vào khai thác), thành phố mới có trục xa lộ Hà Nội là trục giao thông cơ bản từ thành phố Hồ Chí Minh đến Biên Hòa và ra các tỉnh phía Bắc. Cự ly của khu vực này cũng gần sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng. Hệ thống cảng, đường sông rất thuận tiện cho phát triển công nghiệp.
Nhưng điểm đặc biệt nhất của khu vực là tiềm năng rất lớn về nguồn nhân lực và dư địa về đất đai. Nguồn nhân lực ở đây đặc biệt là lực lượng đội ngũ trí thức khoa học có trình độ rất lớn. Nguồn nhân lực trình độ trí thức công nghệ cao là từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với mấy chục ngàn sinh viên, đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu gồm các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… rất dồi dào.
Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố phía Đông theo mô hình là thành phố trực thuộc thành phố là một vấn đề mới và chưa có tiền lệ ở nước ta. Đây cũng sẽ là một khó khăn chưa giải quyết một sớm một chiều được. Những nhà quản trị đã và đang tham khảo nhiều mô hình trên thế giới liên quan đến cung cách quản lý vận hành.
Rồi đây, thành phố phía Đông này thu sẽ hút hàng triệu cư dân mới đến ở và sẽ giải quyết việc làm, giải quyết các vấn đề nội tại cho hàng triệu cư dân hiện hữu. Vì thế, rất cần một nguồn vốn khổng lồ mà ngân sách thì có hạn. Trong bối cảnh ấy, thành phố phía Đông rất cần một cơ chế đặc thù để có những giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước, đặc biệt là nước ngoài theo hướng xã hội hóa.
Bên cạnh đó, thành phố mới cũng cần nhiều cơ chế đặc thù để kết nối các mạng lưới lãnh đạo (các tổ chức doanh nghiệp, viện, trường, cơ quan nhà nước), kết nối các hợp phần của dự án khu đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, để tạo sự khác biệt về quản lý phát triển chứ không chỉ dừng ở chuyện thay đổi tên gọi.
Phú Trang