Báo chí trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Hiện nay, khi xem một trận bóng đá quốc tế lớn, chúng ta không chỉ có hình ảnh tường thuật trực tiếp mà còn có các dữ liệu được đo đếm bằng robot, được tổng hợp và xử lý bằng trí tuệ nhân tạo, được kết xuất ra màn hình bằng các đồ họa trực quan và chuyển


Việc đo lường dữ liệu một trận bóng đá hiện nay với công nghệ cảm biến ngày càng công phu. Các số liệu được xử lý bằng thuật toán thông minh và kết xuất ra các hình thức đồ họa ngay lập tức để phục vụ đưa tin trực tiếp

Nếu trước đây, các số liệu phân tích kỹ thuật, các thống kê chi tiết về thẻ vàng, thẻ đỏ, thay người, về số lần sút phạt góc, số lần bóng trúng cột dọc, dội xà ngang chẳng hạn… đều do nhà báo trực tiếp cộng trừ nhân chia thì hiện nay, các robot cảm biến có thể đo đếm sức gió, độ căng của từng đường bóng, thời gian giữ bóng, và quét hàng chục triệu tài khoản facebook, twitter… để đo lường tâm trạng khán giả. Các loại dữ liệu này được trực quan hóa, truyền thành tín hiệu gói xử lý bằng nhiều ngôn ngữ để các kênh phát sóng mua bản quyền có thể xử lý trực tiếp trước khi trộn hình cung cấp đến khán giả. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đưa loài người bước vào kỷ nguyên của xã hội thông tin, xã hội tri thức và nó cũng tác động đến báo chí truyền thông ở nhiều mức độ khác nhau tùy từng địa phương, lĩnh vực. 

Báo chí Việt Nam cũng không tách rời dòng chảy chung ấy.  

Mới đây, báo điện tử Dân trí vừa tiên phong tích hợp thêm phiên bản báo nói, cho phép các độc giả có thể nghe nội dung của các bài viết thay vì phải đọc chữ như trước đây. Phiên bản báo nói của Dân trí ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo do Trung tâm Không gian Mạng Viettel (VTCC) xây dựng và phát triển. Khi truy cập vào trang web của báo điện tử Dân trí trên máy tính hoặc thiết bị di động, các độc giả sẽ thấy xuất hiện phía dưới tiêu đề là tùy chọn “Báo nói Dân trí”, mà người dùng có thể nhấn vào đây để có thể nghe  nội dung của bài báo, thay vì phải tự đọc.

Điều này giúp người dùng có thể trải nghiệm nội dung bài báo tốt hơn mà không cần phải mất thời gian tập trung vào màn hình, vừa có thể theo dõi bài báo, vừa có thể thư giãn cho đôi mắt nhất là những lúc bận rộn. Ứng dụng này còn có cả tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc… để phù hợp với sở thích và vùng miền mình đang sinh sống.


Báo điện tử Dân trí là một trong những cơ quan báo chí triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển nội dung. Trong ảnh: Giao diện “Báo nói Dân trí” trên màn hình di động

Ứng dụng Chatbot của Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) vào tháng 4/2019 đã vinh dự nhận “Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn” của Tổ chức các Hãng thông tấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OANA).

Đây là ứng dụng tương tác tự động với độc giả (ra mắt vào 11/2018). Ứng dụng chatbox này được tích hợp trên fanpage cũng như trên website vietnamplus.vn. Theo đó, độc giả có thể yêu cầu thông tin cần đọc và hệ thống tự động giới thiệu những tin bài phù hợp. Sử dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo, chatbot của VietnamPlus có khả năng cá nhân hóa cho mỗi người dùng, dựa vào lịch sử trao đổi, trò chuyện giữa người và máy. Người dùng có thể lựa chọn theo các chủ đề tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói.

Tất nhiên, không chỉ có báo chí, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là đời sống kinh tế. Vài năm gần đây, hình ảnh những chiếc xe tải không người lái ở Úc, xe giao hàng không người lái ở Mỹ… vận hành hoàn hảo không còn làm ngạc nhiên nhiều người. Trí tuệ nhân tạo đã đi vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội: từ vận hành máy móc đến chẩn đoán bệnh tật; từ điều khiển ngôi nhà thông minh đến nhận dạng gương mặt, giọng nói, chữ viết; từ trả lời khách hàng đến đặt lịch, lên kế hoạch và thậm chí… viết báo!

Trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI - artificial intelligence) là “trí tuệ” do con người tạo ra để máy móc thực hiện các hành vi như con người, biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết), biết học và tự thích nghi… 

Khi chúng ta sử dụng mạng xã hội này, bất cứ hành vi nào của chúng ta từ việc chia sẻ, thể hiện cảm xúc thái độ bằng các biểu tượng, đến việc xuất bản hình ảnh, văn bản, video, tham gia trò chơi đều lưu lại dấu vết số. Hàng tỷ người dùng với các hành vi ấy trở thành cơ sở dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo của nhà cung cấp dịch vụ có thể phân tích và bán dữ liệu cho nhiều đối tượng. Không phải ngẫu nhiên mà trên tường nhà bạn luôn hiện các quảng cáo, các thông tin báo chí hay nội dung của bạn bè phù hợp với mối quan tâm của chính bạn.


Chatbot của báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) có khả năng cá nhân hóa cho từng người dùng

Đằng sau các chiến dịch tranh cử tổng thống ở các nước phương Tây hay các chiến dịch vận động chính trị nào đó (như ủng hộ Brexit, cấm cá nhân sở hữu súng chẳng hạn) đều có công ty chuyên sử dụng big data để tung thông điệp đúng đối tượng, sát với từng cá nhân theo những mục đích nhất định. Các robot trên mạng “hiểu” chúng ta hơn chúng ta nghĩ và đó là các công cụ đắc lực trong truyền thông, được vận dụng từ việc bán hàng, dịch vụ đến các nhu cầu văn hóa, chính trị.

Đằng sau doanh số thương mại điện tử liên tục tăng lên những năm gần đây là những tiến bộ vượt bậc về công nghệ trong đó có trí tuệ nhân tạo. Hoạt động mua và bán hàng hóa của con người giờ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn với chỉ một cú click chuột. AI thay con người trong tương tác trực tuyến trên không gian rộng lớn với quy mô dữ liệu khổng lồ.

Và không phải ngẫu nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện được nhắc đến rất nhiều ở các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Bởi đây là một xu thế không đảo ngược. 

Ứng dụng robot trong dây chuyền sản xuất công nghiệp tự động hóa, khai thác mô hình "nhà máy thông minh" ở Việt Nam cũng đang có xu hướng phát triển mạnh. Dây chuyền lắp ráp xe Mazda của Công ty ô tô Trường Hải (THACO) 70% sử dụng robot kết hợp một số công đoạn bán tự động. Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đã tạo được robot bán hàng như robot Morta ở một quán cà phê Hà Nội. Sản phẩm Bphone 2017 của BKAV (Việt Nam) được xem là smarphone đầu tiên trên thế giới có AI camera. 

Chính phủ cũng đã chấp thuận dự án đầu tư 300 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất chíp ứng dụng cho robot và các sản phẩm khác với công suất 400 triệu chíp/năm. Chúng ta có các sân chơi như Robocon, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 thu hút sức sáng tạo của nhiều bạn trẻ.

Việt Nam bước đầu cũng khai thác thành tựu trí tuệ nhân tạo trong một số ứng dụng quản lý hành chính, giáo dục, giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng, ngân hàng… 

Những ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 trong báo chí Việt còn quá ít ỏi, đặc biệt là các hình thức robot làm báo. Nhưng xu hướng báo chí dữ liệu đã bắt đầu hình thành. Trong tương lai, bộ mặt báo chí có nhiều đổi mới, ít nhất ở góc độ xử lý dung lượng thông tin khổng lồ và tốc độ xử lý thông tin  cực nhanh. 

Công nghệ phát triển giúp cho báo chí có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Tuy nhiên, công nghệ cũng có mặt trái của nó: người nắm công nghệ có thể lạm dụng để thao túng thông tin như một thứ quyền lực. Và hơn lúc nào hết, người làm báo cần tỉnh táo, cần nhớ những nguyên tắc kinh điển trong làm nghề, những lời dạy của Bác Hồ về báo chí để thực sự tiến ra biển lớn với kim chỉ nam đạo đức và cách mạng luôn là hành trang không thể thiếu.
Phú Trang