Câu chuyện truyền thông

Băng đĩa nhạc: Khó khăn để tồn tại!

Thời nhạc phát trên mạng trực tuyến thịnh hành, music video (MV) nở rộ, băng đĩa nhạc (CD, DVD, đĩa than, đĩa kỹ thuật số - gọi chung là album nhạc vật lý) đang dần biến mất…


Băng đĩa nhạc đang dần biến mất

Doanh số bán ra của album vật lý – định dạng từng được yêu thích nhất qua nhiều thập niên, đang tụt dốc không phanh tại Mỹ trong năm nay. 

Dựa theo số liệu của RIAA (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ), tổng doanh số album tại Mỹ trong nửa đầu năm 2018 (bao gồm tải về, đĩa CD và đĩa than) đã giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng doanh thu album dạng đĩa đã giảm gần một nửa (41,5%) chỉ còn 246 triệu USD và Best Buy đã ngừng bán đĩa CD tại các cửa hàng từ ngày 1/7.

Theo đánh giá của Billboard dựa vào báo cáo của Niesel, có 88,2 triệu đĩa bán ra trong năm ngoái, giảm 20% so với năm 2016. Có nhiều dấu hiện cho thấy, sự tụt giảm này sẽ không thay đổi cho đến hết năm nay và doanh số bán album tại Mỹ năm 2018 sẽ chỉ bằng một nửa năm 2015. 

Năm 2018 doanh số album vật lý tụt giảm nhanh chóng là bởi những nghệ sĩ như Drake, Eminem, Cardi B, Travis Scott, Migos và Kanye West đều ra mắt album mới độc quyền trên các dịch vụ trực tuyến trong tuần đầu tiên. Theo đó, album vật lý chỉ được tung ra sau sự “bùng nổ” doanh số ban đầu của chúng đã kết thúc. Nghĩa là các nghệ sĩ hip-hop nổi tiếng nhất đang dần quay lưng lại với CD và những cửa hàng bán lẻ băng đĩa nhạc – thay vào đó họ tập trung vào những dịch vụ trực tuyến như Spotify và Apple Music.

Trở lại năm 2014, Daniel Ek - đồng sáng lập Spotify, đã có một cuộc chiến với ca sĩ Taylor Swift, khiến cô quyết định rút toàn bộ bài hát của mình khỏi dịch vụ này. Đối mặt với những cáo buộc rằng Spotify đã “giết chết” album vật lý, Daniel Ek viết: “Ngày xưa, nhiều nghệ sĩ có thể bán được hàng triệu đĩa nhạc mỗi năm. Điều đó hiện không xảy ra nữa, vì thói quen nghe nhạc của mọi người đã thay đổi và họ sẽ không trở lại như trước”. Như chúng ta đều biết, ngành kinh doanh âm nhạc thế giới đã bắt tay với Daniel Ek và Spotify đang dẫn đầu dịch vụ phát nhạc trực tuyến.


Kệ bày bán băng đĩa sẽ chỉ còn là ký ức

Tuy nhiên, đang có một câu hỏi đặt ra là dù những bài “hit” trên các dịch vụ phát trực tuyến giúp nhiều ca sĩ kiếm rất nhiều tiền, nhưng vào thời điểm ngày tàn của album vật lý đang cận kề, liệu mối quan hệ giữa người hâm mộ và những nghệ sĩ có lỏng lẻo hơn? 

Câu trả lời dựa vào cách người hâm mộ tiêu thụ nhạc trên Spotify, Apple Music… Song một điều chắc chắn là không phải tất cả các bài hát đều được “bình đẳng”. Ví dụ như Scorpion - album thống trị thị trường nhạc trực tuyến năm nay của Drake. Với mục tiêu là thu về càng nhiều lượt nghe càng tốt, Scorpion có tới 25 bài hát. Dựa theo những số liệu thu được từ Kworb - trang giám sát Spotify, khoảng 63% lượt nghe toàn cầu của Scorpion trên Spotify đến từ ba bài hát: God’s Plan, In My Feelings và Nice for What. Và thực tế, chỉ sáu bài hát trong album chiếm tới 82% tổng lượt nghe, 19 bài còn lại chỉ chiếm 18% - tức là chưa tới 1% mỗi bài.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với khá nhiều album “hot” khác. Đương nhiên, bạn có thể tranh cãi rằng, người hâm mộ của đĩa CD cũng chỉ nghe đi nghe lại những bài hát yêu thích nhất. Hay trực tuyến là một phát minh tuyệt vời để bất kỳ người hâm mộ nào trên thế giới giờ đây đều có thể nghe nhạc hợp pháp “miễn phí” thông qua Spotify, thay vì chi một khoản tiền có thể vượt ngoài khả năng cho băng đĩa nhạc. Bảng xếp hạng âm nhạc Billboard 200 kể từ tháng 12/2014 đã gộp lượt nghe của từng bài hát trong một album thành “Những album tương đương trực tuyến”. Công thức gần đây được Billboard đưa ra là 1.250 lượt nghe trực tuyến có trả tiền từ các dịch vụ như Apple Music hoặc Spotify Premium sẽ được xem là một album vật lý “được bán ra”, tương tự là  3.750 lượt nghe từ những dịch vụ có quảng cáo như YouTube hay gói miễn phí của Spotify.

Điều này đã dẫn đến tình huống trớ trêu, như Scorpion của Drake đã bán được 160.000 album thật (thông qua các trang tải về) trong tuần đầu tiên, nhưng dựa theo Billboard/Nielsen thì “Những album tương đương trực tuyến” đạt con số gấp ba lần (551.000). Vào tuần thứ hai Scorpion có mặt trên Billboard 200, thì album chỉ bán được 29.000 bản trên iTunes… nhưng gần 10 lần con số này được tổng hợp từ các lượt nghe của riêng từng bài hát. Điều này cho thấy ngành công nghiệp âm nhạc đang đối mặt với khủng hoảng và năm 2018 “Các album tương đương trực tuyến” có vẻ như là cái phao cứu sinh. Kiểu như các bản fax tương đương với e-mail, hay Betamax (băng video) tương đương với Netflix.


Triển lãm của National Album Day tại Waterloo Station

Vậy ngành công nghiệp âm nhạc thế giới sẽ để băng đĩa nhạc biến mất? Câu trả lời là không hẳn, khi ngày 13/10/2018 vừa qua, thông qua BPI (Hiệp hội thương mại của ngành công nghiệp âm nhạc Anh) và  AIM (Hiệp hội âm nhạc độc lập), các doanh nghiệp âm nhạc và các nhà bán lẻ âm nhạc của Anh đã cùng tổ chức chiến dịch National Album Day, nhằm thu hút công chúng và gia tăng doanh số bán album nhạc vật lý. Nhưng dù rất nỗ lực mà doanh số bán album của Anh vẫn giảm nhẹ ngay trong tuần lễ National Album Day.

Bản thân album vật lý không có lỗi. Nhưng như Daniel Ek bốn năm trước đã dự đoán, công chúng đang ngày càng thoải mái với thói quen nghe nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, câu hỏi cũng bắt đầu đặt ra: liệu thói quen này có bền vững không?
 
(Theo www.rollingstone.com) 
Đan Khanh