Bàn thêm về chuyện uống rượu

Câu chuyện rượu là thức uống ngàn đời của dân tộc hay uống rượu có trách nhiệm là vấn đề gây tranh luận gay gắt khi Quốc hội thảo luận về dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.

Quốc hội thảo luận về dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia

Trên các diễn đàn truyền thông và trong xã hội những ngày này, câu chuyện này cũng trở thành một chủ đề bàn luận rôm rả, thu hút sự quan tâm của nhiều người! 

Có người ví, bàn về việc uống rượu, tựa như bàn về tình yêu vậy, không bao giờ vơi cạn ý tưởng, xúc cảm. Ngày xưa uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt. Còn ngày nay, dường như bia rượu xuất hiện trong mọi không gian, thời gian, từ nhà ra phố, từ phố vào tới công sở, học đường… Uống rượu như thế nào cho có văn hóa, uống vui vẻ, chân tình mà không để lại những hậu quả đáng tiếc là điều rất đáng bàn.

Văn hoá uống rượu, bia ở nước ta có từ lâu đời, hình ảnh “bầu rượu, túi thơ” đã đi vào các tác phẩm văn chương, âm nhạc. Do vậy, không thể nhìn rượu, bia như thức uống thông thường mà cần hiểu nó chứa đựng trong đó là bề dày văn hóa, lễ nghĩa trong cuộc sống và giao tiếp. 

 

Uống rượu là một phần nghi lễ trong đời sống văn hóa, xã giao của người Việt

Ngày xưa các cụ đã rất tinh tế và có định lượng đúng đắn về từng thành phần trong sử dụng rượu như Tiên tửu, Phật tửu. Uống rượu vào mà lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô lỗ, chửi bới, gây gổ đánh nhau, thậm chí giết người gọi là Tục tửu, Cuồng tửu. Lợi dụng chén rượu để khích bác nhau, xúc phạm làm tổn thương người khác, đó là Ti tửu, hay Cẩu tửu. Các cụ phân ra các loại người uống rượu như vậy bởi mỗi con người có tính cách, tâm trạng, thể trạng khác nhau; có người uống một ly đã say, thậm chí ngửi rượu đã say rồi, có người uống vài ba chén chưa say.

Có một thực tế là, khi ngồi trên bàn tiệc, buộc phải tiếp rượu, có uống mới dễ nói chuyện, chia sẻ. Ly rượu sẽ làm cho mọi người phấn chấn tinh thần, chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó gần nhau hơn và tất nhiên công việc sẽ thuận lợi hơn. Nếu chỉ dừng lại ở việc, coi ly rượu như là chất xúc tác để mọi người có thể chia sẻ, gần gũi nhau hơn thì không còn gì đáng bàn. Điều tệ hại là, không ít người quan niệm, càng uống nhiều càng chứng tỏ sự nhiệt tình, uống càng say thì người đó sống càng hết mình. Ai uống được nhiều hơn thì họ lại tự hào ta đây vô địch thiên hạ. Từ quan niệm đó, việc chuốc rượu, ép rượu trong những buổi liên hoan, giao lưu gặp gỡ đang biến tướng thành một thứ lễ nghi mù quáng. Đàn ông thường có cái sĩ diện lớn, nhiều lúc bị ép uống cũng phải chịu, và hậu quả kéo theo vì uống rượu quá đà thì ai cũng đã rõ, đó là vấn đề tổn hại sức khỏe, là gây gỗ, đánh lộn, tai nạn giao thông… 

Các cụ xưa vẫn nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, cờ mà không có gió thì là cờ rủ, buồn lắm. Tuy nhiên ngày nay, khi bàn về văn hóa uống rượu, trích dẫn câu này, nhiều người cũng nói vui, khi “phong” quá lớn thì cờ cũng bay mất tiêu luôn, ý nói khi uống rượu quá đà thì lợi bất cập hại. Điều quan trọng, là bản thân mỗi người phải tự biết khả năng của mình làm chủ được hành vi uống với ai, uống bao nhiêu, uống vào thời gian nào. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không nhất thiết phải uống say, uống kiểu “chén anh chén chú”. Việc ép nhau uống rượu là không phù hợp với xã hội hiện đại, nếu có người ép uống thì có thể từ chối khéo, lúc đó người mời có thể không hài lòng nhưng sau đó nghĩ lại thấy họ đúng, tự cảm thấy hành vi ép rượu của mình là sai.

Thường nói đến đàn ông là nói về cái gì mạnh mẽ, vì thế uống rượu nhiều và hơn người khác cũng vì mục đích thể hiện sự nam tính, nhưng hệ lụy thì mọi người cũng biết rồi, sau khi say xỉn lại không "nam tính" chút nào. Cho nên để chứng minh mình đàn ông thì uống vừa đủ với sức của mình và tìm cách hạn chế tác hại bia, rượu đối với cơ thể một cách khoa học, như vậy mới có thể uống văn minh và hành xử đàn ông được. Chất đàn ông thật sự không nằm trong việc phục tùng hay tuân theo sự ép uống của bạn bè, mà nằm trong việc chúng ta dám nói “không” khi trong lòng không muốn. Chất đàn ông thật sự không nằm trong việc chúng ta tự biến mình thành nô lệ của rượu bia, mà nằm trong việc chúng ta lựa chọn làm chủ bản thân mình.

Điều quan trọng nhất khi uống rượu bia là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng

Rõ ràng, chuyện uống rượu, bia chứa đựng cả những giá trị văn hóa, những nghi thức truyền thống tốt đẹp, đồng thời xung quanh chuyện uống rượu, cũng nảy sinh không ít mặt trái, dẫn đến những điều đáng tiếc. Uống rượu như một hoạt động văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, giao lưu, kết nối quan hệ tình cảm, cộng đồng nhân dịp lễ, Tết, họp mặt… là điều nên lưu giữ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là không quá chén, không ép nhau uống tới cùng. Khi người ta uống rượu bất kể lúc nào, bất kể ở đâu, thúc ép nhau uống; hô hào, gào thét ầm ĩ…, gây tổn hại sức khỏe, lãng phí tiền bạc, lãng phí thời gian… thì không còn là văn hóa nữa, mà ngược lại, là phản văn hóa, phi văn hóa.

Trở lại vấn đề uống rượu như thế nào để vừa giữ được nét văn hóa vừa đảm bảo an toàn giao thông và tránh được các tác hại do rượu gây ra, ngoài việc các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, còn phải có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm, đặc biệt cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát. 

Các cơ quan truyền thông cần xây dựng hệ thống cơ chế nghiêm để kiểm soát

Uống rượu, bia là một nét văn hóa nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử nhận thức và sử dụng nó một cách có văn hóa, do đó, trách nhiệm của công tác truyền thông là phải góp phần xây dựng văn hoá uống rượu, bia lành mạnh, văn minh từ góc độ người sử dụng; truyền thông nâng cao nhận thức và xây dựng phong trào vận động văn hóa uống; xây dựng thói quen sử dụng rượu bia lành mạnh, mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Văn Nguyễn