20 năm, không quá dài với một đời người, nhưng không quá ngắn đối với thanh xuân của một thế hệ đã đồng hành cùng một chương trình truyền hình nghiêm túc và đã tạo dấu ấn trong lòng khán giả: 20 năm Tạp chí văn nghệ của HTV.
Nhà biên kịch Nguyễn Hồ - Nguyên Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM - Nguyên Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM nói về Tạp chí văn nghệ
Ngày phát sóng đầu tiên
Đó là ngày 6/6/1999, sau những ngày bàn thảo để có được một cụm chương trình văn hóa nghệ thuật mang đặc thù riêng của TFS thời bấy giờ, Tạp chí văn nghệ đầu tiên đã ra mắt khán giả truyền hình với thời lượng 120 phút. Thời điểm này, hãng phim truyền hình TP.Hồ Chí Minh sau 5 năm thành lập đã sản xuất rất nhiều phim tài liệu, phim truyện nhưng chưa có giờ phát sóng cố định trên HTV. Vì thế, theo nhà biên kịch Nguyễn Hồ, nguyên giám đốc hãng phim truyền hình TP.Hồ Chí Minh, sự ra đời của Tạp chí văn nghệ chính là một cột mốc đánh dấu cho “đầu ra” của các sản phẩm do TFS sản xuất.
Đội ngũ nhân viên của Tạp chí văn nghệ
Kết cấu của Tạp chí văn nghệ những ngày đầu gồm có: bản tin văn hóa nghệ thuật, phim tài liệu, diễn đàn văn hóa nghệ thuật, hộp thư giao lưu khán giả. Một người dẫn chương trình sẽ đóng vai trò kết nối các tiết mục. Phim truyện Việt Nam sẽ nằm ở cuối chương trình, được xem là điểm nhấn của toàn bộ Tạp chí văn nghệ và cũng là chuyên mục được khán giả quan tâm chờ đợi nhất. Nói đến phim truyện của Tạp chí văn nghệ thì có lẽ khán giả còn nhớ đến các bộ phim được yêu thích đã từng phát sóng như: Đất Phương Nam, Cu Tí và cô giáo Mai, Chuyện ngã bảy, Cầu thang tối, Ông cá Hô, Chim Phóng Sinh… đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Thời gian đầu, phim truyện phát sóng trên Tạp chí văn nghệ bắt buộc phải là phim 1 tập có độ dài từ 60 đến 90 phút. Về sau, TFS chủ động sản xuất các tập phim có độ dài 45 phút để cố định khung giờ phim truyện trên Tạp chí văn nghệ, và nhiều phim truyền hình dài tập cũng đã được đưa vào phát sóng, dù mỗi tuần chỉ có một tập, song khán giả vẫn yêu thích và chờ đợi.
Đội ngũ Tạp chí văn nghệ
Ngay khi Tạp chí văn nghệ ra đời và phát triển nhanh chóng về số lượng các tiết mục, yêu cầu được đặt ra là phải có ngay một lực lượng chuyên trách khối lượng công việc tương đối lớn này. Và làm thế nào để những biên tập viên vừa mới tốt nghiệp ngành báo chí có thể hiểu nghề và đáp ứng công việc trong thời gian ngắn. Điều này cũng là một thách thức đối với ban lãnh đạo TFS trong thời điểm đó. Ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên Giám đốc TFS nhớ lại, rất nhiều sinh viên mới ra trường ở các ngành báo chí và ngôn ngữ học đã được gọi vào thử việc tại Tạp chí văn nghệ, tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của những đạo diễn biên kịch đã có tay nghề mà lực lượng trẻ nhanh chóng tiếp thu.
NSƯT Nguyễn Việt Hùng - Nguyên Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM
Hộp thư giao lưu khán giả: Những ngày chưa có thư điện tử, những lá thư tay của khán giả bao giờ cũng tràn ngập phòng làm việc của TFS, trong đó là những lời khen tặng dành cho phim truyện, những nhận xét góp ý, yêu cầu đối với các tiết mục của Tạp chí văn nghệ. Khán giả mong chờ những câu hỏi và những yêu cầu của mình được phản hồi trên sóng tuy nhiên thời lượng có hạn nên rất nhiều lá thư, các biên tập viên phải viết tay để trả lời. Từ khi internet và email có mặt tại Việt Nam, những bức thư tay vơi dần rồi mất hẳn, nhưng tình cảm của khán giả dành chương trình vẫn tràn đầy, tính giao lưu tương tác của Tạp chí văn nghệ với khán giả giờ đây được thể hiện rõ qua các diễn đàn online và mạng xã hội.
Những lá thư tay được khán giả gửi đến Tạp chí văn nghệ
Các thế hệ MC đã đồng hành cùng chương trình: Rất nhiều gương mặt dẫn chương trình khả ái và duyên dáng đã song hành cùng Tạp chí Văn nghệ, trong số đó, có những bạn vừa là biên tập viên đồng thời kiêm luôn vai trò dẫn chương trình Tạp chí văn nghệ như Hải Chuyên, Ngọc Hà, Ngọc Lan… Sau này là Mỹ Trang, Nguyệt Hương, Quốc Thái… Có những diễn viên điện ảnh như Hồng Ánh, Lê Phương hay Tăng Thanh Hà cũng đã từng góp mặt trong Tạp chí văn nghệ trong vai trò dẫn chương trình và được nhiều khán giả yêu mến nhớ tên.
MC Lưu Minh Như của năm 1999 và hiện tại chị đang định cư ở Luxembourg
Các chuyên mục ấn tượng với khán giả
Nói đến giai đoạn hoàng kim nhất của Tạp chí văn nghệ, không thể không nhắc đến những tiết mục đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả ngay từ khi mới ra đời như Mỗi tuần một nhân vật - giới thiệu chân dung và hoạt động nghệ thuật của văn nghệ sĩ, tiểu phẩm không lời, phản ánh những tệ nạn tiêu cực trong xã hội bằng nụ cười dí dỏm nhưng đầy hàm ý; Kỷ lục Việt Nam – giới thiệu những con người, những sự kiện phi thường độc đáo; Phim tài liệu - đặc sản của TFS, ngày càng đa dạng về đề tài ở mọi lĩnh vực và có giá trị học thuật cao.
Các chuyên mục chính của Tạp chí văn nghệ hiện nay
Từ năm 2009 cho đến nay, kết cấu chương trình Tạp chí văn nghệ đã có rất nhiều thay đổi, về nội dung cũng như về hình thức thể hiện, một số tiết mục được thay thế hoặc xuất hiện luân phiên để tránh sự nhàm chán. Bên cạnh tiết mục Mỗi tuần một nhân vật vẫn được duy trì đều đặn hàng tuần, một số tiết mục mới như: Nét đẹp Sài Gòn hiện tại đổi tên thành Sắc màu thành phố, Nghệ thuật và cuộc sống, Chuyện đời tôi. Một số chương trình truyền hình do các đơn vị xã hội hóa hợp tác với TFS như Đi tìm ẩn số, Kính đa tròng… đã thay thế chuyên mục Phim truyện, mang đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn theo sở thích của mình.
Đọng lại bao yêu thương
20 năm Tạp chí văn nghệ, thanh xuân của chúng tôi cũng là thanh xuân của các bạn, những khán giả đã đồng hành với biết bao vui buồn cùng Tạp chí văn nghệ. Hiện tại, hơn một nửa đội ngũ thực hiện Tạp chí văn nghệ ngày ấy đã tiếp bước các thế hệ đàn anh đàn chị của TFS, định hình chuyên môn nghề nghiệp của mình ở mảng phim tài liệu, thế mạnh của TFS, làm ra nhiều tác phẩm hay, tạo được những dấu ấn nổi bật trong nghề. Đồng thời, một lực lượng biên tập viên mới trẻ trung và năng động cũng đã nhanh chóng kế thừa để Tạp chí văn nghệ luôn mới mẻ và chuyển động không ngừng.
Nhà báo Lữ Đắc Long gửi lời cám ơn Tạp chí văn nghệ đã tạo cơ hội cho các anh em nghệ sĩ gắn bó khăng khít hơn
20 năm, biết bao cảm xúc, biết bao yêu thương của chúng tôi đã góp nhặt để làm nên món ăn tinh thần bổ ích dành tặng cho quý khán giả. Sự tin yêu của khán giả dành cho chúng tôi là món quà đầy trân quý, là động lực để chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa, mang đến cho quý khán giả một Tạp chí văn nghệ ngày càng hoàn thiện và không xa rời với nhịp sống phát triển của thời đại hôm nay.
Ái Trinh