Ai quản lý việc bán hàng qua livestream trên mạng?

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05 (Bộ Công an) đột kích, kiểm tra một kho hàng lậu có diện tích hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai.

Điều đáng nói trong vụ việc này là, một kho hàng lậu buôn bán với quy mô lớn, được truyền thông công khai trên mạng xã hội, hàng hóa giao dịch liên tục ngày đêm… vì sao vẫn “qua mặt” được cơ quan chức năng, đặc biệt là hệ thống quản lý thị trường địa phương?

Câu trả lời không quá khó. Và câu hỏi ấy cũng đặt ra một vấn đề khác hiện nay: Ai quản lý việc bán hàng qua livestream trên mạng?


Cơ quan chức năng kiểm kê kho hàng lậu tại thành phố Lào Cai 

Kinh doanh chỉ dựa vào internet

Kho hàng lậu nói trên có quy mô quá lớn đến mức các lực lượng chức năng phải huy động hàng trăm người bảo vệ, kiểm đếm, phân loại, đóng gói trong nhiều ngày. Hàng hóa tại đây chủ yếu là giày dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như LV, Gucci, Chanel, Adidas... 

Một kho hàng lớn như thế nhưng chỉ kinh doanh thông qua mạng xã hội Facebook, bán hàng thông qua hình thức livestream, không cần quảng cáo, không biển hiệu, không đăng ký kinh doanh. Đây là một vụ kinh doanh online hàng giả, hàng lậu lớn nhất từ trước đến nay. 

Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên, mỗi ngày, tối thiểu họ cũng chốt được khoảng 100 - 200 đơn hàng, do hơn 40 nhân viên ngồi máy tính thực hiện bằng phần mềm quản lý tập trung. Sau khi chốt các đơn hàng của khách trên Facebook, các lô hàng được đóng gói, gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát nhanh. Như vậy, trung bình một tháng, kho hàng này bán ra thị trường khoảng 30.000 đơn hàng, doanh thu những tháng gần đây đến hơn 10 tỷ đồng/tháng.

Tại kho hàng này, thường xuyên có một số nhân viên được thuê, thay nhau livestream trên mạng Facebook. Những sản phẩm mang thương hiệu của các nhà mốt hàng đầu thế giới cũng chỉ bán vài trăm ngàn đồng. Mỗi ngày, hàng chục ngàn sản phẩm hàng giả, hàng lậu được ngang nhiên đưa ra thị trường. 

Dấu hiệu hoạt động của kho hàng này được cơ quan chức năng biết đến trong vòng 2 năm qua, sau một thời gian điều tra, theo dõi, truy tìm đường đi của việc nhập hàng, xuất hàng, cơ quan chức năng mới tiến hành khám xét. Để có thông tin chắc chắn về đường dây hàng lậu này cũng không dễ dàng vì đây là mô hình kinh doanh 100% trên internet, giao dịch chớp nhoáng, nhanh và không lưu trữ dấu vết gì trên mạng mà chỉ thông qua livestream, giới thiệu trực tiếp, sau đó đối tượng xóa clip mua bán kinh doanh hàng hóa.

Cần siết chặt quản lý bán hàng online

Với sự phát triển của công nghệ, tính năng phát trực tiếp (livestream) trên Facebook ngày càng được nhiều doanh nghiệp, cá nhân bán hàng khai thác sử dụng trong việc quảng cáo đến bán hàng. Thượng vàng hạ cám từ quần áo giày dép đến nhà đất dịch vụ…, bán hàng livestream nở rộ nhưng cũng đang cho thấy những lỗ hổng trong quản lý chất lượng hàng hóa cũng như chuyện buôn bán hàng lậu trên kênh này.


Hàng lậu, hàng giả được tuồn về Việt Nam qua những hình thức buôn bán tiểu ngạch hoặc buôn lậu ở khu vực biên giới 

Kinh doanh truyền thống phải đăng ký và cơ quan chức năng có nhiều biện pháp để quản lý. Với dạng kinh doanh dùng công nghệ như hiện nay, việc quản lý cũng sử dụng các biện pháp công nghệ. Công bằng mà nói, những sản phẩm hàng hiệu như Nike, Adidas... mà những người bán lẻ Việt Nam đem ra quảng cáo để bán trên Facebook thì sẽ bị chặn ngay lập tức vì đó là những sản phẩm hàng giả, các thuật toán của mạng sẽ chặn ngay lập tức. Nhưng khi họ livestream sản phẩm hàng giả ấy, họ đã đánh lừa nhà mạng, các sản phẩm đó xuất hiện trong video được livestream, thuật toán của Facebook không cách nào để xử lý. 

Phải kết hợp các hình thức trinh sát để có thể tìm ra được điểm bán hàng lậu và xử lý theo quy định pháp luật. Một trong những biện pháp quản lý quan trọng ở đây là các lực lượng chức năng phải nắm vững địa bàn hoạt động của các điểm kinh doanh tại địa phương. 

Mạng là “ảo” nhưng khi kẻ bán hàng lậu livestream, họ vẫn phải có một cái địa chỉ cụ thể để giao dịch, để hoạt động. Do vậy, công tác nắm vững thông tin trên các khu vực địa lý phải được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chú trọng. 

Nhưng điều căn cơ là để hạn chế tình trạng tràn lan hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên các chợ online tự phát dạng Facebook, cần có sự vào cuộc nhanh, mạnh của chính các nền tảng thương mại điện tử lớn. Các nhà mạng cũng cần có chính sách về livestream. Không thể bật tính năng livestream cho tất cả thành viên. Ai muốn livestream bán hàng phải có giấy phép kinh doanh, chứng minh nhân dân, phải đăng ký đầy đủ.

***

Thương mại điện tử là xu hướng. Chính phủ cũng đang khuyến khích phát triển thương mại điện tử. Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam 2019 đạt khoảng 2,84 tỷ USD tăng trên 25% so với năm trước. Thế nhưng, đây đồng thời là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Vì thế, các lực lượng chức năng cần có biện pháp đủ mạnh để hạn chế những hậu quả khó lường cho nền kinh tế đất nước!
Phú Trang