Với chủ đề “Xuôi dòng thương nhớ”, chương trình Miền ký ức phát sóng lúc 9g ngày 15/9 trên HTV9 tiếp tục đưa khán giả đến với những câu chuyện đời, chuyện người qua những ca khúc mà ở đó những dòng sông là minh chứng sống mãi với thời gian.
Những dòng sông là minh chứng sống mãi với thời gian trong “Miền ký ức”
Trở về dòng sông tuổi thơ
Trở về dòng sông tuổi thơ là một tác phẩm mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ với nét mềm mại, trong sáng, thuần khiết. Ở đó có sự cô đọng, sâu lắng của những kỷ niệm trong sáng của tuổi thơ trong hình ảnh những con thuyền giấy, những chuyến đò ngang và những buổi hẹn hò e ấp đầu tiên mà bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy mình trong đó. Và cũng bởi những xúc cảm đó, bài hát còn khái quát một điều lớn lao hơn nữa. Đó là sự thủy chung.
Trở về dòng sông tuổi thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp sáng tác những năm đầu thập niên 80. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp chia sẻ, ông sinh ra tại xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, sau một thời gian dài xa quê, xa dòng sông mà cả tuổi thơ gắn bó, được trở về ngắm sông Tiền lặng lờ trôi, ông đã viết Trở về dòng sông tuổi thơ. Ông không phổ biến bài này vì nghĩ đó là tự sự của riêng mình, chỉ hát cho bạn bè nghe lúc họp mặt.
Ra đời đã hàng chục năm, trước và sau đều có những ca khúc hay về sông quê nhưng Trở về dòng sông tuổi thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp vẫn giữ được sức lôi cuốn riêng đối với khán giả. Vẫn không hề bị lỗi nhịp với thời đại. Để bất kỳ ai đã từng lớn lên bên con sông quê hương cũng có thể tìm thấy mình trong đó, để cùng cất lên “Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà".
Ca sĩ Lân Nhã sẽ “Trở về dòng sông tuổi thơ” của một thời để nhớ
Vàm Cỏ Đông
Những giai điệu, ca từ ngọt ngào mà da diết của Vàm Cỏ Đông từ lâu đã trở thành một trong những làn điệu sông nước đặc trưng của người dân Nam bộ. Từ nhiều năm nay, Vàm Cỏ Đông luôn gắn bó với những giọng ca ưu tú của dòng nhạc truyền thống cách mạng: NSND Thu Hiền, Quang Lý, Thanh Thúy, Quốc Đại, Quang Linh...
Nhạc sĩ Trương Quang Lục từng chia sẻ: “Vào một đêm khuya mùa hè năm 1966, thời kỳ không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, từ nhà máy trở về nhà, tôi chợt nghe trong buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ từ miền Nam gửi ra. Tôi vô cùng xúc động, liền giở tờ Tạp chí Văn Nghệ vừa nhận lúc chiều có in bài thơ này. Tôi đọc đi đọc lại thuộc cả bài thơ, để rồi chọn những đoạn thích hợp nhất để phổ nhạc. Với niềm cảm xúc dâng trào, chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, ca khúc Vàm Cỏ Đông ra đời”.
Với nhạc sĩ Trương Quang Lục, đây có lẽ là một “món nợ” ông đã mang từ hơn 10 năm kể từ ngày xa miền Nam (tháng 7/1954). Mặc dù cảnh vật vùng trung du rừng cọ, đồi chè Phú Thọ này thật thơ mộng, nhưng chưa lúc nào ông thôi nhớ về miền Nam. Có lẽ hơn 10 năm thai nghén, nên chỉ hơn một giờ đồng hồ, ca khúc Vàm Cỏ Đông đã ra đời theo đúng ý nguyện của ông.
Ca sĩ Thùy Trinh ngẫu hứng bên “Vàm Cỏ Đông”
Sáng hôm sau, nhạc sĩ chép sạch bài hát này, đạp xe ra bưu điện huyện Lâm Thao gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam. Khoảng 10 ngày sau, bài hát Vàm Cỏ Đông được giới thiệu lần đầu tiên trên làn sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của các nghệ sĩ Trần Thụ, Tuyết Nhung và tốp ca nữ với phần đệm của dàn nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Sau đó ít ngày, nhạc sĩ Trương Quang Lục tìm địa chỉ gửi thư kèm theo bản nhạc vào Nam cho nhà thơ Hoài Vũ. Nhưng một năm sau Trương Quang Lục mới nhận được hồi âm. Thư có đoạn: “... Bà con ở đây rất thích bài hát này. Tôi nghĩ, sau này về Long An, về với sông Vàm Cỏ, dù là lần đầu, anh sẽ nhận được biết bao tình cảm trìu mến...”.
Sau thống nhất đất nước, đến năm 1977, nhạc sĩ Trương Quang Lục chuyển cả gia đình vào sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Việc đầu tiên là ông tìm gặp nhà thơ Hoài Vũ.
Gặp nhau, cả hai đã không giấu được niềm xúc động. Họ đã luôn đứng bên nhau trong ca từ và giai điệu, nhưng đây là lần đầu tiên họ được đứng bên nhau bằng da bằng thịt. Niềm vui ấy lại được nhân đôi khi nhạc sĩ Trương Quang Lục được biết nhạc bài hát Vàm Cỏ Đông được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh Long An.
Quý Bình sẽ kể câu chuyện tình trong niềm xúc động khôn nguôi
Những nẻo đường phù sa
Với Những nẻo đường phù sa, ca khúc trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Châu Huế thật sự đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Ca từ nhẹ nhàng mang đầy cảm xúc tình người, hòa cùng giai điệu nồng nàn, bi hùng, Những nẻo đường phù sa đã liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh cuối những năm 90 và trở thành ca khúc nằm lòng với những người yêu bài hát và cả tiếng hát của chính tác giả.
Bài hát được đánh giá không chỉ là “nối được bước của dòng nhạc cách mạng” mà còn khiến người nghe nhớ đến âm nhạc của Bảo Phúc nhiều nhất.
Thảo Trang sẽ đến với “Những nẻo đường phù sa” trong một tâm trạng đong đầy cảm xúc
Thiên Hương