“Về quê” với “Dấu ấn thời gian”

Đối với mỗi con người Việt Nam, quê hương luôn mang ý nghĩa rất riêng và thiêng liêng. Bởi, đó là nơi ta được sinh ra và lớn lên, là nơi lưu giữ những ký ức của tuổi thơ...


Nhóm Phù Sa nổi tiếng với những khúc hát ngợi ca miền đất phương Nam

Khi đi xa, mỗi người đều luôn hướng về quê hương, luôn mong muốn được trở về để được đắm mình với dòng sông quê, được nô đùa, thả diều trên những bờ đê, ruộng lúa. Tất cả những ký ức đẹp đẽ ấy sẽ trở về với chúng ta trong chương trình Dấu ấn thời gian tháng Tư phát sóng lúc 15g20 ngày 6/4 trên HTV9 với chủ đề “Về quê”.

Chương trình sẽ lần lượt đưa chúng ta về vùng quê Bắc bộ với ca khúc Về quê được thể hiện bởi ca sĩ trẻ Thanh Lan (thành viên của nhóm Mặt trời đỏ); tiếp đó là về với những kỷ niệm đẹp của miền Tây Nam bộ qua ca khúc Trường làng tôi, được thể hiện bởi nhóm Tam ca Phù Sa. Và sau cùng là ca khúc Dòng sông tuổi thơ, khiến nhiều người cảm thấy như chính nỗi lòng của mình ở trong đó.

Câu chuyện “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương

Trở lại với ca khúc Về quê, đây là một ca khúc mang âm hưởng của những làn điệu quan họ Bắc Ninh, hòa trong những giai điệu mượt mà đó nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đưa vào rất nhiều hình ảnh đặc trưng của một làng quê Bắc bộ Việt Nam như: triền đê, hàng tre, dòng sông, phiên chợ… khiến cho khán giả khi thưởng thức ca khúc này mỗi người sẽ tự vẽ nên hình ảnh của một làng quê yên bình.

Những năm giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do đế quốc Mỹ gây ra, bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trường nhạc sơ tán về miền Kinh Bắc, nơi mà “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Sống, học tập và tiếp xúc với những “cô Tấm ngày nay”, “tay súng, tay cày, đảm đang việc nước, việc nhà, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên” đã làm cho chàng sinh viên Phó Đức Phương dạt dào cảm hứng âm nhạc, thôi thúc anh cầm bút. 

Sau khi đã thành danh, ông có nhiều điều kiện gắn bó mật thiết với mảnh đất đã sinh ra người mẹ kính yêu. Những năm tháng thiếu thời trên quê ngoại (làng Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã đưa ông đến dòng sông quan họ, ở đó ông tha hồ ngụp lặn, thỏa thích vẫy vùng. Phải chăng đây chính là nguồn cội tạo nên một thương hiệu Phó Đức Phương “lãng mạn và huyền diệu”. 

Trong lần về Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, những ngày mới tái lập tỉnh (1997), NSND Thúy Cải (năm đó là NSƯT, Trưởng đoàn) thân mật khuyên ông nên về quê cư ngụ. Từ lâu, ông đã có ý tưởng phải viết một cái gì đó về làng quê, lời khuyên chân tình của “liền chị quan họ” đã làm thức dậy trong ông những ký ức về một miền quê, nơi có những triền đê, “những dòng sông bên lở, bên bồi”, nơi có “phiên chợ nghèo, lều tranh, mái xiêu”, ở đó có bóng dáng của người chị, người mẹ, quanh năm dầu sương, dãi nắng, tảo tần, bầu bạn với bánh đa, bánh đúc, dệt nên những “thảo thơm, đồng xanh, trái ngọt”. Thế là “theo em anh thì về”, cái tứ ấy đã mở đầu tác phẩm Về quê


Ca sĩ Thanh Lan thể hiện ca khúc "Về quê"

Phút trải lòng “Trường làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu

Ca khúc Trường làng tôi được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu sáng tác từ năm 1948 nhưng có thể nói, đến nay ca khúc này vẫn luôn được khán giả yêu thích.

Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu (1935 – 1998) là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu như Cho con, Mùa thu không trở lại, Trường làng tôi. Trước năm 1975, ông thường sử dụng bút danh Phạm Trọng để sáng tác. Sau năm 1975, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, và là ủy viên Hội Âm nhạc.

Ca khúc Trường làng tôi là nhạc phẩm đầu tay của ông, được sáng tác khoảng năm 1948. Ca khúc này sau khi được phát trên đài phát thanh đã được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt.  

Ngôi trường trong ca khúc là Trường Tiểu học Vũng Liêm, Tỉnh Vĩnh Long, chính là ngôi trường mà nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã học lúc nhỏ. Có thể nói là có rất nhiều ca khúc viết về ngôi trường, lớp học nhưng Trường làng tôi là ca khúc chiếm được tình cảm khán giả nhất bởi ca khúc này chính là ký ức, là tình yêu mà nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu dành cho chính ngôi trường của mình như trong lời ca khúc nhạc sĩ có viết: “Trường làng tôi không giây phút tôi quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh...”.


Nhóm Phù Sa ngọt ngào trong ca khúc “Trường làng tôi”

Cùng “Trở về dòng sông tuổi thơ” với nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ không gắn liền với địa danh nào cụ thể, lại có phần nổi trội hơn nhiều bài khác. Bên cạnh đường nét giai điệu giàu cảm xúc, yếu tố thành công còn nhờ vào lời ca truyền cảm và đẹp như một bài thơ. Bài hát không trói buộc vào một địa phương nào càng làm cho nhiều người dễ cảm thấy như chính nỗi lòng mình đang hát về con sông quê của riêng mình.

Đây là ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của nhiều miền quê hương Việt Nam bởi hình ảnh dòng sông – bến nước – con đò là hình ảnh rất thân quen. Con sông trong bài hát không chỉ là một con sông theo nghĩa đen mà tác giả đã ví con sông như một con người; dù thời gian có trôi qua bao lâu thì con sông vẫn luôn ở đấy, vẫn luôn chứng kiến bao đổi thay của cuộc sống.

Trở về dòng sông tuổi thơ thường được nhiều thí sinh lựa chọn làm ca khúc dự thi trong các cuộc thi ca hát, nhất là cuộc thi Tiếng hát truyền hình… và những ca sĩ được xem là thể hiện thành công ca khúc này chính là Cao Minh, Anh Thơ.

Hoàng Hiệp là một trong số ít nhạc sĩ có biệt tài chắp cánh cho thơ. Với giai điệu giàu cảm xúc của ông, nhiều bài thơ nổi tiếng như có thêm cuộc đời mới, bay bổng và bay xa hơn. 


Trong chương trình, ca sĩ Triệu Lộc sẽ chở một màu sắc mới cho “Trở về dòng sông tuổi thơ” 
Ban Mê