Trở về Miền ký ức qua “Hành khúc áo trắng”

Tháng Giêng, tháng của Học sinh – Sinh viên căng tràn sức sống của lứa tuổi mười tám, đôi mươi... Cùng chương trình tìm về hồi ức những tháng năm tươi đẹp thời áo trắng trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước qua chủ đề “Hành khúc màu áo trắng".


Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng biểu diễn tiết mục “Bài ca sinh viên” trong chương trình “Miền ký ức”, phát sóng lúc 23g15 ngày 8/1/2020 trên HTV9

“Hành khúc màu áo trắng” kể về một thời hoa lửa oai hùng của thế hệ học sinh – sinh viên xưa, dùng sức trẻ đáp lời sông núi, tình nguyện hy sinh đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, những hồi ức mà chương trình muốn mang đến cho khán giả qua chủ đề “Hành khúc màu áo trắng” được thể hiện đậm nét qua mục “Ký ức HTV” với những phong trào học sinh - sinh viên trong một số tác phẩm trên sóng HTV.

Ngày 9/1 – Ngày truyền thống Học sinh – Sinh viên trong ký ức bao người là những tháng năm hào hùng của tuổi trẻ, khi thế hệ trí thức tương lai đáp lời sông núi, đứng lên đấu tranh vì nền độc lập tự do và thống nhất đất nước. Những hình ảnh thiêng liêng ấy luôn được đội ngũ HTV lưu giữ và tái hiện, qua các tác phẩm phát sóng. 

Bên cạnh nguồn phim tư liệu quý, phản ánh phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên Sài Gòn trước 1975, hình ảnh những chàng trai, cô gái áo trắng kiên cường còn được thể hiện qua những thước phim sinh động. Khán giả không khỏi bồi hồi nhìn lại những “người thật, việc thật” ngày xưa, nay tóc đã pha sương nhưng vẫn dùng tiếng đàn, câu hát làm sống lại một thời kỳ oanh liệt. Những trường đoạn kịch nói xúc động về những thanh thiếu niên trong đô thị miền Nam, vượt qua sự ngăn cản của gia đình, người thân để đến với lý tưởng cách mạng… hay những thước phim điện ảnh tái hiện phong trào đấu tranh sôi nổi trong các trường học giai đoạn trước 1975…


Ca sĩ Anh Bằng sẽ đưa khán giả trở lại không khí hào hùng, sục sôi của những tháng năm oanh liệt “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong Liên khúc: “Tự nguyện – Dậy mà đi – Hát cho đồng bào tôi nghe”

Qua những thước phim đó, chúng ta gặp lại những hình ảnh của thế hệ nhạc sĩ đã tham gia phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong giai đoạn cuối thập niên 1960 – đầu thập niên 1970 như các nhạc sĩ Nguyễn Nam, Trần Long Ẩn, Trần Xuân Tiến... 

Đây là phong trào có tính quần chúng rộng rãi, với nhiều hình thức sinh động, phong phú, nòng cốt của phong trào là Đoàn Văn nghệ Sinh viên - Học sinh Sài Gòn, thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn.

Qua các phong trào văn hóa, văn nghệ của sinh viên, đã tập hợp được đông đảo lực lượng yêu nước, phản đối chiến tranh, kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa nước nhà và hòa bình cho dân tộc. Trước đó, không khí đấu tranh của sinh viên và giới trẻ đã trở nên sôi động khi xuất hiện những ca khúc nổi tiếng thúc giục, khích lệ tinh thần tuổi trẻ như: Dậy mà đi, Đồng lúa reo, Tiếng gọi sinh viên, Hát trong tù, Tự nguyện, Em gái Văn khoa

Những bài hát như những ngọn lửa thổi bùng mạnh mẽ tinh thần và tấm lòng yêu nước của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn và đô thị miền Nam kéo dài không ngơi nghỉ cho đến ngày toàn thắng, giành độc lập – tự do cho dân tộc.


Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến – một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”

Ở “Ký ức thành phố trẻ”, với những hồi ức về Học sinh - Sinh viên, khiến chúng ta không khỏi tự hào khi vùng đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh được xem là “cái nôi của phong trào Học sinh - Sinh viên của cả nước” – là nơi khởi nguồn cho ngày 9/1 – Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Chúng ta cùng ôn lại những ký ức về phong trào học sinh, sinh viên thời chống Pháp và chống Mỹ qua những câu chuyện kể đắt giá của các nhân chứng lịch sử, như ông Nguyễn Chơn Trung – Nguyên chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn giai đoạn 1964 – 1965. Hay tinh thần học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn rực sáng với nhiều phong trào cống hiến sức trẻ xây dựng, bảo vệ đất nước sau năm 1975, được sống lại qua lời kể của ông Nguyễn Văn Triệu – Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP. Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Lê Văn Lộc - Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Thảo Trang – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp (ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh). Tuy 3 vị khách mời với ba công việc khác nhau, cống hiến cho đất nước ở những giai đoạn khác nhau, nhưng họ có một điểm chung là: chính họ đã dấn thân và chứng kiến tinh thần học sinh - sinh viên thể hiện một cách trọn vẹn nhất, trong những hoàn cảnh thật đặc biệt.


Nhóm FM hứa hẹn làm lay động tâm hồn người yêu nhạc qua “Một đời người, một rừng cây”

Đến với “Hành khúc áo trắng”, ngoài những câu chuyện kể cảm động, khán giả được hòa mình trong bầu không khí sôi nổi của các phong trào học sinh – sinh viên của từng thời kỳ lịch sử qua các khúc: Khỏe vì nước (Sáng tác: Hùng Lân), Học sinh hành khúc (Sáng tác: Lê Thương), Lên đàng (Sáng tác: Lưu Hữu Phước), Tự nguyện (Sáng tác: Trương Quốc Khánh), Dậy mà đi (Sáng tác: Nguyễn Xuân Tân một bút danh khác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập), Hát cho dân tôi nghe (Sáng tác: Tôn Thất Lập), Một đời người một rừng cây (Sáng tác: Trần Long Ẩn), Bài ca sinh viên (Sáng tác: Trần Hoàng Tiến)... được thể hiện bởi các ca sĩ: Anh Bằng, Nguyễn Phi Hùng, các nhóm FM, nhóm Aqua Band, nhóm bè Sức Sống Mới, đoàn múa Ngọc Trai Việt...
Hương Ngọc Lan