Tác giả Phạm Xuân Đài trong một bài viết trên website www.mautam.net cũng khẳng định: “Nam Phong Tạp Chí ra đời giữa năm 1917 (Đinh Tỵ), và ngay cái tết đầu tiên của tờ báo, ông Phạm Quỳnh đã nghĩ đến việc làm một “số Tết” - một điều mà những tờ báo đi trước như Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương Tạp Chí... chưa ai nghĩ ra”.
Khi tìm tư liệu viết bài này, nhà báo Lam Điền (báo Tuổi Trẻ) có chia sẻ cho chúng tôi bản số hóa của tờ “Nam Phong Tạp Chí” số Tết 1918. Bài viết đầu trên số báo xuân đầu tiên ấy có nhan đề “Số Tết của báo Nam Phong”, tác giả bài báo này chính là chủ bút Phạm Quỳnh. Từ nội dung bài báo này, có thể khẳng định rằng, Nam Phong Tạp Chí đúng là tờ báo đầu tiên làm báo Tết và đó là số báo Tết đầu tiên.
Trang bìa tờ báo xuân đầu tiên ở Việt Nam
“Nếm miếng bánh đường, nhắp chén rượu ngọt”
Bài viết của Phạm Quỳnh trên số báo xuân đầu tiên - Trang 1
Đây là chữ dùng của học giả Phạm Quỳnh để nói về tinh thần nội dung của tờ báo Tết đầu tiên ấy. Trong bài viết có tính chất “phát biểu đề dẫn” ấy, tác giả bên cạnh việc “thông báo lý do” phát hành số báo đặc biệt mừng năm mới, còn nêu lên quan điểm của tòa soạn về tổ chức nội dung số báo này. Đúng 100 năm đã trôi qua, giờ đây đọc lại bài báo xuân ấy, chúng ta không thể không ngạc nhiên. Xin trích giới thiệu bài báo ấy:
“Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân; trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui: vui ngày Tết là cái vui dễ “truyền nhiễm” vậy.
Bản báo đối với các bạn đọc báo những ngày thường vẫn giữ một thái độ quá nghiêm, tự hồ như lạnh nhạt, chỉ chuyên trọng đường tư tưởng học vấn, không hề chú ý đến những lối văn chương tiêu khiển, như câu hát lẳng lơ, nhời thơ bay bướm. Sự đó là bản báo cố ý như thế: đã từng nhận cái tật hư văn, cái thói ngâm vịnh hại cho nước ta nhiều lắm, nên phàm lập ngôn khởi luận vẫn thiên trọng sự thực hơn là sự phiếm.
Nhưng cái thái độ nghiêm khắc ấy tuy ngày thường là phải, mà gặp những thời tiết vui vẻ, như hội Tân xuân này, đối với cảnh, đối với người, đối với lòng hoan hỉ của mấy triệu quốc dân, tựa hồ như gẩy khúc đàn sai nhịp vậy.
Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới.
Nhời bàn thiết thực, nghĩa lý sâu xa, đó là cái món ăn chắc bổ những ngày thường; của ăn sống người, nên trọng là phải. Nhưng thỉnh thoảng cũng phải nếm miếng bánh đường, nhắp chén rượu ngọt cho khoan khoái tinh thần, nên giọng hát êm tai, truyện vui khoái trí cũng là một món không thể khuyết được.
Trong sáu tháng nay, các bạn đọc báo đã cùng với bản báo vẫy vùng trong bể học vấn, rong ruổi trên trường nghị luận, những món chắc bổ để nuôi tinh thần trí thức cũng đã nếm qua ít nhiều mà biết cái dã vị thực thà. Vậy nay xin hiến các bạn một mâm đồ ngọt, gọi là cái quà ăn chơi trong vài ngày Tết: mứt bách quả; bánh ngũ sắc, mỗi thứ một ít, kể cả thứ bánh ngoài Bắc ta tục gọi là bánh “xã trưởng”, ngoài quả cà, trong quả táo nhưng toàn là những thức ngon miệng vậy”.
Bài viết của Phạm Quỳnh trên số báo xuân đầu tiên - Trang 2
Như vậy, có thể nói, Phạm Quỳnh là người đầu tiên trong làng báo Việt có sáng kiến làm báo xuân. Ông cũng là người đầu tiên đưa quan điểm tố chức nội dung báo xuân như một ấn phẩm giải trí nhẹ nhàng nhằm mang đến niềm vui cho cộng đồng trong mùa đoàn tụ. Đọc bài viết của cụ Phạm Quỳnh, có thể diễn dịch rằng, lúc bấy giờ, học giả họ Phạm quan niệm tờ báo xuân phải là là báo... văn nghệ, hoặc phải có văn chương! Theo ông, nếu báo thường trong cả năm, có “nhời bàn thiết thực, nghĩa lý sâu xa, đó là cái món ăn chắc bổ những ngày thường; của ăn sống người” thì báo Tết, báo Xuân “phải nếm miếng bánh đường, nhắp chén rượu ngọt cho khoan khoái tinh thần, nên giọng hát êm tai, truyện vui khoái trí cũng là một món không thể khuyết được”.
Từ “Nam Phong tạp chí” với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa “Số Tết 1918” do Phạm Quỳnh khởi xướng đến nay, lịch sử báo xuân Việt Nam đã phát triển được một thế kỷ! Ngày nay, công nghệ làm báo in có sự phát triển vượt bậc. Báo xuân đã liên tục cải tiến về nội dung và hình thức qua thời gian. Báo chí hiện đại còn có thêm các loại hình mới. Báo trực tuyến, báo nói, báo hình cũng vận dụng linh hoạt hình thức “báo xuân” của cha ông trên các kênh thông tin của mình.
Và một hoạt động thú vị khác từ truyền thống làm báo xuân của làng báo Việt đã hình thành những năm qua là Hội Báo Xuân. Có thể khẳng định chắc chắn rằng Hội Báo Xuân là một kiểu lễ hội đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, không thể tìm thấy ở bất cứ một nước nào trên thế giới. Nó vừa là loại hình hoạt động văn hoá đặc sắc của giới báo chí phục vụ công chúng vào những ngày đón một mùa xuân mới của dân tộc.
Hiện tại, số lượng ấn phẩm báo in, tạp chí của cả nước lên hơn con số 600 (đó là chưa kể hàng chục ngàn tờ tin nội bộ do các địa phương xuất bản). Tất cả các ấn phẩm ấy đều có số đặc biệt chào đón xuân mới. Nghiên cứu quá trình hình thành phát triển của báo xuân ở Việt Nam cũng là đề tài thú vị đang chờ đợi các bạn trẻ có tâm huyết.