Thanh âm ngày mới

Tìm hiểu về “Ca khúc truyền cảm hứng”

Chương trình Thanh âm ngày mới phát sóng lúc 15g20 ngày 3/11 trên HTV9 giới thiệu đến khán giả chủ đề “Ca khúc truyền cảm hứng” trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng đất nước, cũng như quá trình phát triển của loại hình ca khúc này.


Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến trong vai trò khách mời 

Qua mỗi thời kỳ, tùy theo hoàn cảnh của đất nước, xã hội mà các ca khúc có những chủ đề đặc trưng, nhưng dù ở giai đoạn nào, các ca khúc ấy vẫn truyền được ngọn lửa, truyền được cảm hứng cho người nghe.

“Ca khúc truyền cảm hứng” xuất hiện vào những năm 20-30 của thế kỷ trước, trong giai đoạn đất nước đang đấu tranh với thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ. Theo yêu cầu của lịch sử, âm nhạc cũng có những thay đổi để phù hợp, và “Ca khúc truyền cảm hứng” ra đời cũng dựa trên tiêu chí đó.

Trước năm 1945, có vài ca khúc mang yếu tố giống như “Ca khúc truyền cảm hứng”, đó là Cùng nhau đi Hồng Binh của nhạc sĩ Đinh Nhu, hay một số sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước… Sau 1945, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, “Ca khúc truyền cảm hứng” phát triển ngày một mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng hơn. 

Vào những năm 70, ca nhạc cách mạng phát triển rất mạnh. Đây là thời kỳ toàn dân đồng lòng chống giặc ngoại xâm và âm nhạc là một trong những cách truyền tải thông điệp nhanh nhất, mạnh nhất. Nhiều người trong giới trí thức được cử đi học, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, âm nhạc nước ngoài, được mở mang kiến thức, kết hợp với lòng yêu nước đã sáng tác ra nhiều ca khúc với ca từ mạnh mẽ, thúc giục ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những yếu tố đó đã làm cho số lượng “Ca khúc truyền cảm hứng” ngày càng nhiều. Trong thời kỳ này, ở miền Nam có một phong trào đấu tranh có sức ảnh hưởng rất lớn đến tầng lớp học sinh, sinh viên, sau đó lan rộng ra các tầng lớp khác, đó là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”.


Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trong vai trò khách mời 

“Ca khúc truyền cảm hứng” đã có sự phát triển về chất trong giai đoạn những năm 70 của thế kỷ trước. Đặc biệt, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã sản sinh ra một gia tài các “Ca khúc truyền cảm hứng” mà đến thời điểm hiện tại, vẫn có sức sống mãnh liệt, khi được cất lên, vẫn trọn vẹn tinh thần, khí phách của những người dấn thân ngày ấy.

Trong giai đoạn xây dựng đất nước, các “Ca khúc truyền cảm hứng” trong thời kỳ này tập trung cổ vũ tinh thần lao động, ca ngợi sự hy sinh vì cái chung với những ca khúc tiêu biểu: Em ở nông trường, em ra biên giới; Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Đêm Thành phố đầy sao, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Ơi cuộc sống mến thương

Minh Long