CẦU VỒNG NGŨ SẮC

Tiếng đàn tam thập lục trong thời đại kỹ thuật số

Chương trình "Cầu vồng ngũ sắc", phát sóng lúc 9g10 ngày 25/9 trên HTV9, sẽ giúp khán giả có cái nhìn tổng thể về đàn tam thập lục qua những chia sẻ về loại nhạc cụ độc đáo này.


Tiết mục Giấc mơ trưa

“Tiền thân” của đàn tam thập lục du nhập vào Việt Nam và xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20 trong một số ban nhạc thính phòng cung đình, ban nhạc dân gian Việt Nam. Qua năm tháng, đàn tam thập lục được cải tiến về cấu tạo cũng như kỹ thuật để có thể “nói” được tiếng nói của người Việt và trở thành thành viên chính thức trong gia đình nhạc khí dân tộc Việt Nam.

Đàn tam thập lục là một loại nhạc cụ thuộc nhạc khí dây, có 36 dây (tam thập lục). Tuy nhiên, ngày nay một số nghệ nhân đã cải tiến đàn này bằng cách mắc thêm nhiều dây nữa để đánh được nhiều âm hơn, với hệ thống thang âm đầy đủ 12 âm (cromatic - bán âm). Mục đích cải tiến là làm sao để dễ dàng đánh những bài nhạc có nhiều chuyển điệu. Tuy số lượng dây đã vượt quá con số 36 nhưng người ta vẫn quen gọi là đàn tam thập lục, một số người khác còn gọi nhạc cụ này là đàn Bướm vì hình của đàn giống hình con bướm.

Đàn tam thập lục không có phím để bấm, cũng không thể dùng tay trái nhấn, rung, mổ luyến láy như những nhạc cụ dân tộc Việt nên nhiều nhạc sĩ khi chuyển soạn rất thận trọng chọn lựa tác phẩm dân ca.

Với những bài Lý (dân ca), cây đàn tam thập lục làm nổi bật hơn âm điệu trong sáng, vui tươi, nhất là dân ca Nam bộ. Còn với dân ca ở các vùng khác như Quan họ Bắc Ninh, dân ca các dân tộc thiểu số cũng được biên soạn với những kỹ thuật đơn giản, những nét luyến láy sẽ được thay bằng những nốt nhỏ đánh nhanh dẫn vào nốt chính để tạo cảm giác luyến.


Tiết mục Bốn chữ lắm

Trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc phát sóng lúc 9g10 ngày 25/9 trên HTV9, sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng thể về đàn tam thập lục qua những chia sẻ về loại nhạc cụ độc đáo này. Đặc biệt, qua ngón đàn tinh tế, điêu luyện của của cô gái đến từ miền đất Cù Lao Phố Đồng Nai: Khánh Trang sẽ mang đến một làn gió mới với 4 tiết mục biểu diễn: Liên khúc Lý cây đa - Đi cấy (Dân ca Bắc Bộ), Giấc mơ trưa (Giáng Son), Ngày mai (Sáng tác:  Lưu Thiên Hương), Bốn chữ lắm (Sáng tác:Phạm Toàn Thắng).

Bốn tác phẩm đều là những bản cover ở mỗi thể loại khác nhau. Mỗi bài là một phong cách khác nhau, có truyền thống dân tộc, có sự kết hợp với nhạc nhẹ, nhạc điện tử... cho thấy sự đa dạng trong thể hiện được nhiều thể loại khác nhau của cây đàn tam thập lục tưởng chừng chỉ diễn tấu được thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Liên khúc Lý cây đa - Đi cấy là một sự kết hợp hài hoà và vui tươi của 2 bài dân ca là Lý cây đa (Một bài hát quen thuộc của dân ca quan họ Bắc Ninh) và bài Đi cấy (dân ca Thanh Hoá).

Với giai điệu vui tươi và tiết tấu nhanh, được thể hiện qua âm thanh trong trẻo của cây đàn tam thập lục kết hợp với các nhạc cụ dân tộc khác, như: tranh, sáo, bầu, trống... Tạo nên màu sắc quen thuộc của làng quê, mái đình, cây đa... mang con người gần gũi với thiên nhiên và sinh hoạt thường ngày ở vùng quê.

Giấc mơ trưa được ca sĩ Thuỳ Chi thể hiện rất thành công. Bản cover đàn tam thập lục với piano là sự kết hợp mới lạ với sự thay đổi nhịp của bài. Từ 4/4 thành 6/8, tạo nên một làn gió mới cho bài hát nhưng vẫn giữ được giai điệu thuần tuý. Phần đầu của ca khúc là piano đệm cho tam thập lục, phần 2 là tam thập lục đệm cho piano, sự thay đổi này tạo nên sự hoà quyện giữa hai loại nhạc với nhau. Vốn dĩ đàn tam thập lục được ví như cây piano dân tộc vì âm thanh và hệ thống dây gần giống với piano.

Ngày mai là ca khúc được thể hiện trên nền nhạc EDM. Là sự kết hợp độc đáo giữa âm nhạc dân tộc và nhạc điện tử. Sự kết hợp này cũng không kém phần hấp dẫn so với các nhạc cụ khác. Đàn tam thập lục vẫn giữ được những nét giai điệu bay bổng của bài, hoà quyện với nền nhạc sôi động EDM làm cho người nghe cảm giác hưng phấn và mới lạ.


Tiết mục Ngày mai

Bốn chữ lắm là một ca khúc hot và được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Lời bài hát rất dễ thương, nhí nhảnh, giai điệu bắt tai. Chính vì thế, bản cover tam thập lục với band nhạc trẻ Stay the Same gồm trống cajon, violon, xenlo và guitar là một sự kết hợp hoài hoà giữa âm nhạc dân tộc và nhạc nhẹ, mang đến sự mới lạ cho âm nhạc dân tộc Việt Nam và mang nhạc cụ dân tộc Việt Nam đến gần với giới trẻ hơn.
Thiên Hương