Thư viện Hồ Chí Minh và Việt Nam: Nơi vun đắp quan hệ Việt Nam-Italy

Thư viện Hồ Chí Minh và Việt Nam tại Todi đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa Italy và Việt Nam, đặc biệt là những ký ức lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tham quan thư viện  Hồ Chí Minh và Việt Nam ở thành phố Todi. (Ảnh: Thanh Hải-Trường Dụy/TTXVN)

Với hơn 5.000 đầu sách bằng tiếng Italy, tiếng Việt và các ngôn ngữ khác viết về Bác Hồ, Việt Nam và lịch sử đương đại, Thư viện “Hồ Chí Minh và Việt Nam” tại thành phố Todi thuộc vùng Umbria của Italy đã trở thành điểm đến của những người bạn Italy và quốc tế yêu quý, mong muốn tìm hiểu về Việt Nam và nhà lãnh tụ vĩ đại, người có tới 20 bí danh và một ước mơ duy nhất: tự do cho đất nước và con người Đông Dương.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Antonino Ruggiano, Thị trưởng Thành phố Todi, cho biết: “Việc thành lập một thư viện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Việt Nam tại thành phố Todi có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng tôi có sự kết nối với lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh cũng như với Việt Nam, một trong những đất nước quyến rũ và phi thường nhất ở phương Đông.

Đây còn là cơ hội để chúng tôi tiếp cận gần hơn với lịch sử Việt Nam và nhận thức được vai trò quan trọng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, chặng đường Người đã đi qua trong thế kỷ XX vì nền độc lập, tự do của đất nước. Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức tại Todi các sự kiện, hội thảo nhằm giúp người dân Italy nói chung và thành phố nói riêng hiểu biết sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam.”

Thư viện “Hồ Chí Minh và Việt Nam” có một khu vực đặc biệt, dành riêng cho lịch sử và con đường giải phóng lâu dài của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đang có kế hoạch thành lập một Trung tâm Nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, dành cho các học giả trong ngành, các trường học, đặc biệt là cấp đại học và tất cả những người quan tâm đến chủ đề này.

Thư viện cũng có kế hoạch tổ chức các hội nghị và các cuộc gặp gỡ văn hóa nhằm nghiên cứu sâu về lịch sử quá khứ và hiện tại của Việt Nam từ các góc độ văn hóa (thơ ca, văn học, nghệ thuật, lữ hành, du lịch...), xã hội, chính trị, kinh tế, sản xuất nhằm truyền bá kiến thức về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Italy, ông Giuseppe Bearzi, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội INTRA - hiệp hội văn hóa và phi chính trị, phi lợi nhuận đã phối hợp với thành phố Todi và bà Nora Tagliazucchi để thành lập Thư viện “Hồ Chí Minh và Việt Nam” - cho biết: “Chắc chắn tại Italy đã từng lưu hành rất nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam cũng giống như hình ảnh của nhà cách mạng Giuseppe Garibaldi tại Italy trong thế kỷ XIX, những người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến để chấm dứt sự chia cắt và mang lại sự thống nhất hoàn toàn cho đất nước.”

Tất cả những cuốn sách về Bác Hồ và Việt Nam tại Thư viện “Hồ Chí Minh và Việt Nam” cũng được lập danh mục trên Internet trên nền tảng mạng xã hội Anobii, để sự tồn tại và vị trí của những cuốn sách đó có thể được biết đến trên toàn thế giới.

Bà Deana Mannaioli, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Pegaso, chia sẻ: “Lịch sử của Việt Nam rất đặc biệt với quá trình đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đi đến mục tiêu cuối cùng là đem lại hòa bình cho đất nước. Tôi mong rằng những người Italy đang và sẽ hợp tác với Việt Nam cũng sẽ tiếp nối, có thể cùng nhau chia sẻ những kiến thức và giá trị lịch sử này.”

Với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố Todi và Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, Thư viện "Hồ Chí Minh và Việt Nam” đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị về chủ đề kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa Italy và Việt Nam, để nhắc lại những ký ức lịch sử được lưu giữ về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam vì độc lập và tự do của Tổ quốc.

Theo ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni, “cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và tư duy giác ngộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn phải là tấm gương cho thế hệ trẻ trên toàn thế giới noi theo.”

Sự hiện diện và những hoạt động tích cực của các cơ sở văn hóa như Thư viện “Hồ Chí Minh và Việt Nam” đang góp phần thúc đẩy sự hợp tác song phương trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch và nhiều lĩnh vực khác, đồng thời tăng cường và phát triển tích cực mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Dương Hoa-Trường Dụy-Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)