Thủ tướng yêu cầu tích hợp loạt tiện ích thiết yếu lên VNeID

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tích hợp hàng loạt tiện ích thiết yếu lên ứng dụng VNeID bằng cách cho phép người dân được cập nhật và xác thực dữ liệu cá nhân.

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói các dữ liệu cá nhân cần được cập nhật lên ứng dụng VNeID gồm trình độ học vấn, quan hệ họ hàng, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, điện nước, viễn thông, công chức, viên chức, đảng viên...

Các đô thị loại 3 (thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị) được giao sớm nghiên cứu thí điểm tích hợp ứng dụng quản lý xã hội trên VNeID như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng.

Các tiện ích cho người dân như cấp lý lịch tư pháp, sổ sức khỏe điện tử, giấy khai sinh, kết hôn, ly hôn, dịch vụ ngân hàng, tiện ích cho nhóm yếu thế (người già, trẻ em, người có công) cũng cần được tích hợp vào ứng dụng.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh cấp tài khoản định danh điện tử cấp 2, phấn đấu cuối năm nay có 20 triệu người dùng VNeID với ít nhất 10 ứng dụng. Bộ cũng phải nghiên cứu đề xuất xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia vào cuối năm 2024; xây dựng trung tâm điều phối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xử lý, xác thực, tra cứu, tích hợp và chia sẻ dữ liệu.

Bộ Công an được giao triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân gắn chip tại các bệnh viện để rút ngắn thủ tục. Công nghệ xác thực sinh trắc học cũng sẽ phục vụ hành khách làm thủ tục đi máy bay các tuyến nội địa. "Bộ cần sớm xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân", Thủ tướng nói.

Ông giao Bộ Tài chính đồng bộ dữ liệu, dùng căn cước công dân, định danh điện tử là mã số thuế và định danh trong các giao dịch điện tử. Tất cả cơ sở kinh doanh lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, khách sạn, giải trí, siêu thị, trung tâm thương mại phải kết nối hóa đơn điện tử. Đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí sẽ được triển khai toàn quốc và liên thông với nhau.

"Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số chiếm 15,2% GDP trong nửa đầu năm 2023. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ ngành và 63 địa phương với hơn một tỷ lượt tra cứu, khai thác. 41 triệu thông tin tín dụng ngân hàng được làm sạch. Thẻ căn cước công dân bước đầu thay thế ATM với 17.000 lượt sử dụng. Hiện, gần 8 triệu tài khoản và 20,7 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chỉ số và bảng xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022 của các địa phương và bộ ngành.

Theo đó, Đà Nẵng dẫn đầu toàn quốc cả ba chỉ tiêu là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường lần lượt dẫn đầu khối bộ, cơ quan ngang bộ về chuyển đổi số.

Viết Tuân (vnexpress.net)