Cùng với sự phát triển của quy hoạch và hạ tầng đô thị, các chương trình an sinh xã hội, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố trong 45 năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Công viên văn hóa Đầm Sen - điểm đến vui chơi – thư giãn của người dân
Từ năm 1990, điện lưới quốc gia đã về đến huyện Cần Giờ - cách trung tâm Thành phố khoảng 50 km đường bộ và giống như một hòn đảo tách biệt với bốn bề là sông và biển. Đến năm 2015, Thành phố đã làm cáp ngầm vượt sông Lòng Tàu cấp điện cho xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) - nơi xa nhất Thành phố và chỉ có cách kết nối với các địa phương khác bằng đường thủy.
Từ những năm đầu thập niên 1990 đến nay, Thành phố đã liên tục thực hiện chương trình giảm nghèo, với hàng trăm ngàn hộ nghèo được hỗ trợ, vươn lên thoát chuẩn nghèo qua từng giai đoạn. Đến cuối năm 2018, đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X về “Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 1%/năm”.
Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa nội thành và ngoại thành, giữa các khu vực dân cư và các giai tầng xã hội; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. TP. Hồ Chí Minh hiện có 56 nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao cấp phường và nhiều công viên lớn, nhà thi đấu… là nơi rèn luyện sức khỏe và vui chơi cho người dân.
Một đoạn đường nông thôn mới ở huyện Củ Chi
Việc xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn hóa - nghệ thuật như các sân khấu, nhà hát, cụm rạp chiếu phim theo tiêu chuẩn quốc tế, các khu thương mại sầm uất và đầy đủ tiện ích dân sinh trải rộng khắp các quận và đang vươn xa tới một số huyện ngoại thành (Hóc Môn, Củ Chi) mang đến sự hưởng thụ văn hóa – giải trí ngày càng tăng cao cho nhân dân Thành phố. Đặc biệt, Đường sách Thành phố (Q.1) và hệ thống các nhà sách lớn – Thành phố sách, cà phê sách... của Phương Nam, Fahasa... góp phần nâng cao văn hóa đọc, bồi dưỡng tri thức và còn là không gian thư giãn, tham quan, trải nghiệm cho mọi tầng lớp nhân dân.
Các cơ sở giáo dục – đào tạo bậc đại học và sau đại học trên địa bàn Thành phố phát triển nhanh, củng cố vững chắc vị trí trung tâm đào tạo lớn của khu vực phía Nam và cả nước. Một số chương trình, đề án đột phá trong lĩnh vực giáo dục của Thành phố như: Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, mô hình “Trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập quốc tế và khu vực”, Chương trình “Tiếng Anh tăng cường”…
Đường sách TP. Hồ Chí Minh ( Q.1) - ảnh : SGGP
Thành phố có mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng không ngừng được củng cố, cơ sở vật chất ngành y tế được nâng cấp, mở rộng. Các mô hình y tế tiêu biểu: Khởi động đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với 24 trạm y tế điểm; Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại trạm y tế, kết nối hỗ trợ tư vấn chuyên môn từ xa giữa bác sĩ chuyên khoa của thành phố với bác sĩ của trạm y tế, đưa bác sĩ ở bệnh viện quận, huyện về trạm y tế.
Sau 45 năm giải phóng, Thành phố đang hướng đến đô thị thông minh, phát triển các dịch vụ hiện đại hóa, phục vụ đời sống người dân chất lượng hơn. Chẳng hạn như Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã triển khai kết nối các hệ thống camera trên địa bàn Thành phố và một số ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các lĩnh vực. Các mô hình quận/ huyện trực tuyến, Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (1022) được triển khai rộng rãi.
Không chỉ là thành phố hiện đại, năng động, sáng tạo mà TP. Hồ Chí Minh còn thấm đẫm nghĩa tình… Những giá trị tinh thần mang đặc trưng của nhân dân Thành phố như tinh thần nhân ái, làm việc nghĩa, giúp đỡ người nghèo không ngừng được phát huy. Thành phố còn là nơi khởi xướng và thực hiện đầu tiên trong cả nước các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa - nhà tình thương, bảo trợ bệnh nhân nghèo, nụ cười cho trẻ thơ, chăm lo cho người khuyết tật, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Phúc Gia Khanh (tổng hợp)