CẦU VỒNG NGŨ SẮC

Réo rắt “Túy âm” trong “Quân tử cầm”

Trong chương trình "Cầu vồng ngũ sắc" phát sóng lúc 9g10 ngày 30/10 trên HTV9, hình ảnh và âm thanh quyến rũ của cây đàn nguyệt sẽ được giới thiệu gần gũi với khán giả qua những ngón đàn tinh tế và điêu luyện của nghệ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp.


Tiết mục Em trong mắt tôi

Đàn nguyệt còn có các tên gọi khác là đàn kìm, quân tử cầm, vọng nguyệt cầm. Nhà thơ Thế Lữ đã có câu thơ tặng Xuân Diệu trên sông Hương trong một đêm trăng:

“Lòng ta hỡi! Thôi đừng lên tiếng nữa!/ Lặng mà nghe đờn nẩy khúc sầu thương /Ngón tay rung, rung động cả đêm sương/ Khiến trăng nước đắm mơ hồ ly biệt”.

Đàn nguyệt nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây thuộc bộ dây chi gảy của dân tộc Việt. Để chơi được đàn nguyệt, người ta dùng miếng gảy đàn giống như phím gảy đàn ghi-ta ngày nay. Còn từ xa xưa, người biểu diễn thường nuôi móng tay dài để gảy đàn.

Đàn nguyệt có mặt trong đời sống âm nhạc nước ta từ nhiều thế kỷ trước. Theo tác giả Thụy Loan, đàn nguyệt được du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Lý và có mặt trong tổ chức dàn nhạc cung đình phục vụ cho tế lễ phật giáo. Sau khi du nhập, đàn nguyệt nhanh chóng được Việt hóa và trở thành một trong những nhạc cụ được yêu thích nhất trong họ dây gảy của người Việt.

Đàn nguyệt phổ biến ở cả ba miền đất nước. Ở miền Bắc, đàn nguyệt được sử dụng trong hát chèo, chầu văn. Còn ở miền Trung, đàn nguyệt gắn bó với ca Huế. Ở miền Nam, đàn nguyệt thường gọi là đàn kìm, sử dụng trong các dàn nhạc tài tử và cải lương. Ðàn nguyệt còn tham gia trong nhiều dàn nhạc dân tộc khác, như: Dàn nhạc Bát âm, Dàn nhạc Lễ… nhưng khi đệm cho hát chầu văn thì chỉ cần một cây đàn nguyệt cùng với hai nhạc khí gõ là đủ.


Tiết mục "Túy âm"

Nhưng khi đàn nguyệt hòa mình cùng với nhạc cụ phương Tây, lại cho thấy một vị trí đặc biệt của mình. Tuy chỉ có 2 dây, nhưng sự đáp ứng về mặt cao độ, hay kỹ thuật diễn tấu của đàn nguyệt với các thể loại nhạc mới, hay kết hợp với các nhạc cụ phương Tây đều rất hài hòa, ăn ý.

Trong chương trình Cầu vồng ngũ sắc phát sóng lúc 9g10 ngày 16/10 trên HTV9, hình ảnh và âm thanh quyến rũ của cây đàn nguyệt sẽ được giới thiệu gần gũi với khán giả qua những ngón đàn tinh tế và điêu luyện của nghệ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp. Mỗi tiết mục là một sự đặc sắc riêng đầy hứa hẹn và hấp dẫn.

Lý quạ kêu (Dân ca Nam bộ)

Lý quạ kêu là một bài lý mang đậm chất Nam bộ, nên việc thể hiện cùng với dàn nhạc dân tộc cũng khá dễ dàng. Tiếng đàn nguyệt trong bài lý này được thể hiện một cách mộc mạc, giản dị nhất, giống như con người Nam bộ luôn chất phác, thật thà.

Mashup Thương – Chênh vênh (Sáng tác: Lê Cát Trọng Lý)

Những sáng tác của Lê Cát Trọng Lý thường là những bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng, đàn nguyệt rất khó để thể hiện. Nhưng khi hòa tấu cùng các nhạc cụ phương Tây, đàn nguyệt như nổi lên, lả lướt, thiết tha và trở nên quyến rũ.


Tiết mục Thương – Chênh vênh

Túy âm (Sáng tác:  Xesi Hải Yến)

Túy âm là một bản hit nên để thể hiện bài này, nghệ sĩ Nguyễn Văn Nghiệp đã phải đầu tư, suy nghĩ rất nhiều để làm sao, vừa có thể thu hút được các bạn trẻ nhưng vẫn phải có nét riêng của mình. Những đoạn solo, nghệ sĩ đã sử dụng nhiều kỹ thuật chạy ngón, luyến láy, vê... sao cho đẹp và êm tai nhất.

Em trong mắt tôi (Sáng tác: Phạm Toàn Thắng)

Em trong mắt tôi có giai điệu tươi vui, đúng như bản chất của đàn nguyệt, nên việc thể hiện cùng dàn nhạc cũng khá dễ dàng. Tiếng đàn nguyệt trong, vang, mềm mại như người con gái Việt Nam, các kỹ thuật cũng được thể hiện đơn giản không quá cầu kỳ để phù hợp với nội dung của bài hát. 
Tuấn Long