Đi vào rừng những năm 1964, thấy ngôi nhà lá trung quân ngộ ngộ; Không biết ai là người đã phát hiện ra và lá đã được sử dụng từ khi nào; Trong tư tưởng con người, hễ về rừng là phải nhớ lá trung quân....
Phim là câu chuyện lý thú và diệu kỳ về lá trung quân
Đó là một vài chia sẻ mở đầu đầy gợi mở và xao động của những người bộ đội cụ Hồ, trong phần mở đầu của bộ phim tài liệu "Kể chuyện lá trung quân".
Qua những lời chia sẻ đong đầy nỗi nhớ về một thời tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, người xem phần nào hình dung được không khí một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai", về những tháng ngày chúng ta gắn bó, nương tựa vào những cánh rừng, bởi vì "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù". Những cánh rừng in đậm dấu chân của biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm xưa cũng là nơi ẩn chứa những câu chuyện diệu kỳ mà người ta thường kể cho nhau nghe như một huyền thoại.
Lá trung quân được hái về, chằm lại thành từng tấm
Một trong những huyền thoại được nhắc nhớ nhiều, chính là loài cây mang tên trung quân. Cây trung quân là loại dây leo to, phân bố ở khắp các nước Đông Nam Á. Ở nước ta, cây trung quân sinh sống nhiều ở những cánh rừng thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.
Tương truyền từ xa xưa, người dân tộc Chơ Ro - một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở Đồng Nai - đã biết dùng cỏ tranh và lá trung quân để lợp mái nhà. Vì cỏ tranh dễ tìm, dễ lợp nên được sử dụng phổ biến hơn. Khi chọn lá trung quân lớp mái nhà, chúng ta phải trải qua nhiều công đoạn: hái lá về chằm thành từng tấm dài khoảng 2m; đem ép trong thời gian khoảng 2 đêm cho phẳng; tiến hành lợp nhà.
Màu sắc lá trung quân thay đổi từ khi non đến lúc về già
Mỗi loại thực vật rừng đều có định danh, định tính riêng. Nhưng cây trung quân có đôi điều khác lạ, ngay từ tên gọi cũng đủ để dân gian truyền tai nhau bằng một truyền thuyết.
Chị Đinh Thị Lan Hương - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: "Theo truyền thuyết, lá trung quân đã có từ rất lâu đời và chỉ xuất hiện ở rừng Đông Nam bộ mà thôi. Các cụ kể lại, trước kia có một vị tướng khi đánh trận bị địch tấn công, ông cho quân rút vào rừng, để vườn không nhà trống. Quân địch tìm đến không bắt được ai, tức giận đốt nhà. Lúc vị tướng quay trở lại, ông thấy căn nhà chỉ bị cháy xem và phát hiện rằng có lẽ loại lá này là một vật liệu khó cháy".
Ngôi nhà lợp lá trung quân tốn nhiều công sức hái lá, chằm lá...
Bộ phim đưa khán giả đến với những không gian trưng bày, nơi lưu giữ nhiều bức ảnh tư liệu trong đó có các căn cứ được lợp bằng lá trung quân. Bất chấp những khắc nghiệt của thiên nhiên, bất chấp những làn mưa bom bão đạn, những gian khổ của cuộc chiến, những ngôi nhà mái lá trung quân theo bước chân của người chiến sĩ cách mạng lần lượt hiển hiện ở nhiều nơi thuộc rừng Đông Nam Bộ.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển đã ví von rằng đây là những ngôi nhà biết nói. "Những ngôi nhà ẩn mình trong rừng cây. Lặng lẽ lắm mà vẫn như đang nói. Những ngôi nhà suối nguồn bất tận. Bám trụ kiên cường tháng năm".
Mái lá trung quân bền bỉ tồn tại trong mưa bom bão đạn
Trong điều kiện ẩm thấp của rừng, mái lá tranh thường mau mục, và phát sinh nhiều côn trùng gây hại sức khỏe. Trong khi đó, lá trung quân không bị cháy, không bị mọt mối, lại giúp ngụy trước quân thù.
Ngôi nhà trung quân dù bị bom dội sập nhưng không cháy, cũng như người chiến sĩ cách mạng dù sống và chiến đấu trong gian khổ, dù cận kề cái chết, nhưng tất cả vẫn luôn vững một niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Có được niềm tin ấy là bởi họ được sự đùm bọc chở che bằng sức mạnh của lòng dân, của tình đồng đội và của thiên nhiên nhiệt đới, bằng những loại cây lá đặc biệt như lá trung quân.
Một mái lá hiên ngang, một bộ phim đầy cảm xúc và tự hào
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ tiến hành rải chất khai hoang ồ ạt nhằm san bằng các cánh rừng già, tiêu diệt căn cứ cách mạng, ngăn chặn các cuộc hành quân của bộ đội, hủy hoại hoa màu mùa màng cùng môi trường sống của người dân nhằm ngăn cản người dân tiếp đón và nuôi các chiến sĩ giải phóng. Trước sự hủy diệt tàn khốc của chất khai hoang, nhiều cánh rừng bị cháy, cây chết khô, sự sống tưởng chừng như bị hủy diệt hoàn toàn, thế nhưng ẩn khuất trong sự tàn khốc ấy vẫn còn có những chồi non từng ngày nỗ lực vươn mình tìm ánh sáng, ánh sáng của niềm tin vào cuộc chiến chính nghĩa.
Tuần sau, trên kênh HTV9, quý khán giả có thể tiếp tục đón xem những thước phim tư liệu quý khác trong các phim dưới đây.
8g ngày 1/1 - Phim tài liệu "Thành phố đa sắc màu: Dân tộc Mường"
8g ngày 2/1 - Phim tài liệu "Người thành phố" - Tập 1
8g ngày 3/1 - Phim tài liệu "Người thành phố" - Tập 2
8g ngày 4/1 - Phim tài liệu "Hát ru hồn Việt" - Tập 1
8g ngày 5/1 - Phim tài liệu "Hát ru hồn Việt" - Tập 2
8g ngày 6/1 - Phim tài liệu "Hát ru hồn Việt" - Tập 3 |
Thiên Bình