Nghệ sĩ và sàn diễn

NSƯT Triệu Trung Kiên: Ngôi sao sáng cải lương đất Bắc

Cuộc trò chuyện với NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, một người nhiều tâm huyết với nghệ thuật cải lương, phát sóng lúc 13g15 ngày Chủ nhật (3/6), phát lại lúc 15g50 ngày 4/6 trên kênh HTV9.


Triệu Trung Kiên thuộc về cải lương như một định mệnh

Triệu Trung Kiên là danh ca vọng cổ đất Bắc, thành công ở nhiều vai diễn trong vai trò kép chính của Nhà hát Cải lương Việt Nam, khi chuyển sang làm đạo diễn lại nổi lên như một hiện tượng bằng một loạt vở diễn gây tiếng vang trong các mùa Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc do anh viết và dàn dựng.

Người kế nghiệp xứng đáng

NSƯT Triệu Trung Kiên là "con nhà tông" trong một gia đình có truyền thống gắn bó với nghệ thuật cải lương: cha anh là NSƯT Triệu Quang Vinh - nguyên Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, mẹ là nghệ sĩ Lê Mai Phương - đào chánh lừng lẫy một thời của Nhà hát Cải lương Trung ương. 

Cha mẹ anh là thế hệ học trò "chân truyền" của những nghệ sĩ tài danh của cải lương miền Nam tập kết ra Bắc thời đó như: NSND Tám Danh, NS Ba Du, NSƯT Tấn Đạt... Vì thế mà tuổi thơ của Triệu Trung Kiên thấm đẫm không khí cải lương khi theo mẹ đi diễn, ngủ lăn lóc bên cánh gà. Mới 7 tuổi, Triệu Trung Kiên đã đĩnh đạc lên sân khấu diễn vai Trần Quốc Toản.


 Chọn bất cứ ngành gì ngoài cải lương, anh cũng sẽ đỡ vất vả hơn

Dù có lúc từng thích ngành kiến trúc, dù hát tân nhạc rất hay và từng đoạt giải nhạc nhẹ ở Hà Nội, nhưng Triệu Trung Kiên vẫn thuộc về cải lương như một định mệnh, như cái nghiệp không thể tách rời, mặc dù anh biết, chọn bất cứ ngành gì ngoài cải lương, anh cũng sẽ đỡ vất vả hơn.


NSƯT Triệu Trung Kiên là người rất đa năng 

Truyền thống gia đình có thể cho Triệu Trung Kiên tố chất tài năng, nhưng nếu không biết rèn luyện, tài năng ấy dễ bị mai một. Hiểu được điều đó nên Triệu Trung Kiên rất chịu khó học tập. 

Tốt nghiệp diễn viên, Trung Kiên học tiếp đạo diễn, năm 2009 lấy bằng cao học, tất cả chỉ để thỏa mãn niềm mong mỏi được hoạt động và được sống với không khí cải lương.

Ca hay diễn giỏi, tạo ấn tượng ở vai trò diễn viên với những nhân vật như ông chủ trong Cây đàn huyền thoại, Trịnh Giác Mất trong Tình sử Lộ Đà Giang, trung tá Bắc trong Cổ xưa..., khi chuyển sang làm đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên tiếp tục gây ấn tượng với khán giả TP. Hồ Chí Minh với giải B - Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, giải bạc Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 và giải Vàng trong mùa hội diễn năm 2012...

Một tình yêu trọn vẹn với cải lương

Chịu khó học hỏi và có tư duy nghệ thuật rất tử tế, NSƯT Triệu Trung Kiên là người rất đa năng và có khả năng xử lý tốt ở cả ba vai trò hết sức quan trọng, gồm: kịch bản, đạo diễn và diễn xuất. Có thể nói, trong những người làm cải lương trẻ hiện nay, Trung Kiên quá đặc biệt, vì các vở tham gia hội diễn đều do anh tự viết và dàn dựng.


 Các vở tham gia hội diễn đều do anh tự viết và dàn dựng

Luôn trăn trở, đau đáu với mong muốn đem cải lương đến gần hơn với khán giả, luôn nỗ lực học hỏi, tìm tòi, không ngại cách tân thử thách để làm mới cải lương, tất cả những vở Trung Kiên dàn dựng như: Dấu ấn giao thời, Đế đô sóng cả, Công chúa Ngọc Hân, Mê cung, Hừng đông, Mai Hắc Đế, Thầy Ba Đợi... đều nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng nghệ thuật, cũng như đông đảo đồng nghiệp và khán giả.

NSƯT Triệu Trung Kiên, cùng với NSƯT Hoàng Quỳnh Mai được xem là hiện tượng của sân khấu cải lương phía Bắc. Dù mỗi người một phong cách -  Quỳnh Mai là sự tinh tế của một đạo diễn nữ, Trung Kiên thì chắc chắn với tư duy hiện đại - nhưng tác phẩm của họ có điểm chung ở sức trẻ, sáng tạo không ngừng, sự đam mê nghề toát lên ở mỗi vở diễn. 

Dù có được nhiều giải thưởng, danh hiệu tại các Hội diễn sân khấu, nhưng Triệu Trung Kiên vẫn mải miết trên con đường sáng tạo của mình. Lịch làm việc của anh luôn kín mít: tham gia diễn xuất, viết và chuyển thể kịch bản cho sân khấu cải lương, làm đạo diễn, giảng dạy, làm sự kiện...


Trong khi cải lương còn rất nhiều khó khăn, thì Triệu Trung Kiên vẫn giữ “Dư” cho mình ngọn lửa nghề với niềm tin phải mạnh dạn đổi mới cải lương để thay đổi định kiến, và nếu mỗi người làm cải lương hiện nay làm nghề tử tế, tự đổi mới mình thì cải lương sẽ khởi sắc. 

Làm bất cứ điều gì có lợi cho cải lương, Kiên đều sẵn sàng. Anh luôn bận rộn với những kế hoạch trước mắt và lâu dài, mà sự kết hợp lần đầu tiên của nghệ sĩ cải lương hai miền Nam - Bắc trong vở diễn Thầy Ba Đợi do anh dàn dựng vừa qua là một ví dụ...


Ê-kíp trong vở diễn Thầy Ba Đợi

Trong cuộc trò chuyện hào hứng với MC, nhà báo Thanh Hiệp trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn, khán giả sẽ được NSƯT Triệu Trung Kiên truyền cho ngọn lửa yêu thích nghệ thuật cải lương qua những trao đổi, dự án công việc... của anh. 

Giới mộ điệu cải lương cũng sẽ được gặp lại anh trong Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 9 sắp tới.
Cẩm Liên