Hai con người, hai công việc nhưng ở họ có điểm chung là góp phần mang đến cho đời những đều tốt đẹp nhất.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đức Khải được biết đến dưới 2 danh hiệu, bác sĩ thẩm mĩ và bác sĩ nụ cười
Theo bác sĩ Khải, nếu bạn đã tự tin thì chỉ cần dùng các phương pháp thẩm mĩ nội khoa, chăm sóc da, tóc… là đủ để có một thần thái hấp dẫn. Liệu pháp thẩm mĩ chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ để vẻ đẹp bên ngoài thiện hơn, nhân đôi tình yêu cuộc sống, chứ không nên trở thành một trào lưu, đánh mất nét riêng của bản thân.
Cơ duyên anh đến với nghề phẫu thuật tạo hình bắt nguồn từ lần đi ăn với những người bạn thời trung học. Anh gặp cô gái bán cháo mang dị tật hở hàm ếch được vá víu thô sơ với giọng nói không giống như người thường. Các bạn anh đã bỏ đi. Riêng anh tự hỏi, tại sao cũng là con người, được cha mẹ sinh ra mà phải chịu nhiều bất lợi trong cuộc sống. Sự thương cảm đó đã đặt nền móng để anh trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình.
Là thành viên Hội phẫu thuật nụ cười thế giới, với nhiều ca phẫu thuật hở hàm ếch thành công cho bao người, anh đã được họ vinh danh là “bác sĩ nụ cười”. Và trong số họ, người mẹ tâm thần với câu chuyện đời mình và lòng biết ơn sâu sắc đã trở thành tâm điểm, tạo nên khoảnh khắc thứ 2 trong cuộc đời bác sĩ Khải.
Người mẹ ấy vốn tốt nghiệp ngành Văn khoa của Đại học Tổng hợp trước đây, lấy chồng là kỹ sư xây dựng. Hạnh phúc vừa chớm nở bỗng sụp đổ khi đứa con đầu lòng sinh ra bị dị tật hở hàm ếch. Con chị gặp khó khăn trong ăn uống nên bị suy dinh dưỡng, mà chị thì thiếu kinh nghiệm nuôi trẻ, nên cháu khóc rất nhiều. Người chồng, đáng buồn thay, đã bỏ đi khi bé tròn 2 tháng tuổi. Một mình chị đối mặt với những ngày tháng khó khăn, bị mắc chứng mất ngủ kinh niên rồi phát bệnh tâm thần sau 9 tháng, phải nhập viện điều trị.
Bây giờ chị đã đỡ bệnh, được đôi lần về thăm nhà. Nhưng cứ nhìn thấy con là chị buồn lắm vì nó gắn liền với sự đổ vỡ. Cho đến một ngày, chị òa hạnh phúc khi nhận ra nụ cười của con mình, con xinh đẹp hơn xưa với sống mũi ngay ngắn, không còn vẹo lệch. Chị đến tìm bác sĩ, ân nhân của hai mẹ con, để trao hai túi tiền xu nhỏ, gói trong giấy đỏ cùng lời cảm ơn: “Tôi thấy cháu nhà tôi nó đẹp quá, tôi xúc động quá”.
Câu chuyện của người mẹ làm thổn thức trái tim người nghe. Gia đình nhỏ của chị đã không còn, nhưng ít ra, sau nụ cười của con được tái tạo, người mẹ đã “sống” lại, một trang đời khác đã mở ra.
Còn biết bao hoàn cảnh như thế đi cùng với những đứa trẻ đã được phẫu thuật và chưa được phẫu thuật mà ta không thể nào biết hết được? Bác sĩ Khải hiểu rằng, chìa khoá để giải thoát cho những cuộc đời đó nằm trong tay anh. Vì vậy, chỉ cần tiếp tục thắp sáng ngọn lửa nhiệt tình và lòng nhân ái, anh sẽ đem đến sự ấm áp và hạnh phúc cho rất nhiều người.
Bác sĩ Đức Khải chia sẻ câu chuyện của mình
Không chỉ về ngoại hình, giới trẻ cần có cả một sức lực dẻo dai để có thể cùng phát triển trong môi trường hội nhập. Hiểu được điều ấy, anh Trần Trung Sơn đã lựa chọn những khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời cho mình.
Trần Trung Sơn- người thầy “võ tự vệ”
Nhắc đến Trần Trung Sơn, người ta sẽ nhớ đến một tượng đài võ thuật của thể thao đỉnh cao Việt Nam, trong đó có Muay Thái. Bắt đầu với thành tích Huy chương đồng hạng cân 57 kg thi đấu dành cho các võ sĩ bán chuyên nghiệp tại giải Muay Thai King Cup, anh trở thành vận động viên - huấn luyện viên chuyên nghiệp cho đội tuyển Muay Thái Việt Nam từ năm 2008-2017. Từ 2017 đến nay, anh lập nghiệp và tham gia nhiều hoạt động đưa Muay Thái đến với cộng đồng.
Tại Khoảnh khắc cuộc đời tập 20, trò chuyện cùng diễn thuyết gia Francis Hùng, anh đã kể về hai khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời mình. Một là bước ngoặt sau việc từ bỏ vai trò vận động viên trong giai đoạn đỉnh cao tại đội tuyển Việt Nam, anh chuyển sang làm công tác huấn luyện với hy vọng giúp cho thế hệ vận động viên trẻ tiếp cận với bộ môn Muay Thái nhanh hơn.
Khoảnh khắc thứ hai đến vào thời điểm anh thực hiện dự án nhân rộng mô hình võ thuật ứng dụng của Muay Thái, để giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Đối tượng thụ hưởng là giới trẻ, học sinh, phụ nữ và trẻ em dễ bị ức hiếp và quấy rối. Muay Thái do anh phổ cập không còn là môn võ thuật có tính sát thương mà trở thành bộ môn tự vệ, vừa có thể tự bảo vệ mình, vừa có thể nâng cao sức khỏe.
Điều tự hào nhất trong cuộc đời anh, là nhiều thế hệ vận động viên do anh huấn luyện và dẫn đắt đã thành danh, đoạt được nhiều huy chương ở các giải đấu quốc tế, đồng thời, trở thành những huấn luyện viên kế thừa vừa có tài vừa có tâm trong làng võ thuật.
Anh Trần Trung Sơn những buổi huấn luyện không ngơi nghỉ
Cho đến nay, điều mà anh tâm đắc nhất chính là những giá trị mà võ thuật ứng dụng đem đến cộng đồng khi đưa Muay Thái vào học đường với tinh thần võ học vốn có, là học để khỏe và cảm hóa bản thân, anh đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các em học sinh, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ bạo lực học đường.
Một vận động viên giỏi có thể đem về một huy chương, nhưng một người thầy giỏi có thể đem về 10 huy chương. Cứ như thế, anh trở thành người truyền lửa “sống khỏe, sống có hoài bão” và làm việc với tâm huyết, trí tuệ và chuyên cần cho bao thế hệ vận động viên, học viên võ thuật và những người dân bình thường nhất trong xã hội.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi