Có một người nghệ sĩ luôn gửi tình yêu thiêng liêng của mình với quê hương, đất nước vào thơ ca, nốt nhạc, nhằm cổ vũ tinh thần cho nhân dân hăng say chiến đấu, lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc. Ông chính là nhạc sĩ Trần Kiết Tường.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường
Đến với chương trình Dấu ấn thời gian phát sóng lúc 15g20 ngày 7/3 trên HTV9, khán giả sẽ được nghe lại những ca khúc tiêu biểu cũng là những bài hát được công chúng mến mộ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và xây dựng quê hương đất nước và ghi đậm dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, như: Anh Ba Hưng, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Mimosa... được trình bày bởi các ca sĩ Quỳnh Hoa, Anh Bằng, Dương Quốc Hưng... Ngoài ra, khán giả còn được tìm hiểu thêm về người nghệ sĩ tài hoa này với những câu chuyện sáng tác lý thú.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường sinh ngày 10/2/1924 tại làng Thới Thạnh, tổng Thới Bảo, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (Thành phố Cần Thơ ngày nay). Nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã tiếp xúc với các bài hát và dân ca Nam bộ từ lúc còn nhỏ. Năm 12 tuổi ông đã mày mò học chơi đàn kìm, đàn mandolin. Trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, cây đàn mandoline gắn bó cùng ông trên những nẻo đường Nam bộ.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, những năm tháng này, ông sáng tác khá nhiều ca khúc và nhiều tác phẩm có chất lượng cao như: Áo bà ba, Cánh tay miền Nam trên đất Bắc, Bánh xe lăn, Đàn bò của tôi, Quê hương ơi! Ta sẽ về, Bài ca chiến thắng… Ngoài sáng tác ca khúc, sau khi tu nghiệp âm nhạc ở Liên Xô (cũ) về, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc: Sonate cho violon và piano; Biến tấu trên chủ đề dân ca Nam Bộ; Rondo cho violon và piano Rừng mơ ước.
“Anh Ba Hưng” – Ca ngợi tấm gương người thật việc thật
Bài hát với giọng điệu hài hước, vui nhộn, dễ thuộc, khuyến khích trai làng đầu quân, nhân vật anh Ba Hưng là một người thật, việc thật. Anh Ba Hưng ở Giá Rai (Bạc Liêu) với câu chuyện: Trong một trận đánh Pháp năm 1947, ở đoạn đường Đốc Bét – Xóm Lung (Bạc Liêu), bộ đội ta giết nhiều giặc, phá hủy nhiều xe cơ giới, trở thành lá cờ đầu lập chiến công ở huyện Giá Rai. Trận đánh dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Hứa Hòa Hưng. Anh em gọi thân mật là anh Ba Hưng. Sau trận thắng lớn, đơn vị tổ chức mừng chiến công. Đoàn văn công Nam Bộ đến tham dự liên hoan biểu diễn văn nghệ và đi thực tế sáng tác. Đoàn gồm các nhạc sĩ và ca sĩ như: Trần Kiết Tường, Văn Luyến, Tường Thanh, Văn Lưu, Khánh Dân…
Qua giới thiệu của anh em về chiến công của người chỉ huy trận đánh này, Trần Kiết Tường liền viết ca khúc về anh và kịp chuyển sang đài Tiếng nói Nam bộ phát sóng.
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết ca khúc “Anh Ba Hưng” dựa trên giai điệu của bài dân ca Nam bộ “Con chim manh manh”. Ca từ mộc mạc, dễ thuộc do đó ca khúc dễ lan tỏa đến mọi người dân, khuyến khích tinh thần yêu nước, hăng say chiến đấu trong lòng chiến sĩ và nhân dân thời bấy giờ.
“Anh Ba Hưng” sẽ được thể hiện vui nhộn, dí dỏm qua giọng ca Quỳnh Hoa
Tình yêu thiêng liêng với “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”
Khi nhắc đến nhạc sĩ Trần Kiết Tường chắc chắn nhiều khán giả sẽ nhớ ngay đến một ca khúc có thể nói là nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. NSND Quốc Hương là người đầu tiên trình bày bài hát này và ngay sau đó ca khúc đã giành được nhiều tình cảm của khán giả và bài hát này được nhiều khán giả đánh giá là một trong những bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh hay nhất.
Khi cuộc cách mạng tháng Tám thành công và kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông xung phong vào đội quân tuyên truyền văn nghệ, ra hoạt động ở bưng biền, làm việc trong Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười, Đài Tiếng nói Nam bộ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật sau khi Bác đi xa (1969), Trần Kiết Tường tâm sự: Khi tập kết ra Bắc, một lần được gặp Bác Hồ, tác phẩm âm nhạc mà ông thai nghén từ thời kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp Mười lại trỗi dậy. Nhiều đêm ông đi thuyền trên Hồ Tây, trong tiếng mái chèo khua nhẹ, ông lại nhớ điệu hò man mác trên. Đêm về, trong căn phòng khuya, bên cây đàn Violon quen thuộc, ông đã hoàn thành tác phẩm “Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người”. Đó là ca khúc ông thỏa mãn nhất về cảm hứng âm nhạc trong cuộc đời sáng tác âm nhạc, được hoàn thành vào một đêm cuối Xuân, đầu hè năm 1962, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm ngày sinh nhật Bác.
Giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và man mác âm điệu của dân ca Nam bộ, nhất là những đoạn hò, tác giả đưa nhiều hình ảnh của vùng đất, con người Nam bộ vào ca khúc. Trần Kiết Tường còn dùng các câu từ so sánh để thể hiện tình yêu thương da diết của người miền Nam đối với Bác. Lời ca được tác giả hình tượng hóa lên một cách đẹp lạ thường, vang vọng khắp đất trời.
Ca sĩ Anh Bằng thể hiện ca khúc “Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người” với lòng đầy tự hào
“Mimosa” - Ấn tượng về một Đà Lạt mộng mơ
Nhạc sĩ Trần Kiết Tường là một nhạc sĩ cách mạng, các sáng tác của ông phần nhiều là viết về tình yêu quê hương đất nước mà khi khán giả nghe nhạc của ông sẽ cảm nhận được động lực, tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu dành thắng lợi cho quê hương. Tuy nhiên, có một bài hát mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã thay đổi hoàn toàn phong cách sáng tác của ông, đó là ca khúc Mimosa. Bài hát trữ tình về một loài hoa đặc trưng của cùng cao nguyên Lâm Đồng, đặc biệt là ở thành phố Đà Lạt. Hoa mimosa được đưa vào nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc bởi hình dáng mảnh dẻ, thanh thoát, màu vàng kiêu sa, lộng lẫy… mà trong thơ ca mimosa thường được gọi là “em” như hình ảnh người con gái vùng cao nguyên.
“Mimosa, từ đâu em tới? Mimosa, vì sao em tới đất này?”. Câu hỏi truy nguyên nguồn cội có phần cắc cớ của nhạc sĩ Trần Kiết Tường thực ra đó là “lời tình yêu” mà nhạc sĩ đã dành tặng cho loài hoa mimosa đã “gói” cả mùa thu Đà Lạt.
Ca sĩ Dương Quốc Hưng cùng trải lòng với sắc vàng “Mimosa”
Thiên Hương