Nhạc sĩ Trần Hữu Bích và cảm hứng sáng tác mang màu thời gian và dấu ấn

Xuất thân là diễn viên violon nhưng nhạc sĩ Trần Hữu Bích lại nhanh chóng được biết đến qua vai trò hòa âm phối khí. Tình yêu âm nhạc của ông lớn dần theo thời gian cùng với những cống hiến nghề và những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.


Nhạc sĩ Trần Hữu Bích trong chương trình “Dấu ấn tài hoa” 

Suốt 30 năm công tác tại HTV trong vai trò Phó Trưởng Ban Ca nhạc (1977-2007), nhạc sĩ Trần Hữu Bích trực tiếp phụ trách và tham gia thực hiện nhiều chương trình mang giá trị nghệ thuật cao, như: Âm nhạc giao hưởng, Dấu ấn thời gian, Nhạc thơ hòa điệu, Giới thiệu tác phẩm mới, Dân ca... Bên cạnh đó, ông còn viết nhạc cho phim, có thể kể như: Về nơi gió cát (Đạo diễn Huy Thành), Đàn chim và cơn bão (Đạo diễn Cao Thụy), Chim phóng sinh (Đạo diễn Quang Đại), Con khỉ mồ côi Dòng suối không cầu (Đạo diễn Trương Dũng)… 

Trong sự nghiệp sáng tác, ông còn viết nhạc cho kịch nói, cho các vở cải lương, nhạc thính phòng, như: concerto cho violon và dàn nhạc, sonat Biển cho violon và piano, romance Suy tưởng cho violon và piano, Giọt mưa phương Nam cho violon và piano, Bức tranh quê hương cho plute-clarinet-piano, Nhạc khúc mùa xuân cho oboi-piano và dàn dây… Đặc biệt, ông vừa viết kịch bản, biên tập, hòa âm phối khí vừa dàn dựng nhiều phim ca nhạc, đoạt Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình Toàn quốc, như: Khát khao và nỗi nhớ, Sài gòn trong mắt em, Ngọn lửa Điện Biên, Đất mẹ, Cuộc chia ly màu đỏ... Nhạc thơ hòa điệu, Sắc màu âm nhạc, Dấu ấn thời gian, khách mời của chương trình Thay lời muốn nói, dẫn chương trình kỷ niệm 45 năm HTV - Thời gian & Dấu ấn

Một số ca khúc mới được ông viết gần đây, như: Bâng khuâng biển (phổ thơ Phan Thị Nguyệt Hồng), Bà Rá - ngọn núi tình yêu (thơ Biên Linh), Mái nhà chung âm nhạc (Kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh), Mơ về biển đảo


Nhạc sĩ Trần Hữu Bích trong chương trình “Nhạc thơ hòa điệu”

Trong chương trình Sắc màu âm nhạc phát sóng lúc 15g20 ngày 27/6 trên HTV9 vừa qua, nhạc phẩm mới của ông Tình em xứ Bắc để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả qua giọng ca Thanh Nguyên.

Xin chào nhạc sĩ Trần Hữu Bích. “Tình em xứ Bắc” là ca khúc được nhạc sĩ phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Bùi Thảo. Xin nhạc sĩ cho biết, điều gì đã khiến ông có cảm hứng phổ nhạc cho bài thơ này?

Trong một lần tình cờ, qua một người ca sĩ, nhà thơ Bùi Thảo có gửi cho tôi bài thơ Tình em xứ Bắc. Bài thơ đã gợi nhớ cho tôi những kỷ niệm thời trai trẻ, lúc đó đang thời kỳ chiến tranh, chúng tôi còn là học sinh Nhạc viện, phải đi sơ tán lên vùng Bắc Giang, xứ sở của những làn điệu Quan họ, được gặp gỡ với những cô gái vùng Kinh Bắc thùy mị, nết na, giỏi giang, xinh đẹp. Những kỷ niệm đó đã tạo nên cảm hứng để tôi phổ nhạc bài thơ này.

Trước đây tôi đã phổ một số bài thơ của nhà thơ Bùi Thảo thành ca khúc như: Nỗi niềm thu sang, Ánh mắt giai nhân – Bản tình ca cuối cùng – Xuân mơ – Xuân tình dệt mộng

Bùi Thảo viết khá nhiều bài thơ, thơ của anh đa dạng, phong phú về đề tài, súc tích, ngắn gọn, trong thơ có nhạc nên tương đối dễ phổ. Cũng đã có nhiều nhạc sĩ khác phổ thơ của nhà thơ Bùi Thảo.


Nhạc sĩ Trần Hữu Bích trong chương trình “Sắc màu âm nhạc” tháng 6

Và khi “Tình em xứ Bắc” trở thành âm nhạc nó đã thể hiện với dáng vẻ như thế nào thưa nhạc sĩ? 

Đây là một bài hát viết theo phong cách dân ca Quan họ, ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, nết na nhưng cũng rất mặn mà của cô gái xứ Bắc. Trong bài có sử dụng một số hư từ như: í a, a í a... và giai điệu đậm chất dân ca quan họ, làm nên nét duyên của những cô gái xứ Bắc.

Điều gì đã khiến nhạc sĩ “chọn mặt gửi vàng” vào giọng ca Thanh Nguyên thể hiện ca khúc này? 

Thanh Nguyên là một giọng ca trẻ có tiềm năng. Đây là lần đầu tiên Thanh Nguyên thể hiện bài hát của tôi. Đối với nghệ thuật cần tìm những nhân tố mới, tạo điều kiện cho những ca sĩ trẻ vươn lên, nên tôi đã mời Thanh Nguyên thể hiện bài hát này.

Thông qua ca khúc này, nhạc sĩ muốn gửi đến người yêu nhạc thông điệp gì?

Kho tàng âm nhạc của cha ông ta để lại rất đa dạng và phong phú, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có một nền âm nhạc khác nhau và rất hay, chúng ta hãy tìm về cội nguồn để sáng tạo thêm và làm giàu ngôn ngữ âm nhạc đương đại và làm phong phú thêm vốn âm nhạc của chính mình.

Thưa nhạc sĩ, nay tham gia chương trình ca nhạc trên cánh sóng HTV, không phải với tư cách người thực hiện mà là một khách mời giới thiệu nhạc phẩm, ông nhận thấy có sự khác biệt như thế nào?

Dù với tư cách nào thì đây cũng là một công việc của người làm nghệ thuật, mỗi việc đều có cái giống nhau và khác nhau, nhưng theo tôi thấy đều rất thú vị vì vẫn còn được tiếp xúc với khán giả và tiếp xúc với nghề của mình.


Nhạc sĩ Trần Hữu Bích dẫn chương trình “Thời gian và Dấu ấn” kỷ niệm 45 năm phát sóng của HTV

Từng cống hiến bao năm cho cánh sóng HTV, nay đến tuổi về hưu, nhưng ông lại vẫn chọn công việc cống hiến cho các chương trình của HTV?

Đối với một nhạc sĩ thì không có tuổi hưu trí. Được làm việc và cống hiến là một niềm vui, nên khi có những việc thích hợp và xét mình vẫn có thể làm tốt những việc đó và nhất là những công việc gắn bó với nghệ thuật và HTV thì tôi sẵn sàng cộng tác. Song song với công việc, tôi vẫn dành thời gian để nghỉ ngơi, tập thể dục, cùng với thú vui là chụp ảnh và đi du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, tôi chỉ tham gia sinh hoạt ở Hội Âm nhạc thành phố và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khi có những chuyến đi thực tế sáng tác tôi đều tham gia. Ngoài ra, tôi vẫn tham gia chấm thi các hội diễn văn nghệ trong và ngoài thành phố. 

Trong suốt cuộc đời đời gắn bó với âm nhạc, đâu là khoảng thời gian được nhạc sĩ thường nhớ về nhiều nhất?

Đó là thời gian tuổi trẻ in dấu ở Trường Sơn năm xưa và thời gian sau ngày thống nhất đất nước làm việc ở HTV. Gian khó, vất vả nhưng để lại nhiều kỷ niệm không quên.


Nhạc sĩ Trần Hữu Bích trong vai trò khách mời của chương trình “Thay lời muốn nói”

Đến nay, nhạc sĩ mong muốn điều gì nhất cho bản thân mình?

Bây giờ tôi để tâm trí thoải mái, vui vẻ, tận hưởng cuộc sống và hài lòng với những gì mình có là tốt nhất, có như vậy mới sống vui, sống khỏe và sống có ích cho mình và gia đình cùng xã hội. Và tôi chỉ mong muốn cơ thể luôn khỏe mạnh, còn sức để sáng tạo, viết ra những gì mình thích có ích cho mọi người, đơn giản vậy thôi.

Xin cảm ơn nhạc sĩ về những chia sẻ thú vị này.

Á Quân