Dù đi bốn biển năm châu, thì đất và người Việt Nam vẫn nằm sâu trong trái tim của họ. Chính vì vậy mà chẳng ai bảo ai, tất cả cùng nỗ lực, ý thức học tập, lao động, làm việc, để khẳng định bản thân với bạn bè thế giới, vang danh con cháu Lạc Hồng.
Trọng Hiếu - Trưởng thành từ nền tảng gia đình
Trọng Hiếu trở nên quen thuộc với khán thính giả khi trở thành quán quân của Việt Nam Idol năm 2015. Điều tuyệt vời hơn, chàng nghệ sĩ sinh năm 1992 này mang cả hơi thở Tây phương để góp phần thổi sáng làng nhạc Việt. Trọng Hiếu thuộc về âm nhạc như cái duyên tiền định. Anh hát, chơi piano và nhảy như bản năng mách bảo bản thân phải làm vậy. Trọng Hiếu sinh ra và lớn lên ở Đức. Ngay từ nhỏ, anh đã thể hiện niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc và những bước nhảy. Dù sinh trưởng ở Đức, Trọng Hiếu vẫn nói tiếng Việt rất giỏi. Bởi nền tảng và nguyên tắc của gia đình anh là khi đi học, làm việc có thể dùng bất cứ ngôn ngữ nào, nhưng về đến nhà phải sử dụng tiếng mẹ đẻ. Đam mê âm nhạc và những bước nhảy từ nhỏ nên khán giả không quá ngạc nhiên khi Trọng Hiếu sở hữu nhiều giải thưởng từ các cuộc thi lớn nhỏ. Về âm nhạc, năm 2008 anh giành giải ba cuộc thi hát mang tên Sing dich nach New York, Top 25 - German Idol. Năm 2009, Trọng Hiếu giành giải nhì trong show truyền hình thực tế “Make US5 again” auf Pro 7. Năm 2015, anh về Việt Nam tham gia Vietnam Idol và trở thành quán quân. Còn về vũ đạo, năm 2001 Trọng Hiếu đạt giải nhì cuộc thi Dance4Fans ở Đức. Từ 2003 đến 2005, anh liên tục nhận giải nhì cuộc thi Dance4Fans ở Đức và toàn Châu Âu… Mới đây, Trọng Hiếu còn bất ngờ xuất hiện trong một phóng sự “cực chất” trên sóng Đài truyền hình Quốc gia ZDF nước Đức.
Trần Anh Hùng - Vang danh thế giới
Trần Anh Hùng sinh năm 1962, là một đạo diễn điện ảnh người Pháp gốc Việt. Anh được biết tới nhiều nhất qua các tác phẩm về chủ đề Việt Nam với phong cách thực hiện đương đại. Có thể nhắc đến đó là Mùi đu đủ xanh - bộ phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt Nam lọt vào danh sách đề cử vòng cuối cùng của giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Tại Pháp, anh theo học tại trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière và thực hiện đề tài tốt nghiệp năm 1987 bằng việc đạo diễn bộ phim ngắn mang tên Người thiếu phụ Nam Xương. Sau tác phẩm này, Trần Anh Hùng còn thực hiện một bộ phim ngắn khác là Hòn vọng phu vào năm 1991 trước khi bắt tay vào đạo diễn bộ phim điện ảnh Mùi đu đủ xanh. Thành công của Mùi đu đủ xanh đã giúp anh có kinh phí để thực hiện Xích lô - bộ phim nói về cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh, có sự tham gia của ngôi sao Hồng Kông - Lương Triều Vỹ và 2 diễn viên đã xuất hiện trong Mùi đu đủ xanh, đó là nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh và Trần Nữ Yên Khê - vợ của anh, cũng như diễn viên không chuyên người Việt là Lê Văn Lộc. Xích lô thành công không kém Mùi đu đủ xanh khi giành giải thưởng danh giá Sư Tử Vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice (Ý) năm 1995. Ở tuổi 33, Trần Anh Hùng trở thành một trong những đạo diễn trẻ nhất chiến thắng ở liên hoan phim này.
Tuấn Lê - Hướng tới những giá trị văn hóa cội nguồn
Tuấn Lê được công chúng biết đến với vai trò là tổng đạo diễn của nhiều show diễn độc đáo tôn vinh văn hóa Việt Nam như: Làng tôi, À ố… Anh là nghệ sĩ Việt đầu tiên và duy nhất tham gia đoàn Xiếc Mặt Trời (Cirque du Soleil) của Canada với tư cách là nghệ sĩ solo. Ngoài ra, anh còn vinh dự là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nghệ sĩ xuất sắc nhất (Award of Excellence) do Hiệp hội Tung hứng thế giới (IJA) trao tặng. Sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài từ nhỏ, thế nhưng nghệ sĩ xiếc - đạo diễn Tuấn Lê vẫn luôn hướng tình cảm của mình về giá trị văn hóa cội nguồn. Thậm chí, anh còn từ bỏ sự nghiệp đang ở đỉnh cao danh vọng tại Đức để trở về Việt Nam thực hiện những chương trình nghệ thuật tạp kỹ mang đậm dấu ấn quê hương. Anh đã truyền cảm hứng nghệ thuật dân tộc cho các diễn viên trên sân khấu khi kết hợp tinh tế nhiều loại hình nghệ thuật gồm: xiếc đu dây, tung hứng, nhào lộn, kịch câm, tuồng cổ, múa, hò vè, hát lý, đờn ca tài tử, hip-hop, tạo hình... trong các tác phẩm của mình. Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ (cha là nghệ sĩ kèn trumpet Lê Tiến Trạch, mẹ là nghệ sĩ kịch nói kiêm đạo diễn sân khấu Mộng Ngọc), Tuấn Lê tên thật là Lê Ngọc Tuấn Anh, anh sinh năm 1977. Bước ngoặt đến với Tuấn Lê vào năm 20 tuổi khi anh thi vào trường xiếc Berlin. Với kỹ năng khá ổn so với trình độ chung nhờ tập luyện từ bé, Tuấn Lê tiến bộ nhanh chóng và bắt đầu gặt hái thành công. Anh liên tục có nhiều hợp đồng biểu diễn tại Canada, Pháp, Mỹ… và cùng biểu diễn với một số nghệ sĩ xiếc tài danh của thế giới.
Alex Tú - Kết hợp khiêu vũ với … y học
Alex Tú tên đầy đủ là Alexander Tú Nguyễn. Anh là vũ công, biên đạo múa người Mỹ gốc Việt. Anh ghi dấu trong lòng khán giả qua những đóng góp cho các chương trình truyền hình như: giám khảo Học viện ngôi sao mùa đầu tiên, biên đạo khách mời đặc biệt của Thử thách cùng bước nhảy, chuyên gia vũ đạo chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam, huấn luyện viên, vũ đạo chương trình Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2015, biên đạo sân khấu chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids 2017… Sau thành công tại Mỹ với vai trò Giám đốc điều hành của nhóm nhảy Kaba Modern và KM Legacy (top 3 chương trình America’s Best Dance Crew mùa đầu tiên), nam biên đạo trở về quê hương và tiếp tục dìu dắt các tài năng trẻ yêu thích vũ đạo với mong muốn: giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế giới thông qua âm nhạc và trình diễn nghệ thuật. Cả bố và mẹ đều là người Việt Nam nhưng Alex Tú lại sinh ra, lớn lên, học nhảy trên đất Mỹ. Đã có bằng thạc sĩ chuyên ngành trị liệu cơ năng tại trường đại học Loma Linda (California - Mỹ) nhưng anh lại trở thành giám đốc điều hành của nhóm nhảy Kaba Modern, đưa nhóm lọt vào tốp 3 America’s Best Dance Crew mùa đầu tiên và chiến thắng nhiều cuộc thi uy tín như Body Rock, VIBE... Với tấm bằng thạc sĩ nói trên, Alex Tú còn có dịp được làm việc trong những bệnh viện về trị liệu rối loạn chức năng vật lý với mục đích, giúp đỡ và truyền niềm đam mê khiêu vũ đến tất cả các bệnh nhân.
Hàm Trần - Trưởng thành từ Hollywood
Hàm Trần sinh ra tại Việt Nam. 8 tuổi anh mới cùng gia đình sang Mỹ định cư. Tại đây, anh học làm đạo diễn, ngoài ra còn học làm nhà sản xuất, biên kịch và dựng phim. Anh bắt đầu gây chú ý với khán giả khi là đạo diễn của hai phim ngắn The Prescription (2000) và Pomegranate (2001). Năm 2008, cùng với đạo diễn Timothy Linh Bùi, anh tham gia với vai trò nhà sản xuất trong bộ phim The Owl And The Sparrow - Cú và chim se sẻ. Phim được công chiếu tại LHP Quốc Tế Rotterdam và tiếp tục nhận được giải thưởng của khán giả tại LHP Quốc Tế Los Angeles. Hàm Trần cũng từng tham gia với vai trò dựng phim trong một số tác phẩm nổi tiếng như: Khát vọng Thăng Long, Dòng máu anh hùng, Long ruồi… Đặc biệt, ở vai trò đạo diễn, trước là Âm mưu giày gót nhọn đầy ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả yêu thích. Sau đó là Đoạt hồn, một lần nữa anh chứng tỏ đẳng cấp của một đạo diễn trở về từ Hollywood. “Tôi muốn đi đến những nơi mà cơ hội dẫn dắt mình. Khoảng thời gian làm phim ở Việt Nam rất thú vị, vì đây là một nền điện ảnh đang phát triển nhanh. Với những đạo diễn muốn có được sự chú ý của quốc tế và sự thăng hoa, tôi nghĩ đây là điều tốt vì họ sẽ bước ra thế giới và tạo “tiếng thơm” cho phim Việt Nam” - đạo diễn Hàm Trần bày tỏ.
Bình Minh Vũ - Không từ bỏ đam mê
Khán giả biết đến Bình Minh Vũ là người đã thể hiện ca khúc có ca từ đầy cảm động mang tên Sorry mama, được viết bởi Mr. Siro, phổ thơ do chính anh sáng tác riêng cho mẹ mình. Kế đó, nam ca sĩ đã không ngần ngại từ Đức trở về Việt Nam để thực hiện MV: Đừng lừa dối anh nữa và Chấp nhận sự thật cũng do anh viết lời. Dẫu không sở hữu ngoại hình điển trai nhưng Bình Minh Vũ cũng đã chinh phục được phần đông khán giả bởi chất giọng đầy cảm xúc, tự sự, sâu lắng len lỏi trong tâm hồn của những người yêu nhạc. Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, Bình Minh Vũ đam mê âm nhạc từ bé nhưng lúc đấy vẫn chỉ dừng lại ở mức thích nghe nhạc. Sang Đức định cư cùng mẹ từ năm 2001, khác biệt về ngôn ngữ, lối sống nên anh chỉ biết làm bạn với âm nhạc. Không chỉ tập tành viết lời Việt cho các bài hit tiếng Anh, tiếng Đức lúc bấy giờ, Bình Minh Vũ còn tập nhảy, rồi đi bán hoa ở những ga tàu lớn, bốc vác cho những kho hàng để có thể tự mua cho mình đôi giày. “Quãng thời gian lao động khổ cực nơi xứ người, làm công việc tay chân để kiếm tiền nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ mơ ước ca hát của mình. Sự chấp nhận của khán giả dành cho một ca sĩ trẻ là điều không dễ dàng, vì thế, tôi tự nhủ phải luôn cố gắng mỗi ngày để chứng minh đam mê và khả năng của bản thân” - Bình Minh Vũ chia sẻ.
Cường Ngô - Thành công nhờ tài năng … thiên bẩm
Cường Ngô sinh ra tại Việt Nam. Anh từng theo học tại khoa Diễn viên của trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Đến với điện ảnh bằng việc làm trợ lý cho đoàn phim Người Mỹ trầm lặng, đây cũng là cơ hội đưa Cường Ngô sang Canada theo học ngành biên kịch, đạo diễn tại trường đại học York. Tại đây, anh làm một số phim ngắn như: Kẻ nhờ đường (The Hitchhiker Project), Cây trâm vàng (The golden pin). Trong đó, Cây trâm vàng đã đoạt giải phim hay nhất tại Liên hoan phim Toronto 2009 về chủ đề đồng tính và giải Nhì cho phim châu Á hay nhất của Cục Điện ảnh Canada. Ngoài ra, Cây trâm vàng còn chu du ở 30 liên hoan phim trên thế giới. Cường Ngô tên thật Ngô Quốc Cường. Anh bước chân vào làng điện ảnh Việt hơi muộn. Thế nhưng, nam đạo diễn nhanh chóng chứng tỏ được tài năng chỉ đạo phim trường “thiên bẩm” của mình. Anh cũng thuộc số ít nhà làm phim được đào tạo bài bản về nghệ thuật thứ 7, lại có nhiều cơ hội hợp tác và nhận sự hướng dẫn, chỉ dạy, giúp đỡ của các đạo diễn quốc tế. Chính thế mà phim do anh sản xuất luôn tạo được dấu ấn riêng và tuyệt nhiên không đi vào vết xe đổ hay lấp sau cái bóng của bất cứ đạo diễn nào ở Việt Nam. Có thể kể đến đó là Hương Ga - bộ phim đã “làm mưa, làm gió” suốt một thời gian dài khi được công chiếu vào năm 2014.
Nguyễn Võ Nghiêm Minh - Chủ nhân của những giải thưởng
Nguyễn Võ Nghiêm Minh là một đạo diễn và nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Việt. Trước khi đến với điện ảnh, ông đã có 16 năm làm việc tại đại học California (Los Angeles - Mỹ) với tấm bằng tiến sĩ vật lý. Trở lại với phim ảnh, ông đã ghi dấu ấn với Mùa len trâu - bộ phim do chính ông viết kịch bản và đạo diễn. Kế đến là Khi yêu đừng quay đầu lại được chiếu vào dịp Tết 2010. Tiếp theo là Nước 2030, tác phẩm được lấy cảm hứng từ truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim này được chiếu mở màn tại Liên hoan phim Berlin (Đức) lần thứ 64 - năm 2014. Phim cũng giành một giải thưởng cá nhân về thiết kế âm thanh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Không thể không nhắc tới Giải đạo diễn mới Silver Hugo tại Liên hoan phim quốc tế Chicago (Mỹ) lần thứ 49, Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim quốc tế Amiens năm 2004, Phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Asian Marine năm 2005, Phim xuất sắc nhất và đề cử cho giải Giám đốc sản xuất xuất sắc nhất tại liên hoan phim Asia-Pacific lần thứ 50, Giám đốc xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cape Town năm 2005, Cánh Diều Vàng cho Phim hợp tác với nước ngoài xuất sắc nhất, Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế mùa xuân Palm năm 2006, Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15…
Thiện Đỗ - Kết hợp Đông Tây, kim cổ
Trước khi đứng ở vai trò đạo diễn như hiện tại, Thiện Đỗ từng tốt nghiệp cử nhân ngành thiết kế đồ họa ở đại học San Jose (Mỹ) và làm giám đốc sáng tạo cho một công ty quảng cáo. Với giấc mơ làm phim từ bé, anh đã quyết bỏ việc chính thức ở công ty quảng cáo, cắp sách đi học những khóa làm phim, trong đó nổi bật nhất là khóa học làm phim của San Francisco Film Arts Foundation. Năm 2008, bộ phim The Fading Light của anh mới được chú ý. Đây là một trong bốn phim ngắn được chọn chiếu trong sự kiện New Voices From Vietnam (Những tiếng nói mới từ Việt Nam) do Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ cùng Tổ chức lưu trữ phim ảnh và truyền hình - ĐH California tổ chức vào năm 2012. Bộ phim cũng chiến thắng tại LHP ngắn quốc tế Sapporo (Nhật Bản) và LHP quốc tế Việt Nam 2010. Thiện Đỗ sinh tại Đà Lạt, sang Mỹ định cư cùng gia đình vào năm 1975. Là một đạo diễn Việt kiều, Thiện Đỗ rất biết lấy lòng khán giả quê nhà khi biết “cài cắm” những tình tiết đậm chất phương Đông vào tác phẩm của mình. Quan niệm duy tâm được anh chuyển tải khéo léo, kết hợp với cách kể chuyện khôi hài, được bóc tách qua những biến chuyển bất ngờ trong bộ phim Tiền chùa (công chiếu vào năm 2013) là một ví dụ điển hình.
Đinh Nguyễn