Trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng ta, mỗi khi nghe giai điệu Quốc ca hùng tráng, nhìn Quốc kỳ tung bay, chắc chắn trong lòng ai cũng dạt dào một tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến.
“Những trái tim Việt Nam” được thắp sáng bởi các ca sĩ trẻ đang được yêu thích: Đăng Quân - Trung Thuận - Tuấn Hiếu - Lệ Ngọc - Mẫn Nhi
Lá cờ đỏ sao vàng – biểu tượng thiêng liêng của đất nước đã đồng hành cùng dân tộc qua thăng trầm lịch sử từ khi thành lập nước đến nay. Lá cờ đã trở thành biểu tượng của niềm tin và lòng tự hào dân tộc.
Trong những ngày tháng 8 này, khán giả sẽ được ôn lại những ký ức đáng tự hào của dân tộc qua những câu chuyện kể và những khúc khải hoàn với niềm tự hào về màu cờ Tổ quốc trong chương trình “Miền ký ức” phát sóng lúc 9g ngày 18/8 trên HTV9.
Mỗi ca khúc là một câu chuyện của bao lớp người cùng chảy chung trong một mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng với: 19 tháng 8 (Sáng tác: Xuân Oanh), Tiếng hát những đêm không ngủ (Sáng tác: Phạm Tuyên), Giai điệu Tổ quốc (Sáng tác: Trần Tiến), Đất nước (Nhạc: Phạm Minh Tuấn - Phỏng thơ: Tạ Hữu Yên), Lá cờ (Sáng tác: Tạ Quang Thắng), Những trái tim Việt Nam (Sáng tác: Phương Uyên)... được biểu diễn bởi các ca sĩ: Đức Tuấn, Triệu Lộc, Mi Ngân, Thanh Nguyên, Phạm Anh Duy, Đăng Quân, Trung Thuận, Tuấn Hiếu, Lệ Ngọc, Mẫn Nhi, nhóm Saigon Choir...
“19 tháng 8”
Ca khúc “19 tháng 8” được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác trong hoàn cảnh ông đang trong dòng chảy cho một cuộc khởi nghĩa của đất nước. Ông từng nhấn mạnh: “19 tháng 8” là sản phẩm của cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh của nhân dân và xúc cảm của người dân mới được tự do tạo nên. Toàn dân Việt Nam đều đứng lên góp sức một ngày… Vừa tham gia khởi nghĩa, tôi vừa nghĩ và cả lời lẫn nhạc từ đâu ào ạt đến trong tôi, bật ra một cách kỳ lạ”.
Vội vàng kiếm một mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ vừa bật khỏi đầu, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn cùng hát những câu hát đầu tiên: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai...".
Những câu hát đã được đồng bào hát vang, thể hiện chính xác sự kiện lịch sử đang diễn ra "Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia". Giai điệu đơn giản mà mạch lạc, dễ hát, dễ nhớ. Một không khí lạc quan, sôi sục của những ngày đầu cách mạng, truyền nhiệt huyết cho toàn thể những người Việt Nam yêu nước.
Trong chương trình “Miền ký ức” ca khúc “19 tháng 8” sẽ được biểu diễn trong không khí trang trọng của nhóm nhạc Saigon Choir
“Tiếng hát những đêm không ngủ”
Vào một đêm tháng 9/1970, sau khi nghe tin tức về cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ghi lại cảm xúc của mình trong ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ”. Bằng sức tưởng tượng, ông hình dung những đêm đấu tranh ở miền Nam, học sinh, sinh viên họp nhau lại trong tiếng bập bùng của đàn ghi-ta, hát lên những khúc ca về đất nước để động viên nhau trong cuộc đấu tranh quyết liệt này. Âm hưởng trầm hùng, thúc giục của bài ca đã phản ánh tình cảm của giới trẻ miền Nam bấy giờ.
Sau này, khi miền Nam giải phóng, ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ” được coi là ca khúc của phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên và ghi nhận sức cổ vũ của bài ca đối với tuổi trẻ miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhạc phẩm này được coi là “Phong trào ca” của lớp trẻ một thời.
Ca sĩ trẻ Phạm Anh Duy rạo rực cảm xúc trong “Tiếng hát những đêm không ngủ”
“Giai điệu Tổ quốc”
“Giai điệu Tổ quốc” là bài hát ca ngợi lòng yêu nước, đặc tính rất riêng của dân tộc Việt, một dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử luôn phải "đứng nơi đầu sóng", chống chọi với giặc ngoại xâm. Một đất nước mà "Bốn ngàn năm đất nước gian nan, giai điệu cháy, trong tình thương nước vô vàn".
Nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài “Giai điệu Tổ quốc” vào những ngày đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt đằng đẵng hơn 30 năm. Khó có nơi nào trên trái đất lại có một cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt như vậy. Nhưng cuộc chiến tranh này chưa qua thì cuộc chiến tranh khác lại bắt đầu: chiến tranh Biên giới. Có lẽ hơn lúc nào hết “Giai điệu Tổ quốc” lại vang lên tha thiết và hùng tráng như những ngày này.
Và khi mỗi người chúng ta hát lên “Giai điệu Tổ quốc” thì tình yêu quê hương lại bùng cháy, nó như tiếng gọi thì thầm của núi sông, dẫu đất nước còn gian lao nhưng tình yêu Tổ quốc thì không bao giờ nhạt phai trong tim mỗi người con đất Việt. Năm 2007, Bài hát “Giai điệu Tổ quốc” được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Bản Mash up: “Giai điệu Tổ quốc – Đất nước” sẽ được ca sĩ Đức Tuấn thể hiện
“Lá cờ”
Ca khúc “Lá cờ” được nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng sáng tác vào khoảng tháng 6/2010, khi ấy anh mới bước vào tuổi 22. “Lá cờ” vừa ra đời đã làm lay động trái tim triệu người nghe bằng câu chuyện gia đình giản dị, đời thường và chân thật. Tuy là câu chuyện riêng của cha mẹ mình nhưng khi Tạ Quang Thắng cất tiếng hát bỗng trở nên thân thương, quen thuộc với bao bạn trẻ qua dòng nhạc country rock đầy tự sự vừa ngọt ngào vừa mạnh mẽ.
Câu chuyện của cha mẹ Tạ Quang Thắng cũng là câu chuyện của nhiều người con Việt Nam đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc. Bằng câu chuyện có thật, cảm xúc chân thật, ngôn từ dung dị nhất, Quang Thắng cất lên những nghĩ suy về lòng yêu nước của những con người trẻ tuổi - có thể chưa nồng nàn bằng thế hệ cha ông đã từng trải qua một thời oanh liệt - song cũng đủ để trân trọng, nâng niu những giá trị của thế hệ đi trước.
“Lá cờ” trở thành chuyện kể lịch sử hấp dẫn, thôi thúc tình yêu nước trong trái tim mọi người, bản thân bài hát cũng chính là động lực để chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Tạ Quang Thắng theo đuổi con đường nghệ thuật đầy gian truân.
Trong chương trình, ca khúc “Lá cờ” sẽ làm lay động lòng người với sự thể hiện của các giọng ca bước ra từ các giải thưởng cao của cuộc thi Tiếng hát Truyền hình: Triệu Lộc, Mi Ngân, Thanh Nguyên
Thiên Hương - Ảnh: Kim Võ