Miền ký ức: Lắng đọng cùng kịch nói Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh

Trân trọng trước những đóng góp lớn lao của bao lớp nghệ sĩ trong làng kịch nói thành phố, “Miền ký ức” xây dựng chủ đề “Những điều chưa kể” như một lời tri ân những tấm lòng và tình yêu dành cho nghệ thuật kịch nói.

Tiết mục “Bài ca chưa viết hết lời” được thể hiện bởi các ca sĩ Đăng Quân – Võ Đức Trí – Hồng Phương – Tường Vi và đoàn múa Ngọc Trai Việt

Với chủ đề “Những điều chưa kể”, chương trình “Miền ký ức”, lên sóng lúc 9g10 sáng thứ Tư ngày 21/10 trên HTV9. Với cấu trúc 3 phần quen thuộc: “Ký ức HTV” – “Ký ức thành phố trẻ” – ‘Từ ký ức đến hôm nay”, chương trình sẽ cùng khán giả sống lại những ký ức tuyệt vời về làng kịch nói TP. Hồ Chí Minh. 

Trong phần I – “Ký ức HTV”, khán giả sẽ ôn lại những kỷ niệm đẹp về kịch thiếu nhi trên làn sóng HTV với các vở kịch, như: Vết mực loang, Thằng quỷ nhỏ, series Chuyện ngày xưa... Và đặc biệt là dấu ấn một thời của đội kịch Tuổi Ngọc trên sóng truyền hình. 

Hai trong số những diễn viên nhí ngày xưa là Dương Hồng Nhung và Vũ Long sẽ tái ngộ với khán giả, và cuộc gặp gỡ bất ngờ với NSƯT – đạo diễn Lê Cường – người thầy, người anh khai sinh ra đội kịch Tuổi Ngọc, sẽ gợi nhắc lại một khoảng trời rất đẹp mà kịch truyền hình dành cho thiếu nhi đã mang đến với khán giả nhí.

Giao lưu với NSƯT – đạo diễn Lê Cường và hai diễn viên Dương Hồng Nhung và Vũ Long trong Đội kịch Tuổi Ngọc 

Trong những năm 90, nhu cầu giải trí thông qua truyền hình của khán giả nhí ngày một nhiều hơn. Do vậy, bên cạnh chương trình “Những bông hoa nhỏ”, các bộ phim thiếu nhi nước ngoài, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã cho lên sóng chuỗi chương trình Kịch dành cho thiếu nhi, vừa đáp ứng mong muốn của các em, vừa mang bộ môn kịch nói đến gần hơn với các khán giả nhỏ tuổi. 

Từ đây, những vở kịch, như: Vết mực loang, Cái nón, Bao Công xử án cây kẹo rớt, Thằng quỷ nhỏ… cũng như những cái tên: Thanh Bình, Thiên Bảo, Thuỵ Vũ, Hồng Nhung, Mai Phương, Vũ Long... cùng đội kịch Tuổi Ngọc đã trở thành một phần ký ức khó quên đối với các khán giả nhí. 

Năm 2000, kịch truyền hình thiếu nhi của HTV gây được tiếng vang lớn khi series Chuyện ngày xưa được lên sóng. Dưới sự dẫn dắt của NSƯT Thành Lộc cùng nhóm bạn Líu Lo, Chuyện ngày xưa đã mang đến cho người xem những câu chuyện kể đầy thú vị, vừa hài hước nhưng cũng chứa đựng nhiều bài học cuộc sống.

Hiện nay, với sự phát triển của nhiều chương trình giải trí, gameshow, kịch truyền hình dành cho thiếu nhi không còn chiếm nhiều khung giờ phát sóng. Thế nhưng, những người thực hiện chương trình luôn cố gắng duy trì và mang đến cho các em những vở kịch có nội dung tốt, ý nghĩa, để các thế hệ khán giả nhí luôn sẽ có cho riêng mình một mảng ký ức khó quên về “Kịch truyền hình dành cho thiếu nhi”.

Đến với Phần II – “Ký ức thành phố trẻ”, khán giả sẽ nhìn lại hình ảnh của những rạp hát đình đám một thời của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh như rạp Olympic, Đại Đồng, Hưng Đạo và đặc biệt là rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Chương trình còn ôn lại thời vàng son của Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần qua lời tâm tình của NSƯT Mỹ Uyên và NSƯT Hạnh Thúy, cùng những nỗ lực của thế hệ nghệ sĩ hiện nay để giữ lửa nghề và mang lại những tác phẩm kịch đặc sắc đến với công chúng.

Giao lưu với các NSƯT Mỹ Uyên và NSƯT Hạnh Thúy

Nếu nhắc đến nơi có hoạt động nghệ thuật sôi động nhất cả nước, sẽ là Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nơi đây là thủ phủ của sân khấu với hơn 50 rạp hát, được sáng đèn thường xuyên, và là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới mộ điệu. Trải qua năm tháng thăng trầm của sân khấu, con số ấn tượng ấy đã không còn nguyên vẹn, chỉ một số ít còn hoạt động đến ngày nay, phần còn lại đã chỉ còn nằm trong ký ức của những người yêu nghệ thuật thời ấy.

Một trong những rạp hát nổi tiếng nhất dành cho nghệ thuật kịch nói và cả cải lương ngày xưa chính là rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Được xây dựng từ những năm 1940, rạp Nguyễn Văn Hảo với sức chứa 1.200 khách, gồm 1 trệt 2 lầu, đã được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” của cải lương và kịch nói Sài Gòn. 

Nơi đây không chỉ là “thánh đường” của giới văn nghệ sĩ mà còn là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng đối với mảnh đất Sài Gòn xưa. Đó là sự kiện chính quyền VNCH cho ném lựu đạn vào nghệ sĩ diễn vở Lấp sông Gianh đêm 19/12/1955 nhằm trấn áp tinh thần yêu hoà bình và khát khao thống nhất đất nước của các nghệ sĩ. 

Và trước đó là sự kiện Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức mít tinh chuẩn bị cho CMT8 ngày 19/8/1945. Không chỉ rạp Công Nhân, mà nhiều rạp khác từng hiện hữu trên mảnh đất Sài Gòn – Gia Định cũng đã lưu giữ ít nhiều những câu chuyện khó quên về một thời hoa lửa. Trải qua những biến thiên của thời cuộc, hình ảnh nhộn nhịp của các rạp hát mỗi khi đêm xuống giờ chỉ còn là ký ức, nhưng đó sẽ là những thước phim không bao giờ quên một thời huy hoàng của sân khấu xưa.

50 rạp hát – một con số vốn bình thường của thời hoàng kim, nay chỉ còn là giấc mơ của những người tâm huyết với sân khấu nói chung và nghệ thuật kịch nói riêng. Thế nhưng, dù số lượng rạp có giảm, sự quan tâm của người dân thành phố với kịch nói có vơi đi, nhưng tình yêu mà những người nghệ sĩ dành cho bộ môn này vẫn còn rất nồng nàn. Dù có khó khăn, họ vẫn cố gắng giữ cho ngôi nhà sân khấu được sáng đèn, bởi đó là nơi họ được cháy hết mình với đam mê của cuộc đời.  

Tiết mục “Lối cũ ta về” được thể hiện bởi giọng ca Tuấn Nghĩa và đoàn múa Ngọc Trai Việt

Phần III – “Từ ký ức đến hôm nay” sẽ là những lời nhắn gửi từ khán giả, với thông điệp “Hãy tiếp tục yêu mến dòng chính kịch ở TP. Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh việc xem lại những hình ảnh tư liệu quý, hay gặp gỡ chia sẻ cùng khách mời, khán giả của “Miền ký ức” còn được thưởng thức các tiết mục ca nhạc đặc sắc, với sự tham gia của ban nhạc Miền ký ức, vũ đoàn Ngọc Trai Việt và nhóm Rồng Con. Đó là: Bài ca chưa viết hết lời (Sáng tác: Bảo Chấn, Biểu diễn: Đăng Quân, Võ Đức Trí, Hồng Phương, Tường Vi), Ước mơ hồng (Sáng tác: Phạm Trọng Cầu, Biểu diễn: Khánh Huế), Lối cũ ta về (Sáng tác: Thanh Tùng, Biểu diễn: Tuấn Nghĩa), Dạ cổ hoài lang (Sáng tác: Cao Văn Lầu, Biểu diễn: Bích Phượng), Hát (Sáng tác: Trọng Vũ, biểu diễn: Trương Thùy Dương, Dagout Doat).


Tiết mục “Hát” được thể hiện bởi hai giọng ca trẻ Trương Thùy Dương - Dagout Doat và đoàn múa Ngọc Trai Việt

Hương Ngọc Lan