Phim Trăm năm hạnh phúc được không?

Lê Mạnh Phương: Văn Hiệu vừa đáng thương, vừa đáng trách

Khi sống đủ lâu ở nơi mà bản thân chỉ là một sự tồn tại, thậm chí có lúc bị xem nhẹ, con người có lẽ sẽ biến đổi theo chiều hướng lệch lạc. Và đó là câu chuyện của Văn Hiệu, nhân vật do Lê Mạnh Phương thủ vai trong "Trăm năm hạnh phúc có được không?".


Lê Mạnh Phương đảm nhận nhân vật Văn Hiệu trong "Trăm năm hạnh phúc được không?"

* Từ một Thành Cang chính trực "vạn người mê" trong phim "Gieo nhân", Lê Mạnh Phương có màn lột xác hoàn toàn với nhân vật Hiệu trong phim mới. Hiệu là người như thế nào?

Đúng như mỹ từ "vạn người mê", nhân vật Thành Cang trong phim "Gieo nhân" là một người hiền lành, lương thiện và đầy lòng bao dung. Chính vì những điều tốt đẹp đó mà Thành Cang rất được khán giả yêu mến và dành nhiều lời khen ngợi. Nhưng với Văn Hiệu trong phim "Trăm năm hạnh phúc được không?", khán giả sẽ bắt gặp Lê Mạnh Phương trong tạo hình một nhân vật hoàn toàn khác với vai diễn trước đó. Văn Hiệu là nhân vật hiện đại có đời sống, tính cách và nhân phẩm hoàn toàn khác biệt với một Thành Cang bước ra từ văn học. 

Văn Hiệu ở rể. Bề ngoài, anh luôn ngoan hiền trước mặt bố mẹ vợ. Song, sâu thẳm trong anh luôn phải chịu đựng "sự áp đặt" của nhà vợ. Đó là những khuôn khổ, phép tắc mà mẹ vợ (bà Lợi do diễn viên Ngân Quỳnh thể hiện) đặt ra; đó là sự tồn tại gần như... không khí của anh khi bị xem nhẹ, không có tiếng nói trong gia đình vợ. Sự im lặng đầy khó chịu trước mặt bố mẹ vợ dẫn đến những mâu thuẫn nội tại trong Hiệu. Và chúng biến thành những cuộc cãi vã với vợ (Hương, do Thúy Nga đóng)! 

Càng xem phim, khán giả sẽ càng thấy Văn Hiệu trượt dài trong bế tắc mà đỉnh điểm là khi anh gặp vấn đề trong công việc, tự biến mình thành con mồi của kẻ khác. Từ đây, Văn Hiệu bắt đầu có những lựa chọn sai lầm và chúng kéo theo những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình anh. 


Trong ký ức của vợ, Văn Hiệu là một người đàn ông tốt

 * Điều gì khiến Lê Mạnh Phương thương cảm cho nhân vật của mình?

Văn Hiệu trước hết là một con người, anh muốn thực sự sống chứ không phải một dạng tồn tại! Từ một chàng trai tốt, yêu thương vợ con thật lòng, là người chịu thương chịu khó vất vả làm việc, Văn Hiệu dần bị biến đổi! Bởi anh đã sống đủ lâu trong chuỗi ngày ở nhà vợ, nơi anh không có tiếng nói, lúc nào cũng phải chịu sự áp đặt, thậm chí đôi khi không được xem trọng. 

Không chỉ gia đình nhà ngoại, gia đình mẹ ruột của Hiệu cũng luôn tạo áp lực cho anh. Việc mất đi những điểm tựa tinh thần này cộng với gánh nặng vô hình của một "trụ cột gia đình" khiến Hiệu ngày càng lệch lạc, dẫn đến những quyết định sai lầm và làm cho mâu thuẫn gia đình ngày càng nghiêm trọng. Lê Mạnh Phương thương cảm cho Văn Hiệu, bởi suy cho cùng, "không có lửa làm sao có khói", giọt nước lâu ngày cũng sẽ tràn ly! 


Văn Hiệu khi biết mình bị bạn làm ăn lợi dụng

* Thoát vai khỏi Văn Hiệu, Lê Mạnh Phương bất bình ra sao với nhân vật của mình? 

Mặc dù cảm thông cho hoàn cảnh của Văn Hiệu nhưng Lê Mạnh Phương không cùng nhân sinh quan với nhân vật của mình. Cuộc sống luôn có những điều nên làm và không nên làm, bất kể hoàn cảnh có thử thách ta bao nhiêu thì vẫn luôn phải tâm niệm "giấy rách phải giữ lấy lề". 

Lựa chọn là của Văn Hiệu, anh ta có quyền chọn nhưng lại chọn đi con đường sai lầm, và anh ta không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay số phận để cho mình quyền được làm sai! Thờ ơ với con cái, qua lại với phú bà, làm trái đạo lý vợ chồng, tác động vật lý với vợ... tất cả đều biến Văn Hiệu trở thành một con người tệ hại mà Lê Mạnh Phương không thể nào chấp nhận.

Giá mà Văn Hiệu có thể tỉnh táo hơn, suy nghĩ sâu sắc hơn, anh ta sẽ biết giá trị thực sự nằm ở trong từng giây phút hiện tại cùng với người thân của mình chứ không phải cố đuổi bắt một bóng hình thành công hay cố chứng tỏ mình là người có "tác dụng" trong gia đình. Thông qua bộ phim và qua nhân vật Văn Hiệu, Phương rất mong khán giả khi xem phim sẽ rút ra được những bài học sâu sắc để không phải đi theo những sai lầm như nhân vật trong phim thể hiện.


"Trăm năm hạnh phúc được không?" cho người xem nhiều lời cảnh tỉnh

* Thông qua bức tranh hôn nhân của từng tuyến nhân vật, "Trăm năm hạnh phúc được không?" mang nhiều bài học đắt giá. Với vai Hiệu trong cuộc hôn nhân trúc trắc của mình, Lê Mạnh Phương rút ra bài học gì cho bản thân?

May mắn nhất của người diễn viên là được sống và trải nghiệm cuộc đời rất nhiều nhân vật với tính cách khác nhau. Văn Hiệu trong "Trăm năm hạnh phúc được không?" mang một màu sắc đậm nét với tính cách rất riêng, rất rõ ràng. Sau đoạn thời gian gắn bó với Văn Hiệu, Phương thấy được bản chất và mối quan hệ nhân quả ẩn phía sau đó. Thông qua cách Văn Hiệu nhận thức, hành xử và mắc sai lầm, không chỉ Phương mà hẳn là người xem cũng sẽ tránh được "vết xe đổ" để không phạm vào những sai lầm đồng thời học được cách quan tâm, yêu thương gia đình, trân trọng những gì mình đang có để xây dựng gia đình ngày càng hạnh phúc hơn. 

Qua đây, Lê Mạnh Phương xin chân thành cảm ơn quý khán giả trong suốt thời gian qua đã luôn yêu thương và dành sự quan tâm đến Phương cũng như các nhân vật mà Phương thể hiện. Đó là động lực giúp Phương cố gắng hơn để mang lại những nhân vật hay, những trải nghiệm cảm xúc thú vị dành đến quý khán giả.

Thiên Bình