Nghệ sĩ và sàn diễn

Khởi động dòng kịch Bắc Sơn

Vinh danh dòng kịch “Quê ngoại” của NSƯT – nhạc sĩ Bắc Sơn một thời được khán giả yêu thích, gia đình cố nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn đã làm sống lại không gian kịch chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của người nhạc sĩ tài hoa này.


Khách mời tham dự chương trình tọa đàm về dòng kịch Bắc Sơn gồm có: Ca sĩ Hạ Châu (bìa phải), Bích Thủy (con gái của cố nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn), nhà văn Mạc Tuyền (bìa trái), nghệ sĩ Tú Trinh (thứ hai từ trái qua). Chương trình phát sóng lúc 13g15 ngày 17/3 trên HTV9

Nghệ sĩ Tú Trinh cho biết, thời gian qua rất đông khán giả đến Nhà hát Bến Thành, rạp Công Nhân, Nhà hát Quân đội xem những chương trình giới thiệu về dòng kịch Bắc Sơn đều cảm nhận sâu sắc giá trị của những tác phẩm kịch nói mà cố nhạc sĩ – NSƯT Bắc Sơn đã sáng tác cách đây 50 năm. 

“Gia tài mà nhạc sĩ Bắc Sơn để lại cho đời đã được con cháu thực hiện đúng theo di nguyện của ông, khi mời các đạo diễn dàn dựng mới nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc về đời sống người dân Nam bộ thông qua những câu chuyện về tình làng, nghĩa xóm trong kịch bản mà ông sáng tác” – NS Tú Trinh chia sẻ.

Ca sĩ Bích Thủy, trưởng đoàn văn nghệ Tình ca Bắc Sơn – con gái thứ chín của ông cho biết, gia đình đã lưu trữ hơn 200 kịch bản mà cha mình để lại. Và chị cùng với người chị thứ năm là ca sĩ Hạ Châu (diễn viên Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, nay đã nghỉ hưu) thực hiện việc dàn dựng, để phục vụ khán giả.


NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Bích Thủy 

Có thể nói, các nghệ sĩ đã bồi hồi nhắc lại những cảm xúc khi sàn diễn các vở kịch được tái dựng bao giờ cũng mang lại sự xúc động. Bởi, sau mỗi câu chuyện là những ca khúc mang âm hưởng dân ca, khai thác sự mộc mạc, dung dị từ tình làng, nghĩa xóm. 

Nhà văn Mặc Tuyền là người nhận lời chỉnh lý, cùng với nghệ sĩ Bích Thủy, Hạ Châu xây dựng lại tuyến kịch, đưa chất đời từ cuộc sống đương đại vào mỗi vở diễn. 

Nhà văn Mạc Tuyền cho biết suy nghĩ của ông: “Dòng kịch của nhạc sĩ Bắc Sơn bám chặt đạo lý ngàn đời không phụ bạc với cánh đồng, con rạch, bờ sông, khóm rẫy đã cưu mang đời sống nông dân bao đời. Ông gửi vào đó nhiều lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ phải biết giữ gìn nguồn cội văn hóa và truyền thống dân tộc”.

Các nghệ sĩ trong cuộc tọa đàm kể về những câu chuyện nhà nông, đồng áng là đề tài phong phú với bút pháp đơn giản giàu chất thâm thúy của nhạc sĩ Bắc Sơn như: “Chuyện cái lư đồng”, “Bông bí vàng”, “Hoa đào năm ngoái”, “Mẹ ngồi sàng gạo”…. 

Ca sĩ Bích Thủy tự hào nói: “Tôi đưa kịch của ba tôi vào diễn tại các trường học, các em học sinh rất thích. Gần như mỗi tháng, đoàn Tình ca Bắc Sơn có 20 suất diễn, nên chị em tôi nghe những lời nhận xét, góp ý, nghe những trăn trở, lo toan của người nông dân, từ đó đưa vào kịch, để mỗi câu chuyện ba tôi viết tiếp cận với đời sống hôm nay một cách nhẹ nhàng”.


MC nhà báo Thanh Hiệp giao lưu với ca sĩ Hương Lan trong chương trình giới thiệu về nhạc và kịch của NSƯT Bắc Sơn

Còn với ca sĩ Hạ Châu – người thể hiện những ca khúc là nhạc chủ đề của mỗi vở kịch, chị nói: “Hồi đó chương trình kịch “Quê ngoại” của ba tôi và chương trình kịch “Mây tần” của soạn giả Kiên Giang được khán giả xem đài truyền hình chờ đợi ngày phát sóng. Kịch của ba tôi có sự tham gia của các nghệ sĩ: Bạch Lê, Tú Trinh, Ngọc Hân, Mặc Tuyền, Minh Thiện, Kim Lan, Bảy Ngọc… Ba tôi thường dành thời gian đi thực tế ở các tỉnh thành phía Nam để viết về kịch nhà nông, đồng thời ông có chất liệu quý từ việc đi dạy học để viết những câu chuyện kịch đương đại. Hai trường ba tôi dạy là Hùng Vương - nơi có 15 năm dạy nhạc và trường dạy chữ cho trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Vở kịch “Con dế mèn”, “Điệu ru mòn mỏi”… chính là lấy chất liệu từ những mảnh đời mồ côi, bất hạnh” – ca sĩ Hà Châu là người đã cống hiến cả thanh xuân cho Đoàn Nghệ thuật quân khu 7 đã tâm sự.

Trong buổi tọa đàm, các nghệ sĩ phấn khởi thông báo về tin vui trong năm 2019, không chỉ làm sống lại dòng kịch Bắc Sơn tại các sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh và đưa vào học đường phục vụ miễn phí trong chương trình “Kịch và nhạc của Bắc Sơn”. 


Các ca sĩ, diễn viên trong chương trình giới thiệu nhạc và kịch của NSƯT Bắc Sơn

Theo kế hoạch, 30 suất diễn tại các trường THCS, THPT sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Ưu thế của dòng kịch Bắc Sơn còn là một cách để giới thiệu những ca khúc mang âm hưởng dân ca chuyên chở thêm nhiều thông điệp đáng quý cho cuộc sống hôm nay. Vì mỗi câu chuyện kịch đều gắn với một bài hát mà ông đã viết dựa theo âm nhạc ngũ cung như: “Còn thương rau đắng sau hè”, “Em đi trên cỏ non”, “Sa mưa giông”, “Bông bí vàng”…

Bài và ảnh: Thanh Hiệp