Khoảnh khắc nghề nghiệp

Người xưa dạy, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cho nên, có những khoảnh khắc nghề nghiệp cũng chính là khoảnh khắc cuộc đời.

Người mẫu Cao Ngân

Nghề người mẫu

Ai đã từng là người hâm mộ của Cao Ngân sẽ biết cô là một người mẫu sở hữu vóc dáng cân đối với chiều cao vượt trội 1,78m những năm 2015-2016 và cũng biết đến một Cao Ngân siêu gầy, cân nặng 40kg, trình diễn trong đêm chung kết “Vietnam Next Top Model 2017”.

Khán giả thắc mắc vì sao Cao Ngân lại thay đổi nhanh đến vậy? Người thương thì quan tâm, người thường bàn tán gọi đó là trào lưu mà Ngân cố tình tạo ra, người hùng bàn phím thì bình phẩm đủ điều tiêu cực. 

Phản ứng của cư dân mạng khiến Cao Ngân khá sốc. Bởi cô cũng chưa tìm ra lý do vì sao mình lại mất trọng lượng nhanh đến vậy. Mãi một tuần sau đêm chung kết Next top model, cô mới biết mình bị nhiễm trùng phổi, di chứng từ một tai nạn cướp giật khiến cô bị té, gãy xương và dập phổi từ trước đó. 

Sau thời gian dưỡng bệnh ở quê, giờ đây, ngồi nói chuyện với Hamlet Trương, Cao Ngân đã hồi phục sức khoẻ và vóc dáng ngày xưa. Cô vẫn không quên được Khoảnh khắc tai nạn nghề nghiệp đã để lại nỗi ám ảnh sâu sắc trong lòng. 

Vốn là người chân chất, Ngân không nghĩ mình sẽ trả đũa ai, “biết thì buồn vậy thôi chứ sao cấm được họ”. Là người mẫu, bước lên sàn diễn thì đã trở thành người của công chúng, nhưng cô mong khán giả hãy bớt “ném đá” vào hình ảnh thân thể của cá nhân, vì dù là bất cứ ai, họ cũng cần được tôn trọng. 

Nghề Tổng đài viên 1080

“Tổng đài 1080, danh số 77 xin nghe…”

Đó là lời chào quen thuộc với những ai cần cung cấp thông tin kinh tế - văn hoá – xã hội và các dịch vụ tiện ích thông qua tổng đài 1080, mở đầu cho cuộc nói chuyện giữa tổng đài viên và khách hàng. 

Tổng đài 1080 kết nối 

Cách đây 20 năm, trước khi công cụ tìm kiếm Google trở nên phổ biến, thì 1080 là con số mọi người dân đều nhớ và tìm đến khi cần tìm thông tin và đôi khi cả lúc cần tâm sự. Công việc làm dâu trăm họ này không chỉ áp lực về tần suất cuộc gọi, có khi lên đến cả trăm ngàn cuộc mỗi ngày, mà buộc con người là việc nơi đây cũng trở thành một kho kiến thức thường thức đa dạng “cái gì cũng biết”.

Cuộc sống nghề nghiệp của họ có thể được xem là những chuỗi khoảnh khắc nối tiếp nhau, có vui có buồn, từ ngày này qua ngày khác. Nhưng đối với chị Hồ Cẩm Phương vẫn có những khoảnh khắc vượt trội, làm rung động và ghi khắc trong tim người tổng đài viên vô cùng điềm tĩnh và bao dung. 


 Chị Hồ Cẩm Phương, tổng đài viên 1080

Đó là ánh mắt trong veo, háo hức của các bé khi công chúa tuyết do chị hoá thân trao quà Nô-en (dịch vụ 1080). Những lần trực Tết, nhận được những cuộc gọi từ vị khách nước ngoài xa xôi chỉ để được nghe giọng nói quê hương ấm áp. Còn có lời chúc Tết của các chiến sĩ biên phòng đang canh giữ đất trời Tổ quốc trong thời khắc giao thừa, gửi đến với người “đồng cảnh”. 

Những khoảnh khắc đó, chị đã trở thành người thân của những con người chưa hề gặp mặt, trở thành biểu tượng của quê hương, vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi để kết nối những tâm hồn Việt.

Có thể thấy đối với các dịch vụ vừa mang giá trị của “não” vừa mang giá trị của “tim” đem đến cho khách hàng, chị Cẩm Phương đã vô cùng trân trọng những giá trị đến từ trái tim và lấy đó là tiêu chí cho hoạt động nghề nghiệp suốt cuộc đời mình. 

Nghề xây nhà cho người đã khuất

“Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” – Truyện Kiều, Nguyễn Du. 

Mỗi năm ít nhất một lần, người Việt đều ghé thăm ông bà đã khuất trong dịp lễ tạ mộ (23-30/12 âm lịch) hoặc tảo mộ (3/3 âm lịch) ở nghĩa trang. Người ta sẽ thấy yên lòng nếu ngôi nhà của ông bà được xây đẹp đẽ, chu đáo, được trồng hoa cỏ xanh tươi, mát mẻ. Đó cũng  công việc của chú Nguyễn Văn Tròn, nhân viên mai táng. 


MC Phương Uyên trò chuyện cùng nhân vật – chú Nguyễn Văn Tròn

38 năm làm việc ở Nghĩa trang nhân dân Lái Thiêu, công việc hằng ngày của chú Tròn là chuẩn bị huyệt mộ theo tiêu chuẩn quy định cho những người vừa mất. Khởi đầu nhận việc là để sinh nhai, nhưng chứng kiến những khoảnh khắc người sống đau đớn tiễn đưa người đã mất, chú Tròn nhận ra ý nghĩa của công việc mình làm, đó là xây nhà cho người đã đi xa để an ủi tình người ở lại. 

Người đời nhìn chú bằng “nửa con mắt”, không xem công việc của chú là một nghề nghiệp đặc thù. Chỉ những ai đã mất người thân, đi tảo mộ ngày xuân, mới hiểu rõ những gì chú đã làm cho họ. Sự hỏi han, trân trọng quan tâm của những người thăm mộ đã đem lại niềm vui cho chú. 

Chết chưa phải là kết thúc, người khuất bóng vẫn tiếp tục sống trong tình yêu và trí nhớ của người thân, bạn bè. Mà nơi mang tính vật chất để gửi gắm tình yêu đó chính là mộ phần. Nếu không có chú Tròn và những người đồng nghiệp, thì ai sẽ chăm sóc những ngôi nhà cuối cùng kia. Vì vậy, chú mong rằng, mọi người hãy “thông cảm cho nhau về công việc của mỗi người và hãy nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện, chân tình”. 

Nghề nghiệp nào cũng có khoảnh khắc đáng nhớ, khoảnh khắc đó giúp mỗi người nghiệm ra giá trị, ý nghĩa mà nghề của mình mang lại cho cộng đồng, từ đó hình thành động lực để chúng ta tiếp tục vững bước trên con đường mà mình đã chọn. 

Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.

Xuân Long