Nghệ sĩ và sàn diễn

Hướng đi nào cho nghệ thuật truyền thống?

Chưa bao giờ việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, khi chủ trương xã hội hóa và sáp nhập các đơn vị nghệ thuật được thực hiện một cách triệt để và mạnh mẽ tại các địa phương.


Cuộc trò chuyện giữa nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp (từ trái qua) với ba vị khách mời đến từ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai: NS Hồng Gấm, NSND Ngân Vương và NSND Giang Mạnh Hà, phát sóng lúc 13g15, ngày 11/11/2018 trên HTV9

Theo NSND Giang Mạnh Hà: “Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của đơn vị nghệ thuật truyền thống có bề dày thành tích như Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, chiếc nôi này đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh, chắp cánh cho nhiều nghệ sĩ trẻ phát huy tài nghệ. Các đơn vị nghệ thuật tiêu biểu của các tỉnh miền Đông đã nỗ lực không ngừng, ngoài việc phục vụ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, các đơn vị này còn tuyên truyền đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, ca ngợi và động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước”.

NSND Giang Mạnh Hà đã gắn bó nhiều thập niên với chiếc nôi nghệ thuật này, đã cho rằng, sau thời hoàng kim là thời kỳ hoạt động kém hiệu quả do những bất cập của cơ chế bao cấp. Bắt đầu từ sau năm 1986, trước công cuộc đổi mới của nước ta đã đặt ra những thử thách mới, nhiệm vụ mới cho các đơn vị nghệ thuật và chủ trương xã hội hóa, sáp nhập các đơn vị nghệ thuật đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Bảo tồn nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh sáp nhập và xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật hiện nay là việc làm khó khăn và cần sự đầu tư, quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo các địa phương.

“Tuy nhiên, khi việc xã hội hóa và sáp nhập diễn ra đồng thời ở các địa phương, đã dẫn tới thực trạng, nhiều tỉnh, thành phố không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Điều này xảy ra khi địa phương đó xác định không có loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu nào cần duy trì với tư cách một đơn vị độc lập. Đồng Nai đã giữ vững đơn vị nghệ thuật này, đồng thời tiếp tục tạo nguồn nhân lực cho đoàn thông qua đào tạo diễn viên” – NSND Ngân Vương cho biết.


Về cách làm, NS Hồng Gấm chia sẻ, phải làm một cách chuyên nghiệp, lựa chọn ra những loại hình nghệ thuật đặc trưng của từng địa phương để từ đó có những giải pháp cụ thể. Đồng Nai đã chọn nghệ thuật cải lương vì đó là nét đẹp  truyền thống của tỉnh. 

Ngoài việc Nhà nước quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, địa phương cũng phải chú trọng đến công tác cán bộ, phải lựa chọn những người lãnh đạo có năng lực, có tâm, tầm và có khả năng bao quát các lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách. Có như thế, mới không làm mất đi tính chuyên môn và loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu tại địa phương.

“Mặt khác, Trung ương và các địa phương phải căn cứ vào các văn bản pháp lý đã ban hành như Luật Di sản văn hóa, Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020, định hướng 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, để xây dựng đề án bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống” – NSND Giang Mạnh Hà đề xuất.

Thanh Hiệp