Gõ cửa âm nhạc: Nhạc sĩ Lại Hồng Xứng và “mối tình trên núi”

Là một kỹ sư xây dựng nhưng lại đem lòng đam mê âm nhạc. Đồng hành cùng với chuyên môn chính, bộ sưu tập các sáng tác của ông cũng trở nên phong phú theo thời gian. Ông chính là nhạc sĩ Lại Hồng Xứng.


Lại Hồng Xứng – người nhạc sĩ luôn hứng thú với tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước 

Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Lại Hồng Xứng, phần lớn là do ông tự mày mò học tập và chỉ tham gia một số chương trình học nâng cao ngắn hạn chứ chưa qua trường lớp bài bản. Thế nhưng, âm nhạc của ông luôn được đông đảo khán giả yêu thích. 

Đến nay, gia tài sáng tác của ông có khoảng hơn 100 ca khúc gồm nhiều thể loại nhạc như: truyền thống, tình ca, thiếu nhi, nhạc trẻ và cả nhạc dân ca... Các tác phẩm điển hình có thể kể như: Hành trang mùa hè xanh (Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam), Hành khúc cựu chiến binh Việt Nam, Hành khúc tàu ngầm Việt Nam, Gặp mẹ trong mơ, Anh viết tên em, Tình quê, Hà Nội khúc tình ca, Gặp em trên núi, Chợ tình Khau Vai, Lắng nghe Hà Nội thu, Tập tầm vông, Búp bê ngủ ngon... Hiện nhạc sĩ Lại Hồng Xứng là hội viên Hội âm nhạc TP. Hồ Chí Minh.

Xin chào nhạc sĩ Lại Hồng Xứng. Được biết, trong chương trình “Sắc màu âm nhạc” phát sóng lúc 15g20 ngày 27/6 trên HTV9, có giới thiệu ca khúc “Gặp nhau trên núi” – một sáng tác mới của nhạc sĩ. Xin nhạc sĩ cho biết, bài hát được sáng tác trong hoàn cảnh nào? 

Nhân chuyến du lịch tại tỉnh Hà Giang năm 2019, tôi được thăm rất nhiều cảnh đẹp hùng vĩ thơ mộng và những nét văn hóa đặc sắc của vùng núi phía Bắc này như công viên đá Đồng Văn, đỉnh đèo Mã Pi Lèng, dòng sông Nho Quế, chợ tình Khau Vai,… Đây là lý do tôi viết bài hát Gặp nhau trên núi để nói về tình yêu lãng mạn của đôi trai gái người H’Mông. Ca sĩ Huỳnh Lợi chính là người được tôi “chọn mặt gửi vàng” cho ca khúc này bởi anh có giọng ca sáng, khỏe, giàu sức sống và xử lý tốt nhiều loại nhạc có chất liệu dân ca khác nhau. Gặp nhau trên núi được anh ấy thể hiện đúng như những gì tôi mong đợi.


Nhạc sĩ Lại Hồng Xứng chụp hình kỷ niệm cùng ca sĩ Huỳnh Lợi khi đến thu hình chương trình “Sắc màu âm nhạc” 

“Gặp nhau trên núi” kể về câu chuyện gì, thưa nhạc sĩ?

Ở Khau Vai có một chợ tình nổi tiếng đi vào huyền thoại mà có thật. Chuyện kể rằng, tại đây có chàng Ba - người dân tộc Nùng khôi ngô tuấn tú thổi khèn hay và giỏi giang nhất vùng nhưng nhà nghèo khó. Nàng út rất xinh đẹp con nhà giàu người dân tộc Giáy. Hai người yêu nhau say đắm nhưng không được dòng họ chấp nhận vì thế mà xảy ra mâu thuẫn lớn. Trước hoàn cảnh đó, hai người quyết định chia tay, mỗi người đi một phương và hẹn ước rằng, cứ vào ngày 27 tháng 3 hàng năm sẽ về gặp nhau. Kể từ đó, hàng năm ngày 27/3 là chợ tình Khau Vai được mở và chỉ có 1 đêm duy nhất.

Nhưng điều đăc biệt là chợ chỉ dành riêng cho những ai có mối tình đầu dang dở mới đến chợ gặp nhau. Có khi vợ đưa chồng đi tìm người tình cũ của chồng và ngược lại. Họ gặp nhau, thăm hỏi động viên nhau trong đời sống hiện tại, họ trò chuyện, uống rượu, ca hát cả đêm, hôm sau lại chia tay ra về, không có chuyện ghen tuông hay kỳ thị. Và đây chính là điểm nhấn để nhiều tác giả khai thác sáng tác ra nhiều tác phẩm nghệ thật hay.


Nhạc sĩ Lại Hồng Xứng (bìa phải) giao lưu cùng nghệ nhân thổi kèn người H’Mông giữa chợ tình Khau Vai

Được biết, nhạc sĩ là người con của tỉnh Thái Bình – một địa danh đã từ lâu đời nổi tiếng với loại hình hát chèo. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác của ông?

Tôi sinh ra ở cái nôi hát chèo Thái Bình nên từ nhỏ đã thấm chất chèo nên trong các ca khúc tôi viết đều tận dụng đặc tính này. Đề tài mà tôi hứng thú nhất là tình yêu lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước. Tôi quan niệm, viết một tác phẩm trước hết phải nghĩ tới người nghe và giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó sao cho đơn giản đi vào cuộc sống đời thường một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, không gò bó, sáo rỗng. 

Thật ra công việc chính của tôi là kỹ sư xây dựng. Tôi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nghề chính là đi xây dựng những công trình thủy điện như: Trị An, Thác Mơ, Dầu Tiếng... 


Nhạc sĩ Lại Hồng Xứng giao lưu với các nghệ sĩ hát chèo tỉnh Thái Bình

Xuất thân là một kỹ sư xây dựng, nhưng điều gì đã mang ông đến với sáng tác âm nhạc?

Tôi sinh ra trong thời chiến tranh, tuy nhiên, khi đến tuổi 17 - 18, tôi lại không phải đi bộ đội như nhiều trai làng khác, vì thế mà tôi có cơ hội theo học chuyên nghiệp. Được vào trường học là điều kiện để tôi vừa học vừa thể hiện đam mê của mình. Mặc dù khi ấy tôi chưa biết gì về âm nhạc nhưng lại rất thích hát và tích cực tham gia hoạt động văn nghệ của nhà trường. 

Chính ở môi trường này đã cho tôi cơ hội tự học để thỏa mãn đam mê, và cũng chính từ các phong trào này, tôi đã sáng tác được khá nhiều ca khúc dành cho ngành xây dựng, trong đó tiêu biểu là ca khúc Tình ca người xây dựng được viết năm 1972, sau này được hát bởi ca sĩ Đức Tuấn. Khi ấy, tôi chưa học nhạc nên phải nhờ người ký âm cho.

Đến năm 1988, tôi vào công tác ở phía Nam thì có duyên gặp được nhạc sĩ Phan Long đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, anh đã chắp cánh cho tôi đến với âm nhạc chuyên nghiệp và góp phần nạp năng lượng cho tôi trong việc sáng tác các ca khúc mang một tầm cao mới.


Với nhạc sĩ Lại Hồng Xứng, “nếu mình còn sức khỏe thì còn viết, vừa vui, vừa khỏe và đóng góp được gì cho xã hội thì làm”

Và giờ đây, nhạc sĩ có muốn thực hiện một sản phẩm tổng hợp lại những ca khúc của mình để làm món quà kỷ niệm hoặc tri ân người yêu nhạc Lại Hồng Xứng?

Tôi có nhiều đề tài và “album” các công trình xây dựng làm đẹp giàu cho quê hương vì đó là nghề chính trong cuộc đời tôi, còn album âm nhạc thì chưa có vì chủ yếu viết nhạc là để... vui là chính mà thôi.

Xin cảm ơn nhạc sĩ về những chia sẻ thú vị này. Chúc nhạc sĩ luôn mạnh khỏe và sẽ cho ra nhiều nhạc phẩm hay để đời!

Á Quân