Gõ cửa âm nhạc: Nghệ sĩ Huỳnh Quang Thái và những chia sẻ về Hợp xướng trong âm nhạc cổ điển

Trong chương trình “Gõ cửa âm nhạc” tháng 8 và tháng 9, Saigon Choir tham gia với 8 tiết mục, trong đó có một số tiết mục là âm nhạc cổ truyền Việt Nam và một số nhạc phẩm nổi tiếng quốc tế dưới sự chỉ huy của nghệ sĩ Huỳnh Quang Thái.


Hợp xướng Saigon Choir trong chương trình “Gõ cửa âm nhạc”

Sau hơn bốn năm hoạt động miệt mài, Saigon Choir đã vượt qua nhiều khó khăn với quyết tâm hiện thực niềm đam mê mãnh liệt của mình và cũng đã đạt được những thành công đáng tự hào. 

Trong bốn năm qua, nhóm đã vinh dự góp mặt trong nhiều chương trình nghệ thuật quy mô cấp quốc gia và thành phố và biểu diễn giao lưu cùng nhiều dàn hợp xướng nước ngoài. Giải Vàng tại Hội thi hợp xướng quốc tế năm 2017 là một sự ghi nhận đáng tự hào dành cho Saigon Choir. Và quan trọng nhất, nhóm đã nhận được sự ủng hộ và yêu mến của đông đảo khán thính giả trong cả nước. Đó chính là thành công lớn nhất mà nhóm đã đạt được, bước đầu hiện thực hóa mục tiêu góp phần xây dựng một dàn hợp xướng Việt Nam chuyên nghiệp và đưa nghệ thuật hợp xướng đến gần với khán giả.

Cùng nghệ sĩ Huỳnh Quang Thái cảm nhận về âm nhạc cổ điển trong và ngoài nước ở phần 1 của chương trình với 4 tiết mục đặc sắc: Trống cơm, Ngựa ô thương nhớ, Precious Lord, Tchaka, được phát sóng lúc 15g20 ngày 8/8 trên HTV9 qua chủ đề “Hợp xướng trong âm nhạc cổ điển”.


Nghệ sĩ Huỳnh Quang Thái – Thạc sĩ - Giảng viên Thanh nhạc, Phụ trách và chỉ huy Dàn hợp xướng Sài Gòn (Saigon Choir)

Trống cơm - (Dân ca Bắc bộ, chuyển soạn: An Ngọc)

Tác phẩm Trống cơm được nhạc sĩ An Ngọc chuyển soạn lại cho hợp xướng theo phong cách không nhạc đệm (a cappella). Với ý tưởng thể hiện không khí ngày hội rộn ràng, trai gái ca hát vui đùa cùng nhau, tác giả đã phối tác phẩm này gồm 8 bè rất đầy đặn và có những đoạn các bè xuất hiện xen kẽ nhau tạo nên hiệu ứng đám đông rất hiệu quả. 

Các bè nam chủ yếu đóng vai trò phần đệm với những nét giai điệu chấm phá mô phỏng tiếng trống cơm trong khi các bè nữ giữ tuyến giai điệu chính và phần phụ họa cho giai điệu, tất cả hòa quyện một cách tinh tế tạo nên một chiếc áo mới đẹp đẽ cho bài dân ca đã quá đỗi quen thuộc. 

Đặc biệt, phần mở đầu và phần kết thúc là những giai điệu hoàn toàn mới do nhạc sĩ An Ngọc sáng tạo thêm, cũng là những chi tiết thú vị của bản phối này. Đây là một trong số những tác phẩm đã giúp Saigon Choir đạt được giải Vàng tại Hội thi Hợp xướng quốc tế tại Hội An vào năm 2017 và là một trong những tác phẩm được khán giả yêu thích nhất của nhóm.


Hợp xướng Saigon Choir sẽ mang đến một màu sắc mới cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua tiết mục “Trống cơm”

Precious Lord - (Tác giả: A. Dorsey, chuyển soạn: A. Sevier)

Đây là tác phẩm mang đậm phong cách hát hợp xướng truyền thống nhất trong chương trình. Là một bản thánh ca với nhịp độ chậm và giai điệu tiến hành đều đặn, nhẹ nhàng, thanh thoát, ca khúc được nhạc sĩ chuyển soạn viết theo lối kết hợp liên tục những hợp âm theo chiều dọc tạo nên âm hưởng trang nghiêm mà ấm áp, đem đến cảm giác bình an cho người nghe.

Ngựa Ô thương nhớ - (Sáng tác: Trần Tiến, chuyển soạn: Trương Chí)

Ca khúc nổi tiếng mang phong cách dân gian Nam bộ của nhạc sĩ Trần Tiến đã được nhạc sĩ Trương Chí thổi một sức sống mới vừa đầy tính hàn lâm vừa giữ được sự hào sảng, phóng khoáng vốn có. Đây là tác phẩm đầu tiên mà nhạc sĩ Trương Chí dành tặng riêng cho Saigon Choir sau khi anh xem nhóm biểu diễn vài lần. 

Là một nhạc sĩ cực kỳ khó tính trong chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về đặc tính cũng như ngôn ngữ của hợp xướng, anh đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và chuyển soạn ca khúc Ngựa Ô thương nhớ cho hợp xướng không nhạc đệm với mong muốn tạo ra một tác phẩm hợp xướng Việt Nam thật sự đặc biệt và anh đã làm được điều đó. 

Lần đầu tiên Saigon Choir trình diễn tác phẩm này là trong chương trình biểu diễn giao lưu cùng một dàn hợp xướng đến từ Đức, khi câu hát cuối cùng vừa dứt thì cả khán phòng (có cả khán giả và toàn bộ thành viên của dàn hợp xướng nước bạn ngồi xem) vỗ tay tán thưởng vang dội. 

Đặc biệt, các khán giả người Việt vốn đã rất quen thuộc với ca khúc này đều bất ngờ với phiên bản hợp xướng a cappella, họ chia sẻ là "Chưa bao giờ tôi hình dung rằng một dàn hợp xướng sẽ hát bài hát này và cũng không thể tưởng tượng là bài hát này khi được cất lên bởi một dàn hợp xướng thì nó lại hoành tráng đến như thế. Bản phối hay tuyệt vời và hợp xướng hát quá giỏi!".


Saigon Choir luôn biến đổi với những bản phối hay tuyệt vời và đội ngũ luôn tràn đầy nhiệt huyết

Tchaka – (Sáng tác: Sydney Guillaume)

Tchaka là tác phẩm do nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Haiti – Sydney Guillaume sáng tác. Là một người có đam mê đặc biệt với âm nhạc của thổ dân vùng Nam Mỹ, anh đã khai thác rất hiệu quả những chất liệu đặc sắc của loại âm nhạc đầy tính động năng này để tạo một nét riêng đầy sức hút cho các tác phẩm hợp xướng của mình. 

Những mô hình tiết tấu khác nhau vang lên cùng lúc ở các bè, sự thay đổi nhịp độ, thay đổi loại nhịp và điệu tính liên tục thực sự là một thách thức cho bất kỳ một dàn hợp xướng nào. Với sự quyết tâm cao độ, Saigon Choir đã dũng cảm chọn bài hát này để tập luyện và biểu diễn nhằm mang đến một trải nghiệm thú vị cho khán giả của mình. Và màn biểu diễn rực lửa trong concert Sunshiny Days của nhóm (năm 2018) đã thực sự làm cho hơn 300 khán giả choáng ngợp.


Màn biểu diễn rực lửa trong concert Sunshiny Days của Saigon Choir (năm 2018) 

Hương Ngọc