"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", từ lâu đã là mục tiêu mà ngành giáo dục hướng đến cho học sinh. Theo đó, có những cách thức hội nhập thú vị để vừa có thể nâng tầm giáo dục vừa tiếp nối truyền thống ngày xưa.
Cô Hà Thị Quý – giáo viên thời 4.0
Nghề giáo và sự đổi mới
Nhắc đến việc học, áp lực về điểm số, bài kiểm tra, những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức luôn là vấn đề nhức nhối mà ai đã và đang trải qua tuổi đến trường đều ít nhiều nếm trải. Đôi khi nó làm học sinh chán nản, buồn bực, có khi là muốn từ bỏ. Nhưng, với cương vị là một nhà giáo, cô Hà Thị Quý - giáo viên môn Ngữ Văn trường THPT Lê Quý Đôn, không cho phép điều đó xảy ra với những học trò của mình thông qua những phương pháp giảng dạy hiệu quả, nâng cao tinh thần học tập cho các em.
Từ nhỏ, cô Quý đã có niềm đam mê việc học to lớn. Thế nhưng, trong gia đình có tư tưởng phong kiến, cha của cô Quý quan niệm rằng, con gái thì chỉ nên ở nhà phụ giúp công việc là đủ. Hệ lụy của tư tưởng đó khiến con đường theo đuổi học vấn của cô vô cùng gian nan. Lớp 6, sách vở đều bị đem đi đốt, lớp 7 thì bị treo xe đạp lên trần nhà không được đến trường, và những mâu thuẫn, đấu tranh giữa hai cha con cứ tiếp tục mãi như thế.
“Tuổi thơ dữ dội" đã nung nấu trong lòng cô một khát khao muốn truyền ngọn lửa đam mê, quyết tâm và kinh nghiệm vượt khó cho những thế hệ đi sau có thể bước đi vững vàng trên con đường học vấn. Đó cũng là lý do để hôm nay cô đứng trên bục giảng, làm giáo viên, làm bạn, làm người dẫn đường cho học trò của mình.
Trong một lớp học điển hình ngày nay, học sinh được làm chủ giờ học, là hình thức mà các em chủ động khám phá kiến thức, tự giảng bài và tương tác với nhau bằng công cụ bài thuyết trình cùng những hình ảnh, đoạn phim sống động. Những con điểm kiểm tra giờ đây không chỉ dựa trên bài làm trên giấy, những kiến thức thuộc lòng, mà còn bao hàm kĩ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, thiết kế,..., được trau dồi và hoàn thiện qua việc tiến hành những dự án, bài báo cáo, những chuyến đi thực tế,...
Phần nào giảm đi áp lực học tập, điểm số, lại giúp các em có nhiều thời gian thoải mái, vui vẻ hơn. Tạo cơ hội cho các em áp dụng lý thuyết vào thực tế, được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ khác nhau, giao lưu với bạn bè từ khắp nơi. Tất cả đều trở thành những kỉ niệm đáng nhớ, những bài học đáng quý để các em trưởng thành hơn, cất giữ trong hành trang cho mình sau này.
Cô Quý chia sẻ câu chuyện của mình
Không chỉ giúp học sinh hứng thú hơn đối với sự học, như Bác đã từng nói: "“Vì lợi ích mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người”, cô Quý còn đồng hành cùng các em qua quá trình bồi dưỡng nhân cách một cách toàn diện với những hoạt động thiện nguyện và phát triển văn hoá đọc sách cho giới trẻ. Dạy cho các em biết sống chia sẻ, tiết kiệm, chan hoà và thân ái với mọi người xung quanh.
Trong tương lai, cô Quý sẽ vẫn giữ mãi ngọn lửa nghề giáo, với mong muốn sẽ càng lan rộng nhiệt huyết ấy đến với nhiều trường, nhiều học sinh hơn nữa, với quan niệm giáo dục tiến bộ, tiến đến một nền giáo dục hiện đại hơn, hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn.
Thấu hiểu và quan tâm
Trường học bây giờ đã trở thành ngôi nhà thứ 2 hiện đại, không kém phần tươi vui để bao thế hệ học trò gửi gắm tuổi thanh xuân của mình. Ở đó, không chỉ có những giáo viên Ngữ Văn như cô Hà Thị Quý, mà còn có thầy Lý Minh Long - giáo viên môn Toán trường THPT Nguyễn Hiền, đã luôn dành hết tâm huyết của mình để lắng nghe và thấu hiểu các em, nhằm tạo ra những hoạt động phong trào, những sân chơi bổ ích nhất. Các em tự do thể hiện tài năng, cá tính của bản thân cũng như được xả stress sau những giờ học căng thẳng, ghi lại dấu ấn tuổi học trò đáng nhớ tràn ngập niềm vui, tiếng cười.
Thầy Lý Minh Long, luôn tâm huyết, lắng nghe và thấu hiểu
Trong chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, người kết nối, nhà văn, ca sĩ Hamlet Trương đã kể về sự thán phục của mình khi gặp gỡ thầy trong vai trò người tổ chức một chương trình ca nhạc tại trường với sự tham gia của học sinh và những khách mời nổi tiếng. Một giáo viên chuyên môn, một thầy giáo phụ trách phong trào với bao công việc bận rộn, đã đưa được những xu hướng giải trí lành mạnh, những giá trị văn hóa tinh thần gần gũi nhất với cuộc sống vào môi trường học đường và được học trò ủng hộ, cổ vũ nồng nhiệt chẳng kém gì những sân khấu hoành tráng ngoài xã hội.
Thầy Lý Minh Long trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời”
Để làm được điều đó, theo lời chia sẻ của thầy, giáo viên phải luôn tìm kiếm, cập nhật thông tin, cập nhật xu hướng sống trong thế giới của các em, và thấu hiểu tâm lý khi giao tiếp với học sinh của mình. Chính sự thấu hiểu đó trở thành một nguồn tư liệu quan trọng để thầy có thể tổ chức càng nhiều những sự kiện, phong trào đúng với sở thích, nhu cầu của các em. Đồng thời cũng cần có sự chắt lọc, cân nhắc để phù hợp với môi trường học đường, truyền thống, văn hoá của người Việt.
Thầy Long cùng những phong trào cho các em
Được phân công đảm nhiệm chức vụ "trợ lý thanh niên" từ những ngày đầu tiên nhận công tác giáo dục với bao bỡ ngỡ, loay hoay thuở ban đầu để tìm cho mình một hướng đi lấy học sinh làm trung tâm. Đến nay, thầy lại “yêu công việc ấy nhiều lắm!”. Học sinh của thầy được dịp vận dụng kiến thức đã học, khẳng định bản lĩnh, nâng cao kỹ năng sống trong những sân chơi thú vị, bổ ích,,... Tất cả đều hướng đến sự phát triển toàn diện cho các em trong thời đại 4.0. Và hơn hết, thầy mong muốn học sinh của mình có sự tự hào khi nhìn lại một thời cấp 3 dưới mái trường lưu giữ kỷ niệm, sẽ mãi là ngôi nhà thứ 2 trong trái tim của bao thế hệ học sinh đến rồi lại đi.
Chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” phát sóng vào lúc 22g45 các ngày trong tuần trên kênh HTV9.
Phạm Nhi