"Dấu ấn thời gian 2020" và niềm tự hào âm nhạc Văn Cao

Trong năm 2020, “Dấu ấn thời gian” được ‘khoác một màu áo mới’ với hình thức mỗi tập phát sóng sẽ giới thiệu về một gương mặt tác giả cùng những nhạc phẩm để đời của người nhạc sĩ ấy qua những giọng ca ưu tú.


Nhóm Mắt Ngọc rộn ràng với tiết mục “Mùa xuân đầu tiên” trong ngày đón chào năm mới 2020

Mở đầu cho loạt Dấu ấn thời gian 2020 được phát sóng lúc 15g20 ngày 4/1 trên HTV9 là chương trình giới thiệu sự nghiệp của một “cây đại thụ” trong lịch sử âm nhạc Việt Nam - Nhạc sĩ Văn Cao.

Trong chương trình, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao sẽ được tái hiện qua những câu chuyện kể từ lớp nghệ sĩ kế thừa, đó là nhạc sĩ Trần Xuân Tiến; Thạc sĩ Lê Thị Trúc Anh.

Nhạc sĩ Văn Cao – Cây đại thụ âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, sáng tác các ca khúc lãng mạn như: Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi,... ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Với các ca khúc mang âm hưởng hào hùng, như: Tiến quân ca, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội,... vì vậy ông đã trở thành một nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc kháng chiến. 

Những bài hát của Văn Cao được quảng đại quần chúng ưa thích, bất kể đó là tình khúc hay ca khúc. Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca, sau này là Quốc ca chính thức của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời ông cũng là một trong những cây bút có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. 


Nhạc sĩ Văn Cao – Cây đại thụ âm nhạc Việt Nam

Các tác phẩm âm nhạc của Văn Cao tuy chứa đựng những tâm tư tình cảm của bản thân ông nhưng bên cạnh đó, thường gắn liền với cuộc đời của ông và hòa cùng các giai đoạn lịch sử của nước nhà. Do đó, các tác phẩm ấy thường giàu cảm xúc, khán giả khi thưởng thức ca khúc cũng sẽ cảm nhận được những cảm xúc ấy.

NSƯT Ánh Tuyết và nhạc phẩm “Suối mơ”

Bài hát Suối mơ, một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao, một ca khúc trữ tình lãng mạn, bay bổng những ước mơ cao đẹp. Nét nhạc nhẹ nhàng, duyên dáng như nét bút uyển chuyển của một họa sĩ tài năng vẽ nên những hình ảnh nên thơ “Bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng”. Lời ca trau chuốt gọt giũa như những câu thơ giàu nhạc điệu với nhiều hình tượng đẹp về “con suối róc rách”, “bóng cây thùy dương”, “đàn nai đùa trong khóm lá”… 


NSƯT Ánh Tuyết thể hiện tiết mục “Suối mơ” trong chương trình

Ca sĩ Huỳnh Lợi và nhạc phẩm “Ngày mùa”

Ngày mùa được Văn Cao sáng tác năm 1948. Tác phẩm này trở thành một trong những bài hát hay nhất trong số những bài hát viết về nông thôn Việt Nam. Điều đặc biệt là tác giả nói đến ngày mùa, đến nông thôn trong kháng chiến nhưng tuyệt nhiên không có khói lửa, đạn bom... Bởi cái không gian nông thôn mà Văn Cao nói đến có lẽ ở vùng tự do chỉ là một phần mà cái chính là nông thôn Việt Nam dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn êm ả thanh bình như vốn dĩ vẫn vậy. 

Và người nông dân chỉ quen với cuộc sống phẳng lặng gắn với đồng ruộng, con trâu, cái cày. Vì thế mà Ngày mùa đã mở đầu bằng những lời lẽ bình dị diễn tả một vùng khá bình yên: “Ngày mùa vui thôn trang, cũng như trên cánh đồng. Lúa không lo giặc về, khi mùa vàng thôn quê...”. Ngày mùa là bức tranh đẹp về nông thôn trong kháng chiến nhưng ở vùng tự do. Những người dân quê vui vẻ, lạc quan thanh thản gắn bó với ruộng đồng, làm ra những mùa vàng bội thu để phục vụ kháng chiến...


Ca sĩ Huỳnh Lợi sẽ mang đến chương trình một “Ngày mùa” bội thu 

Nhóm Mắt Ngọc với nhạc phẩm “Mùa xuân đầu tiên”

Mùa xuân đầu tiên được xem là một dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao. Niềm vui đón mùa xuân đầu tiên khi đất nước thống nhất tạo động lực rất lớn để nhạc sĩ Văn Cao sáng tác lại sau một thời gian dài ngưng sáng tác. Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc này năm 1976 vào dịp giáp Tết Bính Thìn, và ca khúc được đăng lần đầu tiên trên số báo Xuân Sài Gòn giải phóng 1976 với ý nghĩa mừng mùa xuân đầu tiên của nước nhà từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hình ảnh mùa xuân trong ca khúc là một mùa xuân cực kỳ bình dị “với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”, là “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi.

Chất nhạc, nhịp điệu, giai điệu trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên với điệu valse nhẹ nhàng, dìu dặt khiến lòng người trở nên thư thái, ngẫm ngợi, rung lên những cung bậc xúc cảm chân thành, dung dị về một mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, của dân tộc. 


Nhóm Mắt Ngọc trong tiết mục “Mùa xuân đầu tiên” 
Hương Ngọc