"Đến Đồ Sơn, thăm Đảo Dấu, lên đỉnh ngọn Hải Đăng, cảm giác đứng trên độ cao hàng chục mét đón gió căng, ngắm nhìn biển rộng mà lòng ngập tràn cảm xúc".
Đó là những cảm xúc chân thật được Đoàn làm phim TFS gửi gắm đến người xem qua "Ký sự biển đảo quê hương: Đảo Hòn Dấu - Đồ Sơn". Phim đã lên sóng vào 15g ngày 23/3 vừa qua trên kênh HTV9.
Địa hình Đồ Sơn được ví như "Rồng chầu về viên ngọc Hòn Dấu". Người Đồ Sơn luôn tự hào về lịch sử và giá trị thiên nhiên của địa hình "Cửu long chầu ngọc" được bao bọc bởi biển cả bao la. Trong đó, tháp Tường Long như dấu tích lịch sử vàng son, vừa là di tích lịch sử, vừa ẩn chứa nhiều bí ẩn. Theo "Đại Việt sử lược", vua Lý Thánh Tông ngự ra cửa Ba Lộ, cho xây tháp Tường Long vào năm 1058. Thời Lê, thầy địa lý Tả Ao biết ở vùng núi này có huyệt phát tích đế vương nên đã tìm đến khảo sát. Hay như thế kỉ XVI có lời sấm truyền "Phương Đông có khí sắc thiên tử" nên vua Lê Tương Dực sai thuật sĩ ra Đồ Sơn yểm bùa trấn áp được ghi chép trong "Đại Việt sử kí toàn thư". Những điều này dẫu truyền ngôn hay có thật, cũng khẳng định vị trí trọng yếu Đồ Sơn được các triều đại phong kiến rất quan tâm. Bên cạnh đó, tháp Tường Long còn là trạm giao thông liên lạc từ xa gắn với an ninh quốc phòng của quốc gia. Nơi đây có thể xem là tuyên ngôn của Đại Việt, sức mạnh của Đại Việt như rồng vươn ra biển lớn.
Có thể nói, Đồ Sơn như một con rồng vươn ra biển để ngậm viên ngọc Hòn Dấu - nơi có ngọn đèn biển sừng sững với tuổi đời hơn 100 năm. Từ những năm 1955, nơi đây có hai ngọn hải đăng lớn nhất miền Bắc là Long Châu và Hòn Dấu. Trong tập phim, khán giả đã tìm hiểu về lịch sử của hải đăng qua cuộc kháng chiến cứu nước, những con người anh dũng kiên cường, những câu chuyện vang danh sử sách, thấm đẫm tinh thần dân tộc...
Đoàn làm phim TFS còn đặt chân lên đảo Hòn Dấu, nơi cách bến Nghiêng 20 phút đi tàu. Người ta kể rằng, xa xưa trong những cuộc vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra phía biển, đó là đảo Hòn Dấu. Điểm nhấn trên hòn đảo thiêng này là đền thờ Nam Hải Thần Vương. Theo truyền thuyết, sau trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, ngư dân thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo. Nhìn quần áo của ngài, biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con bèn đắp mộ, lập đền thờ.
Bên cạnh đó, đảo Hòn Dấu là khu vực có quần thể Đa búp đỏ dày đặc nhất Việt Nam với hàng trăm cây mới được các nhà khoa học phát hiện, trong đó có 45 cây hơn 100 tuổi. Năm 2013, quần thể Đa cổ thụ trên đảo đã được công nhận là "Cây Di sản Việt Nam".
Xem lại một đoạn phim nhỏ trong "Ký sự biển đảo quê hương: Đảo Hòn Dấu - Đồ Sơn". Đón xem tập tiếp theo của loạt ký sự này với chủ đề "Đảo Cát Hải" vào 15g chiều nay (26/3) trên kênh HTV9.
Thiên Bình