Phim Dâu bể mùa xưa

Đạo diễn "Dâu bể mùa xưa" và lời hứa chưa trọn với ba mình

Thưởng thức "Dâu bể mùa xưa", người xem đắm chìm trong không gian nhiều hoài niệm, từ hình ảnh, cảnh quan đến cách đối nhân xử thế của các nhân vật. Đây là dự án phim đầu tay của đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa, con trai của cố nghệ sĩ Huỳnh Long Hải.

Sau gần nửa chặng đường phim, "Dâu bể mùa xưa" - 19g30 thứ Hai, Ba, Tư hàng tuần trên kênh HTV7 - đã ghi được nhiều dấu ấn trong lòng người xem.

Phim thu hút ngay từ những tập đầu tiên với nội dung kịch tính và cuốn hút, diễn biến tâm lý các nhân vật chặt chẽ, thoại phim ấn tượng, nhạc phim luôn ở đúng điểm rơi và gieo vào lòng người xem sự khắc khoải, thổn thức. Được biết, mới đây, phim đã nhận được đề cử giải Mai vàng Hạng mục phim truyền hình 2023. 

Đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa tại phim trường "Dâu bể mùa xưa"

* Cơ duyên nào gắn đạo diễn Huỳnh Long Trung Nghĩa với dự án "Dâu bể mùa xưa"? Là tác phẩm đầu tay, anh đã dành tâm huyết và tình cảm ra sao cho bộ phim này?

Trong quá trình đi tìm kịch bản để chuẩn bị cho dự án đầu tay, nhờ tác giả Trần Bích Hằng mà Nghĩa có cơ duyên gặp được "Dâu bể mùa xưa". Ngay từ lần đầu đọc kịch bản, Nghĩa đã có một cảm xúc đặc biệt với tác phẩm này. Đối với Nghĩa, đó chính là một mối duyên lành!

Bản thân Nghĩa có chút hoài cổ nên khi đọc tác phẩm này, Nghĩa liên tưởng đến vở kịch "Lá sầu riêng" mà bản thân từng có dịp tham gia trong vai Bé Sang. Đây là vai diễn đầu tiên, lúc Nghĩa 5 tuổi, cũng là vai diễn mà Nghĩa và ba Nghĩa (cố nghệ sĩ Huỳnh Long Hải) được đứng chung trên một sân khấu.


NSND Bảy Nam cùng đạo diễn Trung Nghĩa thời 5 tuổi (vai Bé Sang) trong vở diễn "Lá sầu riêng" kinh điển

Đến ngày Ba mất, Nghĩa vẫn nhớ như in câu nói của Ba: "Con chưa được gọi là đạo điễn vì con chưa có tác phẩm", dù lúc đó Nghĩa đã tốt nghiệp đạo diễn và đã là đạo diễn của các gameshow. Chính câu nói này cùng sự ân hận khi chưa làm tròn lời hứa với Ba đã trở thành động lực cho Nghĩa. Và những kỷ niệm với Ba tạo thành sức mạnh, thôi thúc Nghĩa phải hoàn thành tác phẩm này.

* Thông qua việc nhìn sâu vào nỗi sợ của nhân vật: Bà Bá - bà Ba Son sợ hãi lẫn nhau; Hiếu bị ám ảnh tâm lý về người chết sông; Nghĩa thiếu thốn tình thương của mẹ; Ông Bá luôn nói "Tất cả là lỗi của mình"..., anh nhận định ra sao về tính nhân văn trong phim?


Có những nỗi sợ hãi ẩn sâu trong bà Bá và bà Ba Son

Theo Nghĩa thì ở thời nào cũng vậy! Trong mỗi người luôn có những trăn trở riêng mà họ không dễ tỏ bày với người khác, ngay cả khi đó là người thân của mình. Và chuyện phim của các nhân vật trong "Dâu bể mùa xưa" cũng như thế.

Những sai lầm, tổn thương, tự ti, dằn vặt ẩn sâu trong từng nhân vật dần trở thành câu hỏi lớn buộc họ phải đi tìm câu trả lời. Có những nhân vật đi theo hướng tích cực hơn để giải quyết vấn đề của mình và ngược lại.

Quan điểm của Nghĩa là, không ai đúng hoàn toàn và cũng không ai sai mãi mãi. Nghĩa nghĩ trong thời buổi ngày nay, không ít người có những suy nghĩ giống vậy. Nên với Nghĩa, điều quan trọng nhất là sự chia sẻ giữa những thành viên trong gia đình, bởi nó sẽ giúp mọi chuyện tốt đẹp hơn, thay vì im lặng và dần rơi vào bi kịch giống các nhân vật trong phim.

* Thoại là một trong những nét rất riêng của "Dâu bể mùa xưa". Lối nói chuyện hoài cổ, cách thể hiện câu chữ cho ta cảm nhận sự ý nhị của nhân vật khi họ nói về tình cảm đôi lứa; sự thâm thúy trong từng lời chửi của bà Bá... Thông qua cách thoại này, phim muốn gửi gắm điều gì đến khán giả?

Một trong nhiều đoạn thoại đặc trưng của phim

Theo Nghĩa nghĩ, mỗi thời kỳ khi thay đổi thì ngôn ngữ cũng thay đổi theo để phù hợp với thời kỳ đó, bởi vì mọi sự vật hiện tượng vẫn luôn vận động, biến đổi không ngừng. Như hiện nay, trong khi ngôn ngữ gen Z đang phát triển mạnh thì ngôn ngữ giống như trong "Dâu bể mùa xưa" cũng sẽ dần mất đi.

Khi biên kịch và Nghĩa quyết định để các nhân vật thoại theo lối mà phim đã thể hiện, chúng mình muốn giới thiệu đến khán giả (nhất là tạo một sự gợi mở cho những ai có mong muốn tìm hiểu) những câu thành ngữ, những câu nói thâm thúy, ngôn từ ý nhị... từng có trong kho tàng văn hóa ngôn ngữ của ông cha ta.

Để có được những câu thoại như vậy, công lớn nhất thuộc về bạn biên kịch La Nguyễn Quốc Vinh. Bạn phải tìm hiểu tận tường ý nghĩa của từng câu nói, rồi đặt vào hoàn cảnh cụ thể sao cho hợp lý nhất, vừa thuận miệng trong ngữ cảnh vừa đảm bảo tính dễ nghe, dễ hiểu đối với người xem.

* Những người phụ nữ trong phim rất điển hình và là kiểu nhân vật quen thuộc với công chúng Việt: một bà mẹ chồng, một nàng dâu, một người "vợ bé", một ca nương... Anh muốn gửi gắm điều gì khi hình tượng hóa những người nữ như thế trong câu chuyện của "Dâu bể mùa xưa"?

Bà Bá chỉ mong con dâu yêu thương chồng, không cần vất vả làm việc nhà

Các nhân vật nữ trong phim "Dâu bể mùa xưa" là những phụ nữ điển hình và thời nào cũng có. Trước hết là mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu giữa bà Bá và Bông. Bà Bá vốn rất thương Bông, không để cô phải đụng tay vào bất kì việc nhà nào.

Ở đây, Nghĩa muốn khai thác số phận nhân vật dưới một góc nhìn khác, bởi quan điểm của Nghĩa là vợ chồng gắn kết với nhau bằng tình thương, nên khi chồng được vợ thương bao nhiêu thì mẹ chồng sẽ thương con dâu bấy nhiêu, vì "mẹ chồng cũng từng là một nàng dâu". Riêng trong phim này, mối quan hệ tốt đẹp giữa bà Bá và Bông rồi sẽ thay đổi vì những hiểu lầm mà khán giả theo dõi sau đó sẽ nhận ra.

Ca nương Hồng là một nhân vật nhã nhặn, nhẹ nhàng

Trong khi đó, Hồng - nhân vật ca nương trong phim - sẽ nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn và họ có lòng tự tôn của riêng mình. Điều quan trọng hơn cả, họ luôn muốn được thấu hiểu, được đồng cảm bởi chuyện phim diễn ra trong thời điểm mà quan điểm "xướng ca vô loài" còn rất nặng nề. Nhân vật ca nương trong phim luôn sống với tâm niệm "bán nghệ không bán thân". Không phải ai làm ca nương cũng xấu, đứng ở một góc độ nào đó, họ cũng cần được thừa nhận như bao ngành nghề khác trong xã hội.

Riêng về bà Ba Son - nhân vật gây nhiều tranh cãi, có lẽ "tội lỗi" lớn nhất của nhân vật này nằm ở chỗ, bà là người đến sau! Nhưng mặt khác, bà cũng là người bị hại, chịu nhiều tổn thương và bà cũng phải trả một cái giá rất đắt chỉ vì phút yếu mềm của mình. Nhưng không vì thế mà họ hận thù, ghen ghét, đố kị.

Qua câu chuyện của các nhân vật nữ trong phim "Dâu bể mùa xưa", Nghĩa ít nhiều muốn xây dựng hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ hơn, tình cảm hơn và cần được lắng nghe nhiều hơn. Bởi như Nghĩa thấy, càng về sau, bản lĩnh của người phụ nữ càng lúc càng thể hiện rõ, nhưng càng bản lĩnh, càng cứng rắn bao nhiêu thì họ lại cần được lắng nghe, chia sẻ đồng cảm bấy nhiêu. 

Thiên Bình