Đại chiến Đông - Tây hoành tráng trong “Cỗ máy tử thần”

Sau khi bị trì hoãn tận 10 năm trời, dự án bom tấn “Cỗ máy tử thần” (Mortal Engines) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Philip Reeve đã chính thức thành hình thành dạng qua bàn tay khéo léo đầy nhiệt huyết của nhà sản xuất Peter Jackson.

Bộ phim “Cỗ máy tử thần” (Mortal Engines) được chuyển thể từ tập đầu tiên trong loạt tiểu thuyết của Philip Reeve. Tác phẩm lấy bối cảnh thời hậu tận thế khi Trái đất gần như diệt vong sau sự kiện “Chiến tranh 60 phút”. Để sinh tồn, các thành phố lớn lúc này được cơ giới hóa trên các bánh xe khổng lồ, và đi nuốt chửng những thị trấn nhỏ hơn. Một trong số đó chính là London danh giá của nước Anh khi xưa.

“Cỗ máy tử thần” (Mortal Engines) lấy bối cảnh thời Hậu tận thế khi Trái đất gần như diệt vong

Một ngày nọ, Thaddeus Valentine (Hugo Weaving) - một yếu nhân tại London - bị cô gái Hester Shaw (Hera Hilmar) ám sát hụt. Trước khi trốn thoát, Hester bí ẩn buộc tội Thaddeus là đã giết chết mẹ mình. Tình cờ thay, chàng khoa học gia yêu thích lịch sử Tom Natsworthy (Robert Sheehan) vô tình nghe thấy câu chuyện. Cậu lập tức bị Thaddeus ném khỏi London, và buộc phải bất đắc dĩ hợp tác với Hester Shaw để nuôi hy vọng trở về đầy mong manh.

Với “Cỗ máy tử thần”, khán giả sẽ được hoà mình vào cuộc phiêu lưu ở tương lai, khi mà thế giới bị chia cắt thành các Thành phố Chuyển động, và từ đây cơn ác mộng về chiến tranh và xâm lược lại tiếp diễn. “Cỗ máy tử thần” đem lại cho khán giả một thế giới thật khác, nhưng cũng thật giống với hiện tại, hay thời kỳ Công nghệ cũ trong phim. 

Với London của Valentine, thì đây đại diện hoàn toàn cho tính cách tiêu biểu của phương Tây: chủ động, một chút ngang tàn, bạo lực và luôn luôn ở thế tấn công. Binh đoàn Kẻ săn mồi cho thấy năng lực của mình khi không chỉ sở hữu cỗ máy to lớn hùng mạnh, cùng lực lượng binh chủng cừ khôi, mà dần đến cuối phim khán giả còn phải bất ngờ với thứ vũ khí huỷ diệt do chính nhóm nghiên cứu của Valentine ấp ủ bấy lâu. Có thể nói, không gì có thể ngăn cản được dấu bánh xe của London trải rộng khắp địa cầu.

“Cỗ máy tử thần” xoay quanh cuộc đối chọi giữa hai thành phố lớn London - Shan Guo

Ngược lại, Shan Guo đại diện cho phương Đông vốn hiền hoà, ấm áp tình người, và luôn ở thế phòng thủ hơn là động thủ. Tuy nhiên, với sự tấn công ồ ạt đến từ Cỗ máy London, bức Tường Khiên khó mà chống đỡ được lâu dài, vì thế phía Shan Guo đã chuyển thủ thành công, kiên quyết chống trả kẻ địch. Hạm đội do Anna Fang dẫn đầu đã anh dũng lao vào họng súng của phe London, mở đường cho Hester và Tom lẻn vào trong căn cứ nơi cất giữ vũ khí lượng tử để huỷ bỏ lệnh bắn.

Đã lâu rồi, các mọt phim mới được trải nghiệm một cuộc chiến tranh hùng hồn giữa Á và Âu thế này, với nét tính cách tuy có phần hơi “gán ghép”, nhưng lại mô phỏng tương đối chính xác khuôn mẫu mà hầu hết những ai khi nghĩ về hai nền văn hoá này đều có quan điểm tương tự. Valentine dần dần đánh mất lý trí, bị ngập tràn bởi ý định xâm lược, chiếm đóng tất cả mà không tiếc rẻ mạng người, là đại diện cho quân tài phiệt khét tiếng, không để cảm xúc chi phối dù chỉ đôi chút.

Còn ngược lại, phe Á châu ủng hộ tinh thần yên phận thủ thường, xây dựng xã hội cố định phản chuyển động, dồn sức đầu tư một bức Tường Khiên hùng vĩ, vững chắc để bảo vệ, phần còn lại chỉ lo một cuộc sống yên vui. Nhưng con chó bị dồn vô góc tường cũng cắn lại, khi cảm thấy nguy hiểm cận kề, phe Anna Fang đã đặt số phận thần dân lên trên hết, kéo quân đi “một chọi một” với London. Đây là tinh thần không chịu khuất phục mà từ lâu người châu Á gây dựng, xuyên suốt một nền văn minh trải dài và bền vững suốt hàng nghìn năm.

Giống như các siêu phẩm khoa học viễn tưởng khác, ở “Cỗ máy tử thần” cũng lồng ghép nhiều giá trị nhân sinh cao đẹp, trong đó cơ bản và thân quen nhất vẫn là về tình yêu thương. Đó có thể là sự vị tha của thần dân Shan Guo dành cho người dân vô tội tại London, hay nhỏ bé hơn là tình cảm gia đình ấm áp giữa Hester và người mẹ quá cố, hay khi cô bé được nuôi nấng bởi Shrike dù cho đó là một cỗ máy giết chóc vô cảm, hay gần nhất chính là một thứ cảm xúc tin tưởng, ỷ lại mà cô dành cho người bạn đồng hành Tom.

Dẫu là phim viễn tưởng, bộ phim vẫn truyền tải những thông điệp ý nghĩa về ước mơ cao đẹp của con người

“Cỗ máy tử thần” chú tâm nhiều vào “nghiệp” lớn của Valentine nhằm tái cấu trúc vũ khí lượng tử chết chóc Medusa, nhưng không quên bỏ qua những ước mơ cao đẹp khác. Đó là câu chuyện của anh chàng Tom cùng ước muốn làm phi công đã đánh rơi đâu đó trên đường đời, để rồi bén duyên với sở thích nghiên cứu đồ cổ. Rồi lại kể đến Anna Fang - một đả nữ quật cường nhưng chỉ có ao ước nhỏ nhoi đến lạ cười - được sống một đời tự do. Và cả nữ chính Hester Shaw, cô bé luôn mang trong mình nỗi đau mất mẹ, nhưng khi tưởng như đã đánh mất niềm tin, cô lại gặp gỡ những con người đáng quý - yếu tố giúp cô gái mồ côi lạc lõng dần hiện hữu khát vọng được sống, chứ không khuất phục trước lưỡi đao của kẻ thù.

Điều đáng khen là diễn xuất ăn ý và rất có lửa giữa hai diễn viên chính. Hera Hilmar khắc họa rất tốt nhân vật Hester Shaw đầy tổn thương, giằng xé bởi hận thù nhưng cũng đầy khát khao được yêu thương. Tom Natsworthy (Robert Sheehan) hơi gàn, lắm mồm, có chút ngây thơ và thích lý tưởng hóa mọi thứ mặc dù vậy khi cần thì anh cũng rất dũng cảm và quyết đoán. Lúc ban đầu có thể hơi trái tính trái nết nhưng càng ngày họ thuyết phục người xem về tình cảnh giữa họ, đây là một trong số khá hiếm các đôi được xây dựng tốt làm khán giả tin tưởng vào tình yêu chớm nở trong một thời gian khá ngắn bên nhau.

Diễn xuất của cặp đôi diễn viên chính Hera Hilmar và Robert Sheehan cũng được đánh giá cao

Những cảnh chiến đấu của “Cỗ máy tử thần” không mới, khi “The Great Wall” hay “Attack on Titan” đã đi trước với đề tài cuộc chiến hai bên bức tường rất lâu. Nội dung của “Cỗ máy tử thần” cũng chẳng hề độc lạ, khi kiểu phim phiêu lưu chuyển thể được dẫn dắt bởi các diễn viên trẻ đã không còn xa lạ gì nữa. Nhưng điều thú vị mà “Cỗ máy tử thần” mang lại chính là chất lượng khó có thể chối cãi, khiến cho những thứ mà ngỡ như khán giả cảm thấy ngán ngẩm lại trở nên tươi đẹp, nghẹt thở, cuốn hút, mê hoặc có đủ. Peter Jackson đã hoàn toàn có màn “comeback” đại thành công, và dự án 10 năm ấp ủ của ông cũng đã chính thức ra hoa thơm quả ngọt.

Bộ phim “Cỗ máy tử thần” (Mortal Engines) được phát sóng vào lúc 12g50 Chủ Nhật (18/10/2020) trên kênh HBO thuộc hệ thống HTVC. Mời bạn đọc đón xem và theo dõi.

Song Anh