Công bố 2 công trình văn học nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp cùng NXB Văn học ra mắt 2 công trình đặc biệt là vở cải lương và cuốn tiểu thuyết cùng tên “Nợ nước non”, trong bộ sử thi nghệ thuật 3 tập mang tên "Nước non vạn dặm" - tác giả Nguyễn Thế Kỷ.

Tiểu thuyết "Nợ nước non", nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Cuốn sách viết về tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành của một nhân vật lịch sử, một vĩ nhân nhưng tác giả không nhằm mô tả tiểu sử nhân vật, mà điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước, cho dân.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, ông gặp phải thách thức lớn khi bắt tay viết bộ sử thi nghệ thuật "Nước non vạn dặm" về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi trước đó, nhiều tác giả đã khai thác thành công đề tài này. Tác giả đã bắt tay vào viết tác phẩm bằng tấm lòng, sự xúc động về vị cha già của dân tộc Việt Nam từ những ngày thơ bé cho tới khi trở thành một vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.

Trong buổi ra mắt, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Để viết tiểu thuyết về một nhân vật lịch sử, một con người như Hồ Chí Minh quả là một thách thức quá lớn. Trước đó, có lẽ chỉ có nhà văn Sơn Tùng đã viết "Búp sen xanh" về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nay là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ngay chính tình yêu quá lớn của những người Việt Nam nói chung và của tác giả nói riêng dành cho vĩ nhân Hồ Chí Minh lại chính là thách thức khó khăn nhất. Bởi người viết sẽ mang cảm giác sợ hãi khi chạm vào sự thiêng liêng ấy. Bởi bạn đọc sẽ "soi xét" nhân vật dựa trên rất nhiều cứ liệu, nhiều lý do và nhiều thái độ. Và bởi đây là tiểu thuyết và nhà văn phải sáng tạo ra một đời sống chi tiết của nhân vật mà hầu như chúng ta, kể cả các nhà sử học, không có đủ tư liệu cần thiết để tựa vào. Nhưng khi đọc xong tập I bộ tiểu thuyết này có tên "Nợ nước non", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết “đã trút được nỗi sợ hãi đó”. Tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã vượt qua được chặng đường đầu tiên một cách xuất sắc.

2 tập tiếp theo của bộ sử thi nghệ thuật "Nước non vạn dặm" dự kiến sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024 (tên gọi là “Lênh đênh bốn biển” và “Người về”). Tại đây, tác giả sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sức cảm hóa, lay động của Hồ Chí Minh với nhân dân mình và bạn bè quốc tế.

Chia sẻ về vở sân khấu cùng tên “Nợ nước non”- tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, với thời lượng của một tác phẩm sân khấu, ê kíp nhấn mạnh bằng những lát cắt, những khoảnh khắc lịch sử làm nổi bật hơn giai đoạn hết sức quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp của Bác. Cả vở diễn, tiểu thuyết có cùng tên gọi “Nợ nước non” không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội, mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911. Vở sân khấu “Nợ nước non” là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm xứ Nghệ; ca Huế; bài Chòi khu 5 và dân ca Nam bộ…

Thành ủy TP.HCM