Chương trình đồng hành chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu cải lương

Chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" đã thực hiện cuộc trò chuyện với những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã gắn bó nhiều thập niên với nghệ thuật cải lương. Chương trình phát sóng lúc 13 giờ 30 ngày 20/1/2019 trên kênh HTV9.


Đạo diễn Thanh Hiệp (trái) cùng các khách mời

Các khách mời gồm: NSND – Tiến sĩ Bạch Tuyết, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà báo Dương Thị Liên Chi (nguyên Trưởng Phòng Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - thành viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh), NSƯT – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, Tiến sĩ Lê Hồng Phước. 

Các nghệ sĩ đã nhắc lại thời sơ khai của nghệ thuật cải lương, khi đó hàng loạt gánh hát ra đời mở đầu cho thời kỳ vàng son của loại hình nghệ thuật đọc đáo này. “Người mộ điệu thời ấy không thể quên được những cái tên như gánh Thầy Thận Sa Đéc, Thầy Năm Tú, gánh hát kim thời "Đồng bào Nam" Mỹ Tho... 

Tiếp đó là những đại bang đầu tiên được ra mắt như: Nam Đồng bang, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Hồng Nhựt, Nghĩa Hiệp bang...  Trong đó, hai bang Phước Cương và Trần Đắc nổi lên với các tuồng đa thể loại. Sang thập niên 1930 - 1940, nhiều gánh hát mới tiếp tục được thành lập, tạo nên bức tranh sống động, đa diện của cải lương đương thời như: gánh hát Phi Phụng, Phụng Hảo, Thái Bình... gắn liền với những gương mặt nghệ sĩ xuất sắc như: Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Út Trà Ôn... khắc họa những mốc son rực rỡ của cải lương” – Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đã nhắc lại.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước nhắc đến thành tựu của giải HCV Thanh Tâm do nhà báo Trần Tấn Quốc sáng lập, “Mỗi nghệ sĩ đoạt giải đều mang những sắc thái riêng trong ca diễn với giọng ca không trùng lắp, nội lực diễn xuất sâu sắc. Hầu hết họ đều  vươn tới những đỉnh cao mới trong nghề sau khi được giải và được giới mộ điệu ví như những ngôi sao không bao giờ lịm tắt. Hành trình 10 năm của Giải Thanh Tâm  đã được điểm tô với  6 HCV xuất sắc và 24 HCV triển vọng”.


NSND Bạch Tuyết và nhà báo Liên Chi

Nhà báo Dương Thị Liên Chi nhấn mạnh đến quá trình 100 năm sân khấu cải lương gắn bó với lịch sử dân tộc. 100 năm sân khấu cải lương không thể quên sự hy sinh của những nghệ sĩ trên sàn diễn. Sân khấu cải lương giải phóng gồm các đoàn: Đồng Nai, Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Văn công Giải phóng, T4... diễn những vở đề tài cuộc sống mới, những vở lịch sử hướng về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

NSƯT – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng quan tâm đến chiến lược đào tạo đôi ngũ nhạc công cho dàn nhạc cải lương, nếu thiếu sự quan tâm đầu tư này sẽ không thể vực dậy sân khấu cải lương. “So với các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền khác của dân tộc như: tuồng, chèo, ca trù …, nghệ thuật cải lương sinh sau, đẻ muộn, nhưng với sức sống bền bỉ, khả năng thanh lọc và thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, được nhân dân nuôi dưỡng, bảo tồn. Cải lương đã bám rễ vào đời sống xã hội, đơm hoa kết trái, phát triển mạnh mẽ với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu và dàn kịch mục phong phú, góp phần làm đa dạng thêm cho nền văn hóa, văn nghệ dân tộc” – Tiến sĩ – NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng đã nói. 


Hướng đến kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố đã tri ân và tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương. Trong quá trình thực hiện chương trình, Ban Tổ chức đã tận tâm, tận, tận lực, cố gắng liên hệ, sưu tầm tài liệu, tìm hiểu thông tin.

Các thế hệ nghệ sĩ đã bày tỏ niềm vui cùng với những người làm nghề đã đóng góp tài năng, tâm huyết để xây dựng nền nghệ thuật cải lương cách mạng hôm nay. “Các bậc tiền bối, các cô chú không chỉ là những nghệ sĩ tiên phong có công đặt nền móng cho nghệ thuật cải lương nước nhà mà còn là tấm gương sáng về tài, về đức để lớp lớp thế hệ trẻ tiếp bước, không ngừng đổi mới để đủ sức duy trì sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật cải lương” – Tiến sĩ Lê Hồng Phước đã chia sẻ.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp